Phóng to |
Phan Việt Hậu (trái) và Phan Cao Trí rời tòa - Ảnh: C.MAI |
Phan Cao Trí được giảm từ 12 năm tù xuống chỉ còn 5 năm tù về hai tội “bắt giữ người trái pháp luật” và “cưỡng đoạt tài sản”. Vợ Trí là Phan Thị Yến cũng được tòa cho giảm từ 6 năm xuống còn 3 năm tù và được hưởng án treo (thử thách 5 năm) về tội “cưỡng đoạt tài sản”. Phan Việt Hậu (em ruột Yến, người được Phan Cao Trí nhường chức giám đốc Công ty TNHH Tân Hoàng Phát sau này) cũng được giảm từ 10 năm tù xuống còn 4 năm 6 tháng tù. Phan Quốc Cường (quản lý cơ sở matxa Kim Thu) được giảm từ 9 năm tù xuống còn 4 năm tù cho hai tội danh “bắt giữ người trái pháp luật” và “cưỡng đoạt tài sản”. Hai quản lý, phó quản lý cơ sở matxa còn lại là Nguyễn Minh Phương được giảm từ 3 năm tù xuống còn 1 năm 6 tháng tù, Nguyễn Hoài Nhanh từ 2 năm tù xuống còn 1 năm tù về tội “bắt giữ người trái pháp luật”.
93 và 1
Theo bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, có tới 93 nhân viên được xác định là bị hại trong vụ bắt giữ người trái pháp luật tại cơ sở matxa Tân Hoàng Phát. Tuy nhiên, hội đồng xét xử phúc thẩm do thẩm phán Phạm Hùng Việt chủ tọa cho rằng chỉ có một nạn nhân đã bị bắt giữ là chị Trần Ngọc Tình. Cấp sơ thẩm xác định tới 93 người là không đúng.
Tòa phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm đã có hàng loạt sai sót nghiêm trọng, không phân tích kỹ hành vi, vai trò của từng bị cáo, không phân tích ai là chủ mưu... Tuy nhiên, những sai sót này không ảnh hưởng nhiều đến việc xem xét tội danh, hình phạt của các bị cáo. Hơn nữa, vụ án xảy ra đã quá lâu nên không thể hủy án sơ thẩm để xét xử lại mà chỉ nêu ra để cấp sơ thẩm “rút kinh nghiệm”.
Tòa cho rằng Phan Cao Trí chỉ biết việc nhóm nhân viên, bảo vệ bắt chị Tình tại bệnh viện (lúc chị Tình định bỏ trốn theo kế hoạch của người nhà) khi chị Tình bị đưa về cơ sở. Thế nên, Trí chỉ là đồng phạm trong tội bắt giữ người trái pháp luật. Tòa cũng nhận định rằng không thể đổ lỗi cho Trí chỉ đạo toàn bộ vụ việc.
Về các vụ cưỡng đoạt tài sản của nhân viên, tòa cho rằng Trí chỉ trực tiếp cùng các bị cáo thực hiện ba vụ, năm vụ còn lại chỉ là vai trò liên đới. “Bà chủ” Phan Thị Yến, vợ của Trí, cũng được tòa áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ như: bị cáo nữ có chồng và em trai cùng bị xử tội trong vụ án, đã bồi thường tiền, gia đình có đóng góp cho cách mạng và Yến đang nuôi tới bốn con.
Một bản án: kẻ cười, người khóc
Bản án được tuyên, nhiều người nhà của vợ chồng Phan Cao Trí, Phan Thị Yến đã đồng loạt vỗ tay vui mừng nhưng không hề bị chủ tọa hay hội đồng xét xử nhắc nhở như thường thấy trong những vụ án khác. Trái lại, nhiều nữ nhân viên matxa (không được tòa xác định là “bị hại”) có mặt tại phiên tòa đã bật khóc khi chứng kiến toàn bộ các bị cáo hớn hở vì được tòa tuyên mức án nhẹ tênh.
Chị N.T.H. (từng bị giam giữ tại cơ sở Tân Hoàng Phát, muốn xin nghỉ việc cũng không được, bị giữ lại 20 triệu đồng tiền lương và còn phải gọi mẹ đem 15 triệu lên đóng cho Yến mới được thả về) sau phiên tòa đã bức xúc: “Không hiểu vì cớ gì mà tòa lại giảm hơn phân nửa mức án cho các bị cáo như vậy, thật là không công bằng với chúng tôi!”. Nhiều cô gái khác nguyên là nhân viên matxa của Tân Hoàng Phát cũng bức xúc không chịu rời tòa bởi họ cho là bản án quá nhẹ, không xem xét đến quyền lợi của các nhân viên matxa.
Có thể kiến nghị kháng nghị Trước đó trong hai ngày 8 và 9-12, đại diện Viện Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP.HCM đã đề nghị hội đồng xét xử tuyên bác toàn bộ kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm bởi theo Viện Kiểm sát (VKS), hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm quyền tự do đi lại, quyền sở hữu tài sản của công dân. VKS xác định có đủ cơ sở để buộc tội Phan Cao Trí cùng đồng phạm đã bắt giữ trái pháp luật đối với 93 nhân viên matxa như bản án sơ thẩm đã xét xử. Các nữ nhân viên tại năm cơ sở của Tân Hoàng Phát đã phải ăn ngủ tại công ty, làm việc quá thời gian theo quy định của pháp luật (từ 9g sáng đến 1g đêm). Các nhân viên không được tự do đi lại, tiền lương bị quản lý, muốn nghỉ việc phải hoàn lại tiền “đào tạo” từ 15-24 triệu đồng. VKS cũng xác định có chín nữ nhân viên không chịu được công việc tại đây đã muốn nghỉ việc nhưng bị Trí cùng nhân viên ép phải nộp lại tiền. Có người bỏ trốn đã bị bắt lại, đánh đập và giữ trong cơ sở, đến khi người nhà đem tiền đến chuộc mới được về. Tổng cộng số tiền các nhân viên bị cưỡng đoạt là 169 triệu đồng. Kiểm sát viên Hồ Xuân Hoàng cho biết: “Do kết quả xét xử quá chênh lệch so với quan điểm đề nghị của VKS, chúng tôi sẽ xem xét, có thể sẽ kiến nghị viện trưởng VKS nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc bản án”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận