02/06/2014 00:01 GMT+7

Giảm phát thải khí nhà kính còn chậm

congtien_canbiet
congtien_canbiet

Cần biết - Mặc dù Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 – 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nhiệm vụ định hướng giảm phát thải khí nhà kính, tích cực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, song việc triển khai thực hiện còn chậm và chưa phát huy hiệu quả.

Thời gian vừa qua, ngành công nghiệp đã và đang góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển mạnh sản xuất công nghiệp cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến không khí bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.

Theo báo cáo thống kê của Viện Dầu khí Việt Nam, sau khi tiến hành khảo sát thực tế các hoạt động của ngành dầu khí từ năm 2010 đến nay, cùng trên cơ sở kết hợp các tính toán dựa vào chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến 2015, tầm nhìn 2020, Viện đã đánh giá cơ bản được lượng phát thải khí nhà kính. Theo đó, đến năm 2015, lượng phát thải khí nhà kính (khí CO2) từ hoạt động của ngành công nghiệp dầu khí sẽ lên tới 42 triệu tấn, tăng 3,6 lần so với năm 2013.

Nguyên nhân chủ yếu khiến lượng phát thải khí nhà kính tăng là vào năm 2015, các nhà máy điện than do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư tại Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh), Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai)… đi vào hoạt động ổn định nên lượng phát thải khí từ đây sẽ cao gấp ba lần hiện nay. Bên cạnh đó, hoạt động của nhà máy đạm Cà Mau, nhà máy xơ sợi Đình Vũ và một số nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học cũng đi hoạt động ổn định, do đó sẽ thải ra lượng khí nhà kính đáng kể.

Theo Viện Dầu khí Việt Nam, xét ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp thì nguồn phát thải lớn nhất là từ ngành công nghiệp điện với 5,6 triệu tấn/năm, chiếm 50% tổng lượng phát thải; công nghiệp khai thác dầu khí chiếm khoảng 28%; ngành lọc hóa dầu chiếm 18% và phần còn lại là từ sản xuất phân đạm và công nghiệp khí. Để giảm lượng khí nhà kính phát thải từ các hoạt động cốt lõi của ngành dầu khí Việt Nam, ngành dầu khí vẫn tiếp tục các giải pháp thu hồi, tái sử dụng khí đồng hành từ quá trình đốt đuốc và thu hồi khí Metan thất thoát từ các bồn chứa… để làm nhiên liệu cấp tại chỗ (như chu trình công nghệ thu hồi CO2 của Nhà máy đạm Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu để sản xuất phân bón) hoặc phân tách thành các sản phẩm có giá trị kinh tế như khí hóa lỏng LPG, xăng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

UxJYL7XH.jpg

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, không phải ngành công nghiệp nào cũng quan tâm để xây dựng kế hoạch và đánh giá hiện trạng phát thải khí nhà kính. Bởi hiện nay cả nước có gần 300 khu công nghiệp, nhưng vấn đề đánh giá tổng thể hiện trạng phát thải khí nhà kính vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Việc kiểm soát khí thải ở khu công nghiệp ít được sự quan tâm, đầu tư; do đó đến nay hầu hết các khu công nghiệp đều có những báo cáo, đánh giá rất thủ công mà chủ yếu chỉ báo cáo thống kê lượng khí thải ở thời điểm kiểm tra, chứ chưa có một hệ thống kiểm soát để đưa ra những con số đầy đủ và khách quan.

Đến nay, ở Việt Nam, tuy chưa phải thực hiện nghĩa vụ cắt giảm phát thải khí nhà kính, nhưng việc tích cực triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ giúp có cơ hội để tận dụng các nguồn hỗ trợ song phương, đồng thời thể hiện trách nhiệm quốc gia trong việc chung tay góp sức với cộng đồng quốc tế chống lại biến đổi khí hậu nhằm giảm nhẹ những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Đại diện Viện Khí tượng thủy văn và Môi trường cho biết, để thực hiện tốt các giải pháp giảm nhẹ mức phát thải khí nhà kính thì trước hết, cần phải nghiên cứu xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể để đảm bảo 2 lợi kép là giảm nhẹ được phát thải khí nhà kính nhưng cũng đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, chiến lược giảm phát thải khí nhà kính sẽ bao gồm hai vấn đề lớn: sử dụng các công nghệ có mức phát thải thấp trong sản xuất và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng chính sách và biện pháp tăng cường bể hấp thụ khí nhà kính, phát triển và bảo vệ rừng, trồng và tái trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc… Bên cạnh đó, cũng cần phải xây dựng quy chế, giám sát, xử phạt và hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp để cùng thực hiện tốt các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

congtien_canbiet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp