Nhiều ý kiến đề nghị giảm 50% thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt để giảm giá xăng dầu - Ảnh: N.HIỂN
Ngày 3-7, Chính phủ đã thông qua nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu và mỡ nhờn trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính. Hướng là sẽ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự và thủ tục rút gọn.
Có thể giảm được 2.500 - 4.000 đồng/lít xăng dầu
Hiện nay thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ áp dụng với xăng là 10% (xăng E5 là 8% và E10 là 7%), nên với mức giá dầu bình quân của thế giới trong 7 tháng cuối năm khoảng 120 USD/thùng, tổng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới gần 17.000 tỉ đồng.
Với thuế VAT, hiện xăng dầu đang chịu thuế 10%. Trường hợp giá dầu thế giới ở mức bình quân là 120 USD/thùng, số thu ngân sách cho cả năm từ sắc thuế này là 35.331 tỉ đồng.
Như vậy, giả định trong trường hợp phương án điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT được đưa ra trong thời gian tới là 50% và áp dụng cho 6 tháng theo kiến nghị của nhiều doanh nghiệp, số thu ngân sách có thể giảm là khoảng 25.000 tỉ đồng, tương đương với mức giảm thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường đang được thực hiện.
Theo tính toán, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay với xăng RON95 là 10%, tại chu kỳ tính giá ngày 21-6, số thuế được tính vào giá tương đương 2.373 đồng/lít. Nếu giảm 50% mức thuế, có thể giảm được khoảng 1.100 đồng/lít. Thuế VAT với xăng chiếm tỉ trọng 10%, tương đương 2.988 đồng/lít. Trường hợp giảm 50% mức thuế, số tiền thuế có thể giảm là gần 1.500 đồng/lít.
Như vậy với riêng hai sắc thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt, nếu giảm tới 50% thì giá xăng có thể giảm 2.000 - 2.600 đồng/lít và dầu có thể giảm 2.000 đồng/lít. Cộng thêm mức thuế bảo vệ môi trường đang được đề xuất giảm ở mức kịch khung, giá xăng sẽ được giảm 3.000 - 4.000 đồng/lít, dầu giảm ở mức khoảng 2.500 đồng/lít (dầu không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt).
Tính toán giảm thêm thuế nhập khẩu
Ngoài ra, một sắc thuế khác trong cơ cấu giá xăng dầu là thuế nhập khẩu, hiện nay đang được tính trên cơ sở các nguồn nhập khẩu. Đối với nguồn thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo FTA, thuế suất với xăng là 8% và dầu là 0%, nên mức thuế này vẫn sẽ được giữ nguyên theo cam kết.
Đối với nguồn nhập khẩu ưu đãi (MFN), hiện mức thuế đang được áp dụng là 20% với xăng, 7% với dầu và nhiên liệu bay, nên Bộ Tài chính hiện đang đề xuất sửa đổi, điều chỉnh giảm thuế MFN với xăng từ mức 20% xuống mức 12%.
Tuy vậy, ngay khi Bộ Tài chính đề xuất như trên, nhiều ý kiến cho rằng mức giảm còn 12% sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa do hiện nay nguồn xăng nhập chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc vốn đang được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Nên đề xuất giảm thuế MFN hầu như không có tác dụng, cũng như xăng dầu nhập từ nguồn này không thể cạnh tranh với nguồn trong nước đang áp dụng là 7%.
Vì vậy chỉ có thể trông chờ chính vào giảm thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt. Song mức thu hai sắc thuế đã được quy định trong luật, nên thẩm quyền điều chỉnh nằm ở Quốc hội.
Quy trình sẽ là Bộ Tài chính trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định ở kỳ họp gần nhất (tháng 10-2022). Nếu muốn sớm hơn, cần phải triệu tập cuộc họp Quốc hội bất thường để xem xét, quyết định.
Cơ cấu giá xăng dầu (tính theo giá cơ sở xăng dầu tại kỳ điều hành ngày 21-6-2022) - Nguồn: Bộ Tài chính
Cần triệu tập cuộc họp Quốc hội bất thường
Nhiều chuyên gia cho rằng nên quyết tâm giảm thuế bởi việc giảm các loại thuế xăng dầu có thể tác động lớn tới thu ngân sách nhưng bù lại sẽ giúp kinh tế phục hồi tốt hơn sau đại dịch, ngăn chặn được lạm phát kỳ vọng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Duy Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, bày tỏ rất hoan nghênh khi Bộ Tài chính đã sớm đưa ra kiến nghị giảm các loại thuế trong giá xăng dầu, đồng cảm với doanh nghiệp.
Bởi chỉ trong hơn 1 tháng qua, giá xăng dầu đã tăng tới 15% là "quá sức chịu đựng của doanh nghiệp"; doanh nghiệp càng chạy càng lỗ, nhiều đơn vị gần như phải đóng cửa, giảm tần suất hoạt động tối đa.
"Với hai loại thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần tính đến việc kiến nghị triệu tập kỳ họp bất thường vì chúng tôi không thể đợi đến tháng 10, mà giá cứ liên tục tăng thì nhiều nguy cơ xảy ra khi gánh nặng chi phí rất lớn cho nền kinh tế và doanh nghiệp" - ông Hiệp kiến nghị mức giảm thuế với xăng có thể 50% nhưng với dầu do không áp thuế tiêu thụ đặc biệt nên có thể tính toán để giảm tối đa thuế VAT.
Ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, cho hay doanh nghiệp trong ngành vận tải mong muốn cơ quan nhà nước nhanh chóng có giải pháp điều chỉnh thuế để kìm đà tăng giá xăng dầu.
"Nếu để đến tháng 10 mới điều chỉnh thì tác động và hậu quả để lại cho nền kinh tế, vận tải có thể rất trầm trọng. Với mức giá cả như hiện nay, tối thiểu cũng phải giảm 50% thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt" - ông Quyền nói.
Giảm thuế xăng dầu đã kéo giảm CPI
Tính chung trong tháng 4-2022, việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn đã làm giá xăng dầu giảm 0,59% so với tháng 3-2022 và từ đó làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung giảm 0,06 điểm phần trăm theo đánh giá của Tổng cục Thống kê.
Còn theo tính toán, nếu áp dụng việc giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức kịch khung như Bộ Tài chính đang đề xuất áp dụng từ ngày 1-8 thì ước tác động của giải pháp giảm sắc thuế này sẽ góp phần giảm chỉ số CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,16%.
Chi phí xăng dầu chiếm 30 - 40% chi phí của doanh nghiệp vận tải, nên nếu thuế bảo vệ môi trường giảm 1.000 đồng/lít thì chi phí của doanh nghiệp vận tải sẽ giảm tương đương khoảng 5%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận