Theo ông Tấn, tổng diện tích vải thiều tại Bắc Giang năm 2016 là 30.000ha, giảm 1.000ha so với năm ngoái, sản lượng đạt khoảng 130.000 tấn (giảm 65.000 tấn so với năm 2015). Dự kiến sản lượng xuất khẩu 52.000 tấn, chiếm khoảng 40%, còn lại tiêu thụ nội địa với khoảng 78.000 tấn.
Theo ông Tấn, địa phương này sẽ giảm dần tỉ lệ xuất khẩu sang Trung Quốc, thay vào đó là đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, tận dụng hết các kênh phân phối để trái vải thiều phủ rộng hơn nữa.
“Ngay trong tuần sau, chúng tôi sẽ thực hiện tuần lễ vải thiều tại các siêu thị ở Hà Nội, nhằm giúp người dân phân biệt được trái vải thiều giữa các vùng và với sản phẩm Trung Quốc” - ông Tấn nói.
Cũng tại buổi kết nối, bà Nguyễn Thanh Hà, phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM), cho biết hiện lượng trái vải nhập chợ này khoảng 400 tấn/đêm, giá bán trung bình 25.000-35.000 đồng/kg, đồng thời cam kết tạo điều kiện để trái vải được lưu thông ngay ra thị trường, tránh hư hỏng.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết hệ thống Saigon Co.op dự kiến có thể tiêu thụ 600 tấn trái vải trong năm nay, tăng hơn 100 tấn so với năm trước. Tuy nhiên, theo ông Hòa, cần phải nâng cao bảo quản sau thu hoạch để vừa giữ chất lượng vừa giữ giá thành.
“Khâu đóng gói để đưa hàng vào siêu thị vẫn bị các nhà sản xuất bỏ qua nên chưa thể bán hàng như ý. Ngoài ra, chuyện vận chuyển cần phải được giải quyết triệt để. Thị trường phía Nam quá xa vùng nguyên liệu, chất lượng trái vải sẽ giảm rất nhanh nếu vận chuyển không đúng cách”, ông Hòa khuyến cáo.
Ông Trần Quang Tấn cho biết địa phương này đang xem xét và tính toán áp dụng công nghệ sau thu hoạch cho trái vải, nhưng khó khăn lớn nhất là giá thành rất cao. “Công nghệ của Nhật rất tốt nhưng chỉ để sử dụng xử lý vải thiều trong hai tháng là quá lãng phí nên phải tính toán để xen kẽ, cân đối sao cho phù hợp nhất”, ông Tấn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận