01/05/2019 13:49 GMT+7

Giảm mỏ cát, 'cát tặc' lộng hành

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Tình trạng khai thác cát lậu ở Bến Tre rầm rộ hơn từ khi tỉnh này thông báo hết hạn khai thác hai mỏ cát trên sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Từ phản ảnh của bạn đọc, Tuổi Trẻ đã có ghi nhận thực tế này.

Giảm mỏ cát, cát tặc lộng hành - Ảnh 1.

Một chiếc sà lan đang hút trộm cát trên sông Hàm Luông tối 10-4 - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Cuối năm 2018, Sở Tài nguyên và môi trường Bến Tre thông báo hết hạn khai thác cát lòng sông tại mỏ cát Tiên Thủy - An Hiệp (sông Hàm Luông, huyện Mỏ Cày Bắc và huyện Châu Thành) và mỏ cát Phụng Châu (sông Cổ Chiên, huyện Chợ Lách). 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh này chỉ có 2 mỏ cát còn giấy phép hoạt động, một mỏ do người dân phản ứng nên không thể khai thác, một mỏ chất lượng cát kém nên hoạt động cầm chừng.

Chưa bao giờ họ liều lĩnh thế!

Khan hiếm cát lấp và tình trạng khai thác cát lậu hoạt động rầm rộ hơn trên các sông.

20h một tối giữa tháng 4, ông T., người dẫn đường cho chúng tôi, lái chiếc ghe 1 tấn từ bến phà Tân Phú về phía hạ nguồn sông Hàm Luông. Qua bến phà khoảng 3km đã thấy hàng loạt ánh đèn mờ mờ chớp tắt liên tục giữa sông. 

"Đó là đèn của những chiếc ghe, sà lan hút cát trộm. Họ chỉ sử dụng đèn vừa đủ sáng để tránh bị phát hiện" - ông T. giải thích.

Đúng như ông T. nói, khi chiếc ghe chở chúng tôi đến gần hơn, nhìn rõ hơn 10 chiếc ghe gỗ, sà lan đang rầm rộ thò vòi xuống lòng sông hút cát. Cát từ lòng sông theo những chiếc vòi dài cả chục mét được hút gấp gáp, vội vã lên ghe.

Theo ông T., tình trạng hút cát trộm trên sông Hàm Luông đã có từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, sau một thời gian bị lực lượng chức năng truy đuổi, siết chặt quản lý, "cát tặc" chỉ dám hút vào đêm khuya nhưng là một vài chiếc ghe xuất hiện. 

"Còn bây giờ trời vừa nhá nhem là có ghe hút trộm cát rồi. Chưa bao giờ họ liều lĩnh vậy!" - ông T. nói.

Tiến đến một chiếc sà lan sắt đang hút cát mang số hiệu BTr: 5072, ba thanh niên trên sà lan vẫn làm việc bình thường. Một người trên cabin cầm vôlăng, thỉnh thoảng chớp đèn xuống khoang xem lượng cát đã bơm được, hai người còn lại đứng hai bên mạn sà lan điều khiển hai ống loại lớn lựa vị trí nhiều cát để hút.

Cạnh đó, chiếc sà lan cỡ lớn không có số hiệu mà chỉ có con số "18" bên cabin liên tục pha chiếc đèn pha vào chúng tôi tỏ vẻ thách thức. Ông T. cho biết có nhiều hôm ông chạy ghe qua khu vực này, lỡ pha đèn vào những ghe đang hút cát còn bị họ chửi bới, hăm dọa. 

Chỉ một khúc sông khoảng vài chục mét, nhiều sà lan mang số hiệu Bến Tre, Tiền Giang... ngang nhiên hút cát mặc chúng tôi chạy ghe sát bên pha đèn.

Sáng hôm sau, chúng tôi quay lại khúc sông này, nhìn rõ hai bên bờ nhiều đoạn bờ bao nằm sát vườn cây của người dân bị sạt lở nghiêm trọng. Một số nhà dân thuộc xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre phải tự bỏ tiền làm kè bằng bêtông chống sạt lở. 

"Từ đầu năm đến nay họ hút dữ lắm. Sụp tối là có ghe ra hút. Dân chúng tôi tay không sao dám lên tiếng" - ông H., người dân xã Tiên Thủy, bất lực nhìn đoạn bờ bao sát vườn cây nhà mình bị sạt lở từng ngày, nói.

Kéo giảm cát lậu

Giải thích tình trạng "cát tặc" lộng hành hơn kể từ đầu năm 2019 đến nay, ông T. nói: "Bây giờ Bến Tre, Tiền Giang không còn mỏ cát nữa, trong khi nhu cầu san lấp ngày càng nhiều. Nếu đi qua các địa phương khác như Vĩnh Long, Trà Vinh mua thì vẫn còn nhưng phải di chuyển xa, lời không còn bao nhiêu nên hầu hết chủ ghe, sà lan làm liều hút trộm".

Trong khi đó, phản ảnh với Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Nơi bức xúc: "Gần đây "cát tặc" rất lộng hành ở khu vực Cù Lao Đất thuộc xã An Hiệp, huyện Ba Tri. Bản thân tôi đã chở nhiều đoàn đi rình bắt "cát tặc" nhưng không dẹp được. Đất đai trên cù lao sạt lở từng ngày. Như gia đình tôi đến nay đã bị mất trắng 3 công đất" - ông Nơi nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Lê Văn Minh, trưởng Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bến Tre, cho biết trong quý 1-2019, các lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện 133 vụ khai thác cát trái phép trên sông thuộc địa bàn tỉnh và xử phạt với số tiền gần 3,5 tỉ đồng. 

Cũng theo ông Minh, Bến Tre có nhiều con sông (sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên), địa bàn rộng với tần suất hoạt động gần như liên tục của gần 800 phương tiện hành nghề khai thác cát, phần lớn không có đăng ký, đăng kiểm, gây khó cho công tác quản lý.

Ông Lê Văn Đáo - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Bến Tre - cho rằng rất khó chấm dứt được tình trạng khai thác cát lậu nhưng phải kéo giảm. 

"Nếu nói do không có mỏ cát nên "cát tặc" lộng hành rất khó thuyết phục. Trong năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức đấu giá 5 mỏ cát trên các tuyến sông Tiền, sông Hàm Luông" - ông Đáo cho biết. 

Nếu 5 mỏ cát được cấp phép, Bến Tre sẽ có 7 mỏ cát đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân địa phương.

Tàu

TTO - Các nhóm khai thác cát trái phép vẫn hoạt động, thách thức cơ quan chức năng và tai mắt người dân địa phương.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp