Thông tin được ông Nguyễn Thế Khoa - phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải thưởng Đào Tấn - cho biết tại lễ trao Giải thưởng Đào Tấn năm 2024 diễn ra tối 22-9 tại Hà Nội.
Bà Trần Thị Hoàng Mai bận không đến nhận giải thưởng tại lễ trao giải.
Năm nay Giải thưởng Đào Tấn trao giải thưởng cho 11 cá nhân, năm vở diễn của năm đơn vị sân khấu chuyên nghiệp và hai đoàn tuồng bán chuyên nghiệp.
Hai mẹ con NSND Lệ Thủy cùng được trao giải thưởng Đào Tấn
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Nguyễn Thế Khoa dành cho NSND Lệ Thủy sự đánh giá rất cao.
Ông nói, từ năm 16 tuổi, khi đoạt giải thưởng Thanh Tâm danh giá cho đến nay khi đã 76 tuổi đoạt giải Đào Tấn, NSND Lệ Thủy vẫn là một "cô đào ngoại hạng".
Bà có giọng hát kim pha thổ trời cho có một không hai, luôn giữ cách ca diễn mộc mạc chân phương và lối sống bình dị, dân dã như một người dân Nam Bộ bình thường.
Hiện nay NSND Lệ Thủy vẫn tham gia các chương trình biểu diễn phục vụ công chúng khắp nơi và dành nhiều thời gian đi làm từ thiện trên khắp đất nước.
Ngay sau đêm trao giải, sáng sớm hôm sau 23-9, bà và bạn bè của mình sẽ rời Hà Nội lên Lào Cai để trực tiếp giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bão số 3.
Cùng lên nhận Giải thưởng Đào Tấn năm nay với NSND Lệ Thủy còn có con trai bà - ca sĩ Dương Đình Trí nhận giải thưởng Người kiến tạo chương trình nghệ thuật xuất sắc.
Hội đồng giải thưởng đánh giá trong hơn 10 năm qua ca sĩ đã đưa chương trình ca múa tổng hợp Bước chân hai thế hệ trở thành một món ăn tinh thần rất được hâm mộ ở miền Tây Nam Bộ, cũng như người dân cả nước và Việt kiều ở nước ngoài.
Lần đầu trao giải Nhà quản lý văn hóa xuất sắc
Về giải thưởng Nhà quản lý văn hóa xuất sắc mà lần đầu tiên Giải thưởng Đào Tấn trao, ông Nguyễn Thế Khoa nói bà Hoàng Mai là người có vai trò quan trọng trong việc biến các chủ trương đúng đắn sáng tạo của Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng thành hiện thực.
Bà "giàu thực tế trong ngành, chịu khó trau dồi kiến thức và trình độ quản lý, được lãnh đạo thành phố tin tưởng, cấp dưới khâm phục, bạn bè trong nước yêu mến".
Nhờ đó Hải Phòng "trở thành một điểm sáng của ngành văn hóa và thể thao đất nước".
Bà Hoàng Mai có lẽ là nhà quản lý văn hóa đầu tiên nhận vinh danh Nhà quản lý văn hóa xuất sắc.
Giải Tác phẩm xuất sắc được trao cho các tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học, điêu khắc, âm nhạc.
Về văn học, giải trao cho trường ca Những người lính của làng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và hai tuyển thơ của hai nhà thơ Trần Vũ Mai và Đỗ Nam Cao.
Những người lính của làng được tác giả Nguyễn Quang Thiều ra mắt bạn đọc năm 1981, khi ông 24 tuổi. Theo hội đồng giải thưởng, đây là tác phẩm rất ít được nhắc đến của Nguyễn Quang Thiều, nhưng cần phải được coi là tác phẩm rất đáng tự hào của ông.
Còn nhà thơ Trần Vũ Mai và nhà thơ Đỗ Nam Cao là hai nhà thơ rất tài năng, nhân hậu, thơ rất hay nhưng ít được nhắc đến. Cả hai ông đều đã mất.
Về điêu khắc, giải được trao cho tác phẩm của hai nhà điêu khắc Vương Duy Biên và Lưu Thanh Lan.
Về âm nhạc, giải trao cho ca khúc Bà về ngự chốn non Tiên của nhạc sĩ Hình Phước Liên.
Ngoài ra ban tổ chức trao giải Vở diễn xuất sắc cho năm tác phẩm sân khấu: vở cải lương Nợ nước non của Nhà hát Cải lương Việt Nam, vở kịch nói Mưa bóng mây của Công ty HeroFilm TP.HCM và ba vở chèo: Mưa đỏ của Đoàn chèo Hải Phòng, Đại đội trưởng của tôi của Nhà hát chèo Quân đội và Nắm xôi kỳ diệu của Nhà hát chèo Hà Nội.
Năm nay nhân kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô, ban tổ chức trao thêm Giải thưởng ca sĩ, nhạc sĩ hát và viết về thủ đô Hà Nội xuất sắc cho ca sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Chính.
Hai đơn vị tuồng không chuyên được vinh danh là Đoàn tuồng xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định và Đoàn tuồng thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Nghệ nhân, thạc sĩ Vương Danh Thưởng - giám đốc Trung tâm Đào tạo Hát văn thuộc Viện Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc được trao giải Người đào tạo xuất sắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận