Người dân còn thải quá nhiều rác thải nhựa xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khiến các công nhân phải đi vớt hằng ngày - Ảnh: THU HIẾN
Hiện nay, các sở ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện đã ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai, phát động hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa", giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại cơ quan, đơn vị.
Dân còn xả rác thải nhựa quá nhiều
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc năm 2018, mỗi năm thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa. Đáng lo ngại là việc đốt rác theo cách thủ công sẽ thải ra cả dioxin - loại chất độc nguy hiểm.
Thông tin từ buổi lễ phát động trên cũng cho biết hiện Việt Nam sử dụng và thải bỏ hơn 30 tỉ túi nilông mỗi năm. Mỗi ngày Hà Nội thải ra hơn 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilông chiếm 7-8%.
Chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa. Mỗi năm Việt Nam cũng thải ra đại dương khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa, đứng thứ 4 trên thế giới.
Theo ông Nhựt, hiện nay người dân TP.HCM còn sử dụng đồ nhựa và thải rác thải nhựa quá nhiều. Do đó, vấn đề trước mắt là làm sao để thu gom, phân loại triệt để rác thải ngay tại nguồn. Và người dân phải thay đổi hành vi, thói quen ngay từ bây giờ thì công tác giảm thải rác thải nhựa mới có hiệu quả.
Chia sẻ thêm, ông Phan Ngọc Hải, đội trưởng đội vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho biết mỗi ngày số lượng rác mà đội vớt được là khoảng 10 tấn. Trong đó có đến 70% là rác thải nhựa như túi nilông, hộp xốp, chai nhựa…
Theo ông Hải, việc người dân xả rác xuống kênh còn rất nhiều, đặc biệt là vào mỗi buổi sáng sớm. Nhiều người vứt luôn cả bịch rác xuống dưới kênh, gây khó khăn cho lực lượng vớt rác. "Việc nhắc nhở người dân không vứt rác xuống kênh gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều lúc chúng tôi thấy dân vứt rác xuống kênh nhưng không thể làm gì được, vì họ vứt rồi nhanh chóng bỏ đi ngay" - ông Hải nói.
Sản phẩm thay thế đồ nhựa còn ít
Theo Sở Tài nguyên và môi trường TP, nhiều chương trình, kế hoạch triển khai của TP hiện nay đều gắn liền với phong trào "Chống rác thải nhựa" và vận động người dân giảm sử dụng túi nilông.
Nhiều địa phương tổ chức thu gom các loại rác thải nhựa để đổi các sản phẩm tiêu dùng, tặng giỏ đi chợ, tặng bình nước dùng nhiều lần, giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường để người dân tiếp cận... Những phong trào này đang lan rộng ở các phường, xã trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đã yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP gương mẫu, đi đầu trong công tác cắt giảm, sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. UBND TP phân công cụ thể từng sở ngành liên quan, UBND các quận, huyện tổ chức thực hiện hiệu quả việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi, cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilông.
Từ đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cũng cho biết sau khi thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn, rác thải nào tái chế được sẽ mang tái chế. Riêng phần còn lại sẽ đốt hoặc chôn lấp, không để rác thải nhựa tuồn ra môi trường.
"Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác giảm rác thải nhựa là tìm ra các sản phẩm thay thế chúng. Hiện nay, các sản phẩm thay thế đồ nhựa còn rất ít. Việc tìm ra những ý tưởng mới trong sản xuất sản phẩm thay thế đồ nhựa là rất cấp thiết" - ông Nhựt nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo tạp chí Môi Trường Và Đô Thị Việt Nam đã ký cam kết cùng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM chung tay chống rác thải nhựa.
Đồng thời tổ chức cuộc thi viết "Nói không với rác thải nhựa" nhằm tìm ra ý tưởng và các sản phẩm phục vụ công tác giảm thiểu rác thải nhựa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận