Phóng to |
Bài học kinh doanh đầu tiên
Từ nhỏ, cô bé Nguyễn Thu Phượng đã thấy hứng thú với những con số, phép tính, phương trình chứ không “mặn mà” với các môn liên quan đến xã hội. Thích thú dành cả ngày để giải toán nên Phượng trở thành học sinh chuyên toán Trường THPT Trịnh Hoài Đức. Sau đó theo gia đình sang định cư tại bang California (Mỹ), Phượng mang tên mới là Tiffany Nguyễn và phải học lại cấp 3 để nâng cao tiếng Anh.
Rồi cô theo học tại Trường Đại học California (Los Angeles) chuyên ngành Toán ứng dụng. Tốt nghiệp, Phượng chọn học tiếp một chuyên ngành nữa và nộp đơn xin học bổng chuyên ngành tin học của ĐH Washington State. Được nhận, Tiffany chuyển từ bang California đến bang Washington và tiếp tục vừa làm vừa học. Chị xin vào Công ty Dakotah Direct - công ty chuyên bán qua điện thoại các sản phẩm: bảo hiểm, điện thoại...
Cả tháng đầu, “vốn thẳng tính, nghiêm nghị và không thích nói dai” nên Tiffany chẳng bán được sản phẩm nào. Đã vậy nếu không bị “khách hàng chửi vì tội quấy rầy” thì cũng bị “quản lý mắng vì giao tiếp quá tồi”. Chị chán nản và muốn nghỉ làm. Nhưng tìm việc khác cũng khó khăn, mà bỏ việc tức phải nghỉ học. Nghĩ thế, chị quyết tâm tiếp tục công việc. Và chị hiểu rằng “bán hàng qua điện thoại, thành bại là do giọng nói. Vì qua giọng nói khách hàng cảm nhận được thái độ, tình cảm, tính cách của mình”.
Từ đó chị quyết tâm thay đổi bằng cách mỗi ngày đều đứng trước gương tập nói biểu cảm mà hài hước, luôn thể hiện sự vui vẻ, sẵn sàng chào đón khách hàng và kiên nhẫn khi thuyết phục... Chỉ tiêu công ty giao mỗi ngày là 3 sản phẩm, chị lại buộc mình phải bán cho được 4-5 sản phẩm và luôn làm đúng theo kỹ năng bán hàng qua điện thoại: chỉ được cúp máy khi khách hàng nói không đến lần thứ 3.
Nếu như nhìn thấy Tiffany Nguyễn đang cầm ly trà đi tới đi lui, mũi giày di xuống đất - nghĩa là chị đang căng thẳng. Chị đang tập trung suy nghĩ tìm cách giải quyết một vấn đề rất hóc búa, lúc ấy chớ nhân viên nào phá vỡ sự tập trung của chị. |
Chứng tỏ khả năng vượt trội
Sau khi tốt nghiệp lần 2, chị nộp hồ sơ vào vị trí “theo dõi và kiểm tra chất lượng sản phẩm” của Công ty Cisco System tại thung lũng Silicon (Mỹ). Khi thi tuyển, chỉ “nháy một cái” chị đã viết xong một lập trình trước tiếng “oh” của nhà tuyển dụng. Chị viết lập trình giỏi đến nỗi, mặc dù không có kế hoạch tuyển nhân sự lập trình nhưng công ty Cisco lập tức thành lập ngay một phòng chuyên về phần mềm để chị làm việc.
Phóng to |
Làm được 6 tháng, chị được Công ty Rational Software mời về vị trí triển khai dự án với mức lương cao hơn. Nhưng sau một thời gian thích thú với sự năng động và mới mẻ của công việc mới, chị bắt đầu cảm thấy “ngán” vì liên tục công tác xa và muốn thay đổi.
Chị quyết định thi vào vị trí phụ trách toàn bộ chương trình kiểm tra cho Server Explorer của hệ thống Microsoft Visual Studio.Net của Tập đoàn Microsoft. Buổi phỏng vấn của tập đoàn nổi tiếng này “cũng thường”, duy chỉ mỗi câu hỏi trắc nghiệm “rất trên trời dưới đất” làm chị nhớ mãi. Đó là: “Ngày mai bạn có cuộc thi, lúc 22 giờ đêm nay, bạn biết được đáp án nằm ở trang 10 của một quyển sách mà hiện bạn không có. Làm thế nào bạn có được quyển sách đó để đạt điểm tối đa cho bài thi ngày mai?”.
Tất cả các đáp án: mượn bạn, mượn thầy, ra nhà sách mua, mượn thư viện đều không được chấp nhận. Cuối cùng chị được nhận vì trả lời: “Tôi sẽ phá cửa thư viện để lấy bằng được quyển sách đó”. Bài học rút ra từ câu hỏi trên là: “Khi nhận một nhiệm vụ không nên bỏ cuộc mà phải tìm ra cách để hoàn thành. Cần thoát ra những cách mà người khác cũng sẽ làm, phải nghĩ ra cách mới của riêng mình. Trong trường hợp trên, chỉ cần nói: tôi hết cách rồi, tôi không biết làm gì, bạn sẽ bị đánh trượt”.
Về quê hương tìm cơ hội
Đang làm việc tại Microsoft với mức lương cao, có nhà riêng và cuộc sống rất tốt nhưng chị quyết định cùng chồng về Việt Nam vì nghĩ “ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn”. Khởi đầu chị nhận lời làm trợ lý cho Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty phần mềm TMA Nguyễn Hữu Lệ. Sau đó, chị được giới thiệu với Giám đốc Công ty Vietnamworks Jonah Levey.
Chị được vị giám đốc này phỏng vấn mà không hề biết. Buổi tối chị nói chuyện với ông ta thì sáng hôm sau chị đã sinh em bé. Nằm trên giường hồi sức, chị nhận được thông báo mời vào vị trí quản lý IT và Marketing cho Vietnamworks.
Khó khăn lớn nhất chị khi mới về sống và làm việc tại Việt Nam là không biết đi xe máy và diễn đạt bằng tiếng Việt rất dở. Phải mất ba năm chị mới tự tin về tiếng Việt khi tiếp xúc với báo chí. Còn cho đến lúc này, với chị “nói tiếng Việt cỡ nào cũng OK”.
Dù là “tay mơ” khi bắt đầu làm công tác cung cấp nhân sự và marketing nhưng chị làm việc gì cũng hiệu quả. Bằng chứng là qua hơn 4 năm làm marketing tại Vietnamworks chị đã đóng góp vào sự phát triển rất nhanh của công ty. Lúc chị mới về, công ty có quy mô chưa đến 20 người mà nay trở thành công ty cung cấp lao động và việc làm thuộc hàng lớn nhất Việt Nam.
Chinh phục bằng sự thật thà
Chị cho rằng mình chịu ảnh hưởng từ sếp - ông Jonah Levey - cách làm việc và quan hệ với nhân viên. Đó là tính thân thiện cởi mở và dễ gần, trong công ty nhân viên gọi quản lý bằng tên - dù ở vị trí nào - chứ không gọi bằng chức danh. Tất cả nhân viên trong công ty điều gọi chị là “chị Tiff” một cách thân mật. Cách bố trí chỗ ngồi trong phòng làm việc cũng thể hiện sự hòa đồng: quản lý ngồi cùng với nhân viên trong một không gian. Giám đốc nào cũng không có phòng riêng. Chị cho rằng: Ngồi cùng mọi người dễ tiếp xúc và không tạo ra khoảng cách.
Quan điểm của chị ở cấp quản lý là “muốn nhân viên đối với công ty thế nào thì mình phải như thế trước. Muốn mọi người trung thực trong công việc thì bản thân mình phải rất trung thực”. Còn trong đối nhân xử thế, chị “luôn đối với người khác thật lòng để nhận lại được sự thật lòng. Và chỉ có thể dùng sự thành thật để chinh phục người khác”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận