Thiếu hụt kali tạo nguy cơ dẫn đến cao huyết áp và đột quỵ
Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết tăng huyết áp thường dẫn tới đột quỵ, gây các biến chứng trong tim mạch và gây suy yếu thận.
Có nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước nhấn mạnh tới các yếu tố về dinh dưỡng giữ vai trò quyết định trong sự phát triển tăng huyết áp trên cơ thể người, trong đó nhấn mạnh tới vai trò của kali.
Trong nhóm cộng đồng dân cư sử dụng lượng kali cao trong khẩu phần, đã nhận thấy số người tăng huyết áp thường có tỉ lệ thấp hơn nhóm cộng đồng có lượng kali thấp trong khẩu phần. Khẩu phần ăn có lượng kali cao đã có tác động phòng chống tăng huyết áp có hiệu quả trên người.
Đặc biệt gần đây, nhiều kết quả theo dõi trên lâm sàng nhận thấy cho bổ sung kali đã có tác động làm giảm cả áp lực tâm thu và tâm trương máu. Lượng kali trong khẩu phần ăn có thể ảnh hưởng tới tỉ lệ mắc bệnh và tử vong, không phụ thuộc vào tác động của áp suất máu.
Khẩu phần có lượng kali cao đã làm giảm tỉ lệ tử vong do đột quỵ và giảm tổn thương thận, trong thử nghiệm tăng huyết áp trên chuột. Theo dõi tại một số cộng đồng dân cư của Nhật nhận thấy khẩu phần ăn có tỉ lệ thấp natri/kali đã làm giảm tỉ lệ tử vong do đột quỵ khoảng 10 năm.
TS Trương Hồng Sơn - viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết trước đây chế độ ăn quá nhiều muối thường được cho là nguyên nhân gây tăng huyết áp. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng một chế độ ăn mất cân đối về lượng natri và kali mới thực sự là vấn đề.
Các chương trình sức khỏe cộng đồng đang cố gắng hướng tới việc tuyên truyền cho mọi người về việc tăng cường các thực phẩm giàu kali vào bữa ăn hằng ngày để phòng chống tăng huyết áp cũng như bệnh tim mạch và bệnh thận.
Cân bằng kali, natri nạp vào bằng thực phẩm tươi sống
TS Sơn phân tích, kali là một loại chất khoáng cần thiết cho cơ thể, nhưng chúng cũng là chất điện giải và đóng vai trò quan trọng trong điều hòa huyết áp. Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu có ý kiến trái ngược nhau nhưng sự thật là việc cân bằng lượng natri - kali trong cơ thể là điều vô cùng cần thiết.
Chế độ ăn giàu kali có thể là biện pháp có hiệu quả trong trường hợp cần tăng bài niệu và bài xuất natri.
Ngược lại với natri, kali gây giãn mạch, do vậy làm giảm huyết áp. Lượng kali ăn vào cao giúp chống lại tăng huyết áp và kiểm soát tốt huyết áp ở bệnh nhân tăng huyết áp. Lượng kali ăn vào không đủ có thể gây tăng huyết áp. Nếu hạ kali máu do dùng thuốc lợi tiểu cần bù kali.
Trong một nghiên cứu lớn ở những người có huyết áp cao, dùng kali bổ sung có thể giúp giảm huyết áp tâm thu.
Tuy nhiên, người bệnh tăng huyết áp không nhất thiết phải sử dụng thuốc bổ sung kali mới có được những lợi ích về sức khỏe tim mạch, mà chỉ cần dùng kali từ thực phẩm tự nhiên đều có thể giúp giảm huyết áp tâm thu hiệu quả ở những người bị tăng huyết áp.
Một chế độ ăn giúp cân bằng được lượng natri - kali nạp vào đó là ăn các thực phẩm tươi sống, giàu kali.
Các loại rau lá xanh, nấm, quả việt quất, quả bơ, cần tây, xà lách, chuối, cà chua, khoai lang, mơ, sữa chua từ động vật ăn cỏ và cá hồi Alaska là những loại thực phẩm bạn có thể ăn để giảm huyết áp tự nhiên do những thực phẩm này có chứa lượng kali cao.
Ngoài ra, nên ăn những loại quả ít ngọt để giảm thiểu được lượng fructose và các loại thực phẩm nhiều chất chống oxy hóa như lựu, trà xanh, rượu vang đỏ, việt quất... nhằm giúp hạ huyết áp, giãn mạch, phòng chống ung thư, tim mạch...
Thiếu hụt kali hay còn gọi là tình trạng hạ kali máu được coi là nguy hiểm và có thể dẫn tới nguy cơ tử vong.
Một trong số những hậu quả của việc thiếu hụt kali đó là tăng huyết áp, nhưng vẫn còn rất nhiều những dấu hiệu khác cũng do việc thiếu hụt kali gây ra gồm: mệt mỏi, yếu cơ, đau bụng và chuột rút, nhịp tim bất thường, tê liệt cơ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận