11/05/2020 09:30 GMT+7

Giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: Ông là ai?

SĨ HUYÊN
SĨ HUYÊN

TTO - Đây là câu hỏi đặt ra sau hai đời giám đốc kỹ thuật không để lại quá nhiều ấn tượng (ông Rainer và Gede) và trước cuộc tuyển chọn giám đốc kỹ thuật mới của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).

Giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam: Ông là ai? - Ảnh 1.

Giám đốc kỹ thuật Rainer (trái) trò chuyện cùng HLV Calisto khi cùng đội tuyển VN tham dự AFF Cup 2002 ở Indonesia - Ảnh: ANH HÙNG

Theo nguyên phó chủ tịch VFF Dương Vũ Lâm, việc xây dựng đường lối phát triển của giám đốc kỹ thuật phải được định hình từ ý tưởng do VFF đưa ra.

"Tổng công trình sư" của bóng đá VN

Ông Lâm nói: "Từ ý tưởng ấy, giám đốc kỹ thuật sẽ vạch ra lộ trình phát triển bóng đá dựa trên điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện tài chính, nguồn nhân lực...". Trong đó, đặc biệt là việc đề ra hệ thống huấn luyện dành cho công tác đào tạo bóng đá trẻ xuyên suốt khắp cả nước".

Ông Lâm phân tích: "Điều này nhằm đào tạo nên một thế hệ cầu thủ có kỹ thuật cơ bản để khi được gọi tập trung vào các đội tuyển quốc gia, HLV trưởng sẽ không mất thời gian uốn nắn kỹ thuật mà chỉ tập trung vào việc nâng cao tính hiệu quả trong việc ứng dụng các bài tập chiến thuật.

Lâu nay, chúng ta từng lãng phí rất lớn thời gian tập trung ở đội tuyển vì cầu thủ được đào tạo theo kiểu tự phát ở cơ sở. Mọi chuyện xuất phát từ việc HLV ở cơ sở không hề được tham dự các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn hằng năm. Và người giúp HLV cơ sở nâng cấp trình độ huấn luyện chính là giám đốc kỹ thuật".

Phải gắn kết với Hội đồng HLV quốc gia

Trong khi đó, chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng: "Các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ ở VN mỗi nơi làm một kiểu khác nhau. Do đó, VFF phải có động tác 'nâng trọng lượng' của giám đốc kỹ thuật thuộc VFF với HLV cấp cơ sở qua việc tổ chức các lớp học nâng cao hằng năm do đích thân giám đốc kỹ thuật trực tiếp đứng lớp.

Điểm chung nhất của các nền bóng đá trên thế giới là sự gắn kết giữa giám đốc kỹ thuật với Hội đồng HLV quốc gia. Sự phối hợp ăn ý của cả hai sẽ mang lại tính hiệu quả trong việc xây dựng chiến lược chân đế, tức hệ thống đào tạo trẻ khắp cả nước từ 6 đến 15 tuổi.

Đó là việc chung nhất một giáo án huấn luyện bóng đá từ trong học đường đến các trung tâm huấn luyện, quy hoạch các đội tuyển trẻ cho đến đội tuyển U22.

Điều này đòi hỏi giám đốc kỹ thuật và Hội đồng HLV quốc gia phải quan hệ mật thiết trước lúc đi đến việc xây dựng triết lý bóng đá như thế nào (đá ngắn, phối hợp nhiều chạm hay chơi bóng dài vượt tuyến...) là phù hợp với văn hóa, tâm sinh lý và đặc thù thể hình của cầu thủ bản địa.

Từ nhiều năm qua, khoa học kỹ thuật đã dấn sâu vào sự phát triển của bóng đá toàn cầu và không còn chỗ cho việc đánh giá cảm quan. Với bóng đá VN, đó là khoảng trống rất lớn.

Điển hình, nhiều lò đào tạo trẻ trên cả nước vẫn đào tạo cầu thủ trẻ theo "kiểu nuôi gà chọi" tràn lan, trong khi đào tạo cầu thủ trẻ trên thế giới là sự sàng lọc liên tục qua từng cấp độ tuổi để tinh lọc đầu ra nhằm tránh lãng phí công sức, thời gian lẫn tiền bạc của các học viên.

Những học viên không thể phát triển thành cầu thủ chuyên nghiệp sẽ được gợi ý chuyển hướng chọn nghề sớm".

Hãy nhìn nhận đúng về giám đốc kỹ thuật

HLV Lê Thụy Hải kể với Tuổi Trẻ: "Năm 1994, khi đang là HLV đội Tổng Cục Đường Sắt, tôi chủ yếu hướng dẫn cầu thủ bằng kinh nghiệm chứ chưa thông qua trường lớp nào cả.

Khi giám đốc kỹ thuật Rainer đến VN làm việc, ông ấy mở lớp phổ cập về việc chuẩn bị thể lực, tôi và nhiều đồng nghiệp như Nguyễn Kim Hằng, Đoàn Phùng, Trần Bình Sự, Lê Đình Chính, Trần Vũ... đăng ký đi học và vỡ ra rất nhiều điều bổ ích cũng như hiểu sâu hơn sự tân tiến về huấn luyện thể lực trước mùa giải mới.

Anh em chúng tôi hùn tiền gửi ông Rainer khi về Đức thăm gia đình thì mua thêm băng hình huấn luyện chuyên môn, về cách thức chuẩn bị thể lực... Ông Rainer rất vui nhưng từ chối nhận tiền mà nói rằng chỉ cần mua một bản, sau đó in ra tặng cho học viên.

Ngoài lớp thể lực ấy, tôi còn theo học với ông Rainer một lớp chuyên đề khác về cách thức tấn công - phòng ngự.

Nhắc lại chuyện của hơn 20 năm trước, tôi muốn nhấn mạnh rằng khi tới làm việc bất kỳ ở nơi đâu, giám đốc kỹ thuật đều muốn truyền đạt hết những kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp mà họ thu thập được cho đội ngũ HLV bản xứ.

Có được giám đốc kỹ thuật giỏi nghề, xây dựng được hệ thống đào tạo trẻ hợp lý, bài bản, HLV trưởng đội tuyển quốc gia sẽ thuận lợi rất nhiều trong việc phát huy tài năng của các cầu thủ trẻ. Từ đây, chúng tôi muốn VFF phải trình làng một tân giám đốc kỹ thuật đúng nghĩa sau khi chia tay giám đốc kỹ thuật Gede".

Lãng phí chất xám

"Chúng ta thật sự lãng phí với nhiều giám đốc kỹ thuật tâm huyết, yêu nghề và giỏi chuyên môn như Rainer (1994-2004) rồi nay là Gede. Tiếc cho hai chuyên gia người Đức này do VFF chưa coi trọng cũng như tạo điều kiện để họ xây dựng nên chiến lược phát triển căn cơ cho bóng đá trẻ.

Ưu thế của cầu thủ trẻ VN là gì? Yếu và thiếu cái gì? Đây là hai câu hỏi hết sức đơn giản nhưng VFF chưa một lần nghiêm túc đi tìm câu trả lời từ giám đốc kỹ thuật thì nói gì đến việc yêu cầu họ hoạch định chiến lược phát triển căn cơ cho mục tiêu giành vé tham dự VCK World Cup.

Công việc của giám đốc kỹ thuật không phải là đi "trinh sát" đối thủ rồi tư vấn cho HLV trưởng đội tuyển U22, U23 hay đội tuyển quốc gia. Đó là những công việc vụn vặt của các trợ lý HLV chứ không phải của giám đốc kỹ thuật". (Chuyên gia ĐOÀN MINH XƯƠNG)

Giám đốc kỹ thuật của liên đoàn bóng đá: Vị trí nhiều thử thách Giám đốc kỹ thuật của liên đoàn bóng đá: Vị trí nhiều thử thách

TTO - Tính đến nay, LĐBĐ VN (VFF) chỉ có hai giám đốc kỹ thuật (giám đốc kỹ thuật) cùng người Đức là ông Rainer Willfeld (1994-2004) và Hans-Juergen Gede (2016-2020). Phải chăng giám đốc kỹ thuật không phải vị trí thiết yếu ở VFF, thậm chí khuyết cũng chẳng sao?

SĨ HUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp