07/05/2016 09:04 GMT+7

Giảm phí đường bộ, được không?

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Chính phủ vừa giao các bộ ngành rà soát lại các trạm thu phí đường bộ và điều chỉnh mức phí cho hợp lý.

Trạm thu phí cầu Bến Thủy (quốc lộ 1) thu phí hoàn vốn cho các dự án đường tránh TP Vinh, sau đó là dự án mở rộng quốc lộ 1 (đoạn nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh TP Hà Tĩnh, theo hình thức BOT) đến hết tháng 12-2034 - Ảnh: Doãn Hòa
Trạm thu phí cầu Bến Thủy (quốc lộ 1) thu phí hoàn vốn cho các dự án đường tránh TP Vinh, sau đó là dự án mở rộng quốc lộ 1 (đoạn nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh TP Hà Tĩnh, theo hình thức BOT) đến hết tháng 12-2034 - Ảnh: Doãn Hòa

​Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5-5, dự thảo nghị quyết của Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GTVT, các địa phương rà soát lại mức phí đường bộ, phí BOT, đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí.

Theo các chuyên gia, trong khi chờ những giải pháp để kéo giảm phí, các cơ quan chức năng cần làm rõ cơ cấu mức phí, phương án tài chính của từng dự án BOT giao thông, đồng thời xử lý tình trạng trạm thu phí đặt ở đường này để thu cho đường khác, các trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách 70km, đặc biệt là những tuyến đường chỉ cải tạo, nâng cấp nhưng mức phí thu bằng đường làm mới hoàn toàn.

Trạm đặt ở đường này, thu phí cho đường khác

Tình trạng làm dự án BOT ở đường này nhưng thu phí ở đường khác được cơ quan chức năng lý giải nhằm đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư. Tuy nhiên với người dân và giới vận tải, đây là nỗi ấm ức dai dẳng từ nhiều năm qua.

Chẳng hạn, kể từ khi đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đưa vào khai thác cuối năm 2015, hai trạm thu phí số 1 và 2 trên quốc lộ (QL) 5 vẫn được duy trì và tăng mức phí theo lộ trình nhằm hoàn vốn cho đường cao tốc khiến người dân, các đơn vị vận tải bức xúc.

Theo nhiều người dân, họ chỉ đi trên QL5 nhưng lại phải đóng phí để hoàn vốn đường cao tốc. Về mặt pháp lý, từ ngày 15-1-2009 Chính phủ đã cho phép chuyển giao hai trạm thu trên để Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) thu phí hoàn vốn đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo một số cơ chế chính sách thí điểm đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Trước đó, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) vốn là trạm thu nộp ngân sách nhà nước để bảo trì hệ thống cầu đường Thăng Long - Nội Bài. Nhưng từ năm 2006 Chính phủ đã có chủ trương dùng tiền thu phí tại trạm này để thu hồi vốn đầu tư cho đường tránh QL2 qua thị xã Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) theo hình thức BOT.

Do đó từ ngày 1-8-2009, trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài đã được chuyển giao nguyên trạng cho Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 thu phí để hoàn vốn cho dự án xây dựng QL2 đoạn tránh TP Vĩnh Yên. Dù UBND TP Hà Nội nhiều lần đề nghị bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, người dân cũng bức xúc lên tiếng nhưng đến nay trạm thu phí này vẫn tồn tại.

Trong khi đó, người dân Thanh Hóa và giới vận tải từng than phiền về trạm thu phí Tào Xuyên đặt ở km318 QL1 để thu phí hoàn vốn cho đường tránh TP Thanh Hóa trong thời hạn thu 30 năm 8 tháng, kể từ ngày 1-1-2009. Việc đặt trạm thu phí cách đường tránh khoảng 2km, chặn thu tất cả các xe đi trên QL1 khiến dư luận khá bức xúc.

Để làm dịu dư luận, vào tháng 11-2012 trạm này được dời về km286+397 QL1 (thị xã Bỉm Sơn), cách vị trí cũ khoảng 32km. Theo giới vận tải, việc di chuyển trạm Tào Xuyên đến Bỉm Sơn chỉ là đưa trạm ra khỏi cửa ngõ TP Thanh Hóa. Về bản chất, trạm này vẫn đặt sai chỗ khi ngự trên QL1 để thu cho đường tránh TP Thanh Hóa.

Tương tự, nhiều người dân Nghệ An và Hà Tĩnh sống ở hai bên cầu Bến Thủy cũng rất bức xúc khi trạm thu phí cầu Bến Thủy (QL1) vốn thu nộp ngân sách nhà nước, nhưng từ năm 2002 các bộ ngành thống nhất thu phí hoàn vốn cho các dự án đường tránh TP Vinh, sau đó là dự án mở rộng QL1 (đoạn nam cầu Bến Thủy đến tuyến tránh TP Hà Tĩnh theo hình thức BOT) đến hết tháng 12-2034.

Trạm thu phí số 2 trên quốc lộ 5, Hải Phòng - Ảnh: Tiến Thắng
Trạm thu phí số 2 trên quốc lộ 5, Hải Phòng - Ảnh: Tiến Thắng

 

Khoảng cách vênh chính sách

Theo quy định hiện hành, khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm thu phí trên một tuyến đường phải đảm bảo 70km. Trường hợp không đủ khoảng cách này, Bộ GTVT thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính để quyết định vị trí đặt trạm (với đường địa phương quản lý thì UBND tỉnh báo cáo HĐND quyết định).

Tuy nhiên, trong thực tế số trạm thu phí không đủ khoảng cách tối thiểu hiện đang xuất hiện dày đặc. Chẳng hạn trạm Tân Phú trên QL20 chỉ cách trạm Bảo Lộc 33,8km.

Tương tự, trạm cầu Đồng Nai (km1872+350 QL1) cách trạm thu An Sương - An Lạc 42km, cách trạm km1842+912 QL1 (Ninh Thuận) 31km. Trên QL51, ba trạm thu phí chỉ cách nhau 17,7 - 27,5km. Còn trên QL13, các trạm thu phí Vĩnh Phú, Suối Giữa, Chơn Thành, Tân Khai và Hoa Lư chỉ cách nhau 16,9 - 38,6km...

Lý giải về khoảng cách các trạm thu phí không đúng với quy định, Bộ GTVT cho rằng do không có vị trí hợp lý để đặt trạm, nếu đặt đúng khoảng cách 70km thì lại rơi vào đô thị...

Ngoài vấn đề khoảng cách, thu phí đường này cho đường khác, người dân, giới vận tải cũng thắc mắc tại sao có những tuyến đường chỉ cải tạo, nâng cấp lại có mức thu phí tương đương đường xây dựng mới hoàn toàn.

Chẳng hạn tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được cải tạo, nâng cấp 4 làn xe với chiều dài 29km, đạt tiêu chuẩn cao tốc (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 1.974 tỉ đồng nhưng có mức phí thấp nhất trên toàn tuyến cũng tới 45.000 đồng với xe 12 chỗ trở xuống.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lợi - một tài xế thường chạy xe hợp đồng ở Hà Nội - bức xúc cho biết nếu tính theo kilômet, mức phí đường Pháp Vân - Cầu Giẽ tương ứng đến hơn 1.550 đồng/km dù tốc độ tối đa cho phép chỉ là 100 km/h.

Trong khi đó đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 54km chỉ có mức thu 70.000 đồng với xe 12 chỗ trở xuống, chưa đến 1.300 đồng/km và tốc độ tối đa cho phép lên đến 120 km/h.

“Mới cải tạo lại mặt đường cũ, tốc độ cũng thấp hơn đường cao tốc nhưng Pháp Vân - Cầu Giẽ đã thu phí còn cao hơn phí đường cao tốc. Không biết sau này họ mở rộng lên 6 làn xe sẽ thu cao đến đâu nữa” - anh Lợi bức xúc.

Tương tự, việc cải tạo QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình được thực hiện theo phương án giữ nguyên quy mô hiện hữu và thảm thêm một lớp thảm bêtông nhằm tăng cường cường độ mặt đường 31km.

Tuy nhiên, mức phí cho phép thu với xe dưới 12 chỗ ngồi đã là 25.000 đồng/lượt (từ đầu năm 2016 là 35.000 đồng/lượt) và 180.000 đồng/lượt (từ đầu 2016 là 200.000 đồng/lượt) với xe 18 tấn trở lên, xe chở container 40 feet.

“Thực chất việc cải tạo 31km QL6 này nhằm lấy cớ thu phí hỗ trợ xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức BOT. Chỉ thảm lại 31km mặt đường QL6 mà thu phí hoàn vốn trong thời gian 25 năm 9 tháng thì quá lâu” - một chuyên gia giao thông nhận định.

Kể từ khi trạm thu phí đặt tại thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình) đi vào hoạt động (ngày 20-10-2015), nhiều chủ xe sống tại thị trấn này liên tục tập trung phản đối khiến nhà đầu tư BOT và các bộ ngành buộc phải thực hiện việc giảm vé tháng cho chủ xe sống tại địa bàn thị trấn.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp