Phóng to |
Ảnh minh họa: VnEconomy |
Tuy nhiên, cũng đã có những thắc mắc về mức giảm giá của các loại xe nhập khẩu và hiện cũng chưa có tín hiệu giảm giá nào từ phía các nhà sản xuất ôtô trong nước. Điều này đang gây nên cảm giác trông chờ, thậm chí sốt ruột cho người tiêu dùng.
Xe nhập giảm giá khác nhau
Chuyện hiển nhiên là giá ôtô nhập khẩu phải giảm xuống bởi quyết định giảm thuế của Bộ Tài chính nhằm điều chỉnh trực tiếp đối tượng này.
Thế nhưng ngay sau khi 2 nhà phân phối ôtô tại Việt Nam là Euro Auto và Huyndai Việt Nam thông báo giảm giá xe mang thương hiệu BMW và Huyndai, một vấn đề được nhiều bạn đọc đặt ra là liệu mức giảm giá đó đã tương xứng với mức giảm thuế chưa?
Với câu hỏi này, báo giới đã nhận phản hồi từ một số doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước.
Theo phân tích của ông Huỳnh Dư An, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ôtô châu Âu (Euro Auto), mặc dù mức thuế giảm xuống là giống nhau, song giá xe bán ra lại không giống nhau, bởi nó còn phụ thuộc vào tỷ giá giữa đồng tiền của nước sở tại (nơi cung cấp xe) so với đồng tiền phổ biến là USD.
Nếu các sản phẩm được nhập khẩu từ các quốc gia sử dụng đồng USD thì việc tính toán giá bán sau khi cộng thuế rất đơn giản. Tuy nhiên, nếu sản phẩm được nhập khẩu từ các quốc gia không sử dụng đồng USD thì nhà nhập khẩu lại phải tính toán giá bán dựa trên tỷ giá giữa đồng tiền của quốc gia đó với đồng USD.
Như vậy, mức giá giảm sẽ khác nhau và phụ thuộc vào tỷ giá giữa 2 đồng tiền.
Ví dụ, BMW là thương hiệu xe được nhập khẩu từ Đức - quốc gia sử dụng đồng Euro, do đó giá bán Euro Auto đưa ra phải được tính toán trên tỷ giá Euro/USD. Nếu giảm giá xe BMW trong thời kỳ đồng Euro giảm so với USD thì đương nhiên giá bán xe tại Việt Nam cũng sẽ giảm mạnh hơn và ngược lại.
Theo cách tính này, các khách hàng chỉ cần tính toán mức thuế giảm xuống cùng với tỷ giá giữa đồng tiền của nước xuất khẩu với đồng USD. Chẳng hạn với các sản phẩm đến từ các nước châu Âu đang sử dụng Euro như BMW, Mercedes-Benz… sẽ tính dựa trên tỷ giá Euro/USD, sản phẩm đến từ Hàn Quốc như Huyndai sẽ dựa trên tỷ giá Won/USD, sản phẩm đến từ Nhật Bản sẽ dựa trên tỷ giá Yên/USD…
Tất nhiền, việc sử dụng đồng tiền nào trong hợp đồng cũng còn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa nhà cung cấp với nhà nhập khẩu.
“Hàng nội” vẫn ngoài cuộc
Giảm thuế là để điều chỉnh trực tiếp giá xe nhập khẩu, song nhìn xa hơn, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, nó sẽ kéo theo sự điều chỉnh giá của xe sản xuất và lắp ráp trong nước.
Mục tiêu và kỳ vọng là vậy, song cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ hãng ôtô trong nước nào bật tín hiệu giảm giá xe.
Thực tế, hiện tượng này cũng đã được một số chuyên gia cảnh báo ngay sau khi quyết định giảm thuế nhập khẩu được công bố. Theo đó, về nguyên lý thì ở bất kỳ một thị trường cạnh tranh nào, khi một dòng sản phẩm, một phân mảng có điều chỉnh giá bán thì các dòng sản phẩm khác, phân mảng khác cũng sẽ phải điều chỉnh theo để cạnh tranh lại.
Nhưng thị trường ôtô Việt Nam lại đang có những đặc điểm riêng. Đó là tình trạng cháy hàng trong khi giá bán vẫn cao chót vót; xung đột lợi ích giữa thị trường xe nhập khẩu, xe cũ và xe sản xuất trong nước chưa đủ lớn để gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhau. Chính vì vậy, hy vọng các hãng ôtô trong nước giảm giá bán cũng không nhiều.
Ông Gan Kok Seng, Phó tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam, cho rằng “việc cắt giảm thuế đã trực tiếp tác động đến giá của xe nhập khẩu nguyên chiếc và xe cũ nhập khẩu, nhưng sẽ không có tác động nhiều tới chi phí sản xuất xe trong nước nói chung.”
Đây cũng là quan điểm của nhiều hãng khác thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA).
Tuy nhiên, đại diện một số hãng ôtô cũng đã hé mở khả năng điều chỉnh chính sách bán hàng khi cho biết sẽ “theo dõi mức độ hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm và giá trong điều kiện môi trường thay đổi hiện nay.”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận