Phát biểu tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai dự án đường cao tốc do Bộ Giao thông vận tải tổ chức sáng 1-6, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết hiện vốn đầu tư công được giao cho thành phố rất lớn, chiếm hơn 70% tổng vốn đầu tư.
Do nhiều dự án đường cao tốc đang triển khai, khối lượng công việc rất lớn, nên Bộ Giao thông vận tải cần có đánh giá những gì làm được và mạnh dạn đề xuất cơ chế như triển khai hình thức giao thầu EPC (hợp đồng tổng thầu) chìa khóa trao tay để các tập đoàn, tổng công ty chủ lực làm thay cho Nhà nước. "Chúng ta chỉ thực hiện quản lý nhà nước, chứ Nhà nước không thể ôm hết được", Ông Lâm giải thích.
Theo ông Lâm, sắp tới các tuyến cao tốc, trong đó có đường vành đai 3 TP.HCM, sẽ thu phí. "Công nghệ thu phí tự động không dừng theo công nghệ RFID hiện rất tốt, nên sớm hướng tới việc không dùng barie với cơ chế giám sát, xử phạt phù hợp” - ông Lâm kiến nghị.
Trả lời đề xuất của ông Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho rằng về hình thức đầu tư cần có hình thức, tư duy mới. Cái gì mang lại lợi ích và tiến độ chất lượng, phù hợp nhưng chưa có quy định thì cần tham mưu để Quốc hội, Chính phủ ban hành.
Ông Thọ cho biết hiện Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến để trình Quốc hội thu phí đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách.
"Nhất định phải áp dụng thu phí ETC với nhiều ưu việt. Chuyện không áp dụng barie không khó. Tiến tới mỗi chủ xe phải có tài khoản giao thông kết nối với tài khoản thanh toán là điều kiện bắt buộc để áp dụng bỏ barie và sử dụng trả phí không chỉ trên đường cao tốc, mà cả sân bay, bãi đỗ xe.
Bộ đang giao Cục Đường bộ khẩn trương nghiên cứu để thực hiện" - Thứ trưởng Thọ giải thích.
Liên quan ý kiến các đơn vị liên quan về vướng mắc trong việc khai thác vật liệu làm đường cao tốc, đại diện Cục Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết trong thẩm quyền Chính phủ đã tháo gỡ tối đa những vướng mắc.
Tuy nhiên có những vấn đề vẫn bị giới hạn bởi Luật Khoáng sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Luật Địa chất và khoáng sản với những quy định đột phá về vật liệu xây dựng thông thường để triển khai các dự án giao thông trọng điểm.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Thọ cho rằng kinh nghiệm đắt giá nhất trong triển khai các dự án đường cao tốc là sự đồng lòng thực hiện quyết tâm chính trị rất cao từ trên xuống dưới. Thứ hai là phân công, phân cấp và giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết, gắn với trách nhiệm để kiểm điểm tiến độ thực hiện đúng đối tượng, đúng địa chỉ.
Qua thực tiễn vừa rồi, các địa phương, bộ ngành rất mạnh dạn đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách để tạo hành lang pháp lý mới nhằm tháo gỡ vướng mắc, kể cả đề xuất Quốc hội cho chỉ định thầu khi làm đường cao tốc...
"Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ về cấp mỏ vật liệu, Thủ tướng đã xử lý hết rồi. Thủ tướng nói nhiều lần vật liệu xây dựng là tài sản của Nhà nước, ta làm công trình cho Nhà nước mà phải qua khâu trung gian là tổ chức, cá nhân khai thác vật liệu, mà quay lại quỵ lụy họ là vô lý.
Còn những gì vướng luật cần tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội tạo hành lang pháp lý để thay đổi" - ông Thọ cho biết.
"Qua kết quả của thanh tra, kiểm toán, ý kiến của cơ quan công an chúng tôi đã làm thành bộ sổ tay lưu ý ban quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu thực hiện. Nếu các địa phương cần, bộ sẽ gửi để thực hiện" - ông Thọ chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận