Ông Hoàng Quốc Cường phát biểu tham luận về giải pháp giải quyết tình hình thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại kỳ họp HĐND TP Cần Thơ chiều 8-12 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Ông Cường cho biết có 5 nhóm nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập thời gian qua.
Thứ nhất, lượng bệnh nhân đổ về TP Cần Thơ khám chữa bệnh tăng đột biến kể từ khi thực hiện nghị quyết 128 năm 2021 của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", làm ảnh hưởng đến kế hoạch dự trù, mua sắm thuốc của các đơn vị.
Thứ hai, tâm lý sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên các đơn vị không dám đấu thầu mua sắm hoặc tỏ ra lúng túng, ngại thực hiện. "Lý do tại sao lại sợ sai, sợ thanh tra? Bởi vì các quy định liên quan đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế thời gian qua còn bất cập, chồng chéo, chưa phù hợp thực tế.
Lấy ví dụ điển hình cùng một loại hóa chất do một đơn vị cung cấp do một hãng ủy quyền, yêu cầu có ba bảng giá thì không thể nào xin được bởi vì hãng sản xuất đã ủy quyền cho công ty cung ứng, chỉ có một báo giá duy nhất, nên các đơn vị rất khó khăn khi thực hiện theo thông tư của Bộ Tài chính. Không phải tự nhiên nhân viên y tế sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra", ông Cường lý giải.
Thứ ba, một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại cung ứng hàng hóa cho các bệnh viện công do thủ tục đấu thầu và thanh toán phức tạp, số lượng dự trù ít và giá trị thấp, một số bệnh viện còn nợ nhà cung cấp do bảo hiểm chưa thanh toán và bệnh viện cũng không có nguồn để thanh toán.
"Đó là thực trạng một số bệnh viện hiện nay rất khó khăn trong lĩnh vực tài chính do thanh toán bảo hiểm chậm, do giá dịch vụ chưa tính đúng, tính đủ và phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 2% nên chậm thanh toán nhà cung cấp, dẫn tới thiếu thuốc, vật tư y tế", ông nói.
Thứ tư, việc chậm thầu còn do một số giấy đăng ký thuốc hết hạn. Đặc biệt, đấu thầu tập trung cấp quốc gia có kết quả chậm, không đầy đủ theo danh mục.
Thứ năm, việc giải quyết thủ tục mua sắm (xin chủ trương, ban hành quyết định mua sắm, phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu) còn chậm, mất rất nhiều thời gian và công sức để giải trình.
Ông Cường cũng nêu hai giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.
Một là, tham mưu UBND TP Cần Thơ tiếp tục đấu thầu mua sắm thuốc tập trung tại một đơn vị là bệnh viện trực thuộc Sở Y tế (dự kiến là Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ) và không giới hạn 129 mặt hàng và đấu thầu tập trung với danh mục mở rộng cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Công tác dự trù sẽ tiến hành 24 tháng mà không phải 18 tháng như trước đây nhằm giảm thời gian tổ chức công tác đấu thầu mua sắm.
Hai là, đối với hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế, Sở Y tế sẽ tham mưu UBND TP Cần Thơ phân cấp, phân quyền cho các cơ sở y tế. Khi phân cấp phân quyền thì các đơn vị này sẽ chủ động hơn về thời gian và có thể dự trù trang thiết bị, vật tư phù hợp tình hình đơn vị mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận