Uống rượu bia không có gì sai, nếu như biết dùng đủ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Lần này là chuyện "Vẫn còn "trống" quy định về rượu thủ công" (Tuổi Trẻ ngày 31-8-2018).
Bài viết nêu ra những con số đáng "giật mình": nước ta, tiền mua bia rượu vượt xa tiền xuất khẩu gạo, 36% người bị tai nạn giao thông vào viện có uống rượu bia trước đó, những ngày lễ con số này là 60%...
Khi dự thảo vẫn còn là dự thảo
Những con số ấy làm tôi nhớ lại thống kê của WTO vào tháng 6-2018: "Trung bình một người Việt từ 15 tuổi trở lên uống tương đương 21 lít rượu hoặc 170 lít bia/năm.
Và Việt Nam hiện xếp thứ 3 châu Á cùng với Thái Lan về mức tiêu thụ rượu bia, sau Hàn Quốc, Lào và cao hơn nhiều nước khác như Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ...".
Chúng ta đang tiêu thụ rượu bia một cách đáng báo động, và hệ lụy của rượu bia thì rõ như ban ngày. Và mặc cho cả xã hội kêu gọi giảm rượu bia thì dường như nó vẫn chỉ là... huyền thoại.
Tôi nhớ cách đây chừng hai năm, Bộ Y tế đã đưa ra dự thảo "cấm bán rượu bia sau 22h".
Thế nhưng, qua hai năm vừa rồi, trước nhiều luồng ý kiến trái chiều, dự thảo vẫn còn đúng nghĩa là dự thảo.
Năm 2013 đã có quy định "các loại rượu phải gắn nhãn mác, các hộ gia đình sản xuất rượu phải có giấy phép, nếu không sẽ bị cấm lưu hành".
Thử hỏi rượu nấu ở nhiều làng quê có giấy phép không? Có lẽ có, ở một số nhãn rượu nổi tiếng. Mà nước ta, nhắc đến rượu, tỉnh nào cũng "tự hào" về độ ngon của rượu địa phương mình.
Nhiều lần trên báo hoặc mạng xã hội, chúng ta thường thấy những khẩu hiệu "bỏ nhậu", "giảm bia rượu".
Nhiều khi chỉ là đùa vui trước... kèo nhậu. Nước ta, sự kiện gì cũng dẫn đến dùng rượu bia được. Đám cưới lắm khi nhậu "chết bỏ", đám tang đến chia buồn cũng "làm vài ly".
Rồi họp lớp, họp đồng hương; chia tay đồng nghiệp về hưu, chuyển công tác; hay thôi nôi, sinh nhật...
Nhiều nơi có khẩu hiệu "không uống rượu bia trong giờ làm việc", nhưng sau giờ làm việc họ... uống bù.
Uống bao nhiêu cho đủ?
Bây giờ thử tìm một anh "không biết nhậu" chắc rất khó? Xã hội đã mặc định rằng: không biết nhậu đồng nghĩa với không biết xã giao, quan hệ không tốt.
Ví dụ: liên hoan cơ quan, khi sếp và đồng nghiệp đều nâng ly cạn chén, bạn nâng ly nước lọc sẽ như thế nào?
Tất nhiên bạn có thể chối từ, không ai ép bạn cả, nhưng như đã đề cập ở trên, khi bạn từ chối bạn sẽ "cô đơn khủng khiếp".
Tác hại của rượu bia ai cũng biết. Và mọi người chia sẻ nhau cách "nhậu không say", làm sao để đến khi mọi người gục, mình vẫn "chiến đấu" được. Suy cho cùng, sử dụng rượu bia không có gì sai, nếu như biết dùng đủ.
Thế nhưng cái dở nằm ở chỗ chúng ta không biết đủ, hoặc với họ đủ là một khái niệm khủng khiếp.
"Anh em lâu ngày gặp nhau mày không hết mình à?", "Gala cuối năm của công ty sao mày uống nước ngọt?", "đàn ông mặc váy", hay "đau" hơn khi một cô gái cầm ly bia đến và nói "em uống với anh một ly". Thành ra ai cũng cần biết nhậu, còn nhậu tới đâu thì... ra bàn nhậu mới biết.
Giảm rượu bia, muốn thành hiện thực, phải có một quyết sách từ Chính phủ (kiểu như Singapore chẳng hạn).
Ngày 1-4-2015, Singapore cấm bán thức uống có cồn từ sau 22h30 mỗi ngày và sau 19h đến sáng hôm sau trong những ngày cuối tuần và lễ tết.
Quyết định từ quốc đảo sư tử khiến tôi đặt lại câu hỏi: Bao giờ nước mình mới kiên quyết như thế? Có lẽ câu hỏi đó chỉ hỏi cho vui thôi, vì bao nhiêu dự thảo vẫn còn là dự thảo.
Và ngày ngày trên mỗi con đường dù sáng hay trưa, chiều hay nửa đêm, các quán nhậu vẫn tấp nập khách ra vào. Vì thế, chuyện giảm rượu bia mãi mãi là… huyền thoại?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận