
Giá vàng đang đà giảm, khả năng sụt dưới mốc 3.000 USD/ounce có sắp xảy ra là câu hỏi của nhiều nhà đầu tư - Ảnh: WGC
Sau khi chạm mức kỷ lục mọi thời đại, giá vàng thế giới liên tục giằng co trong biên độ rộng. Cập nhật đến hơn 15h chiều nay 4-4, giá vàng thế giới lại rơi về 3.088,44 USD/ounce. Một lượng vàng thế giới quy đổi sang tiền Việt Nam theo tỉ giá Vietcombank hiện là 96,66 triệu đồng.
Ông John Reade, giám đốc chiến lược thị trường của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) đã có những nhận định về xu hướng, diễn biến cùng những yếu tố tác động đáng kể lên kim loại quý này.
Những yếu tố tác động cầu giá vàng
Theo ông John Reade, giá vàng tăng nhanh cho thấy sự hội tụ của nhiều yếu tố, bao gồm căng thẳng địa chính trị, sự bất ổn kinh tế và sự thay đổi trong chính sách tiền tệ.
"Giá vàng tăng nhấn mạnh vai trò của vàng như một tài sản lưu trữ an toàn khi các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm các giải pháp phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh bất ổn trên toàn cầu", ông John Reade nhận định.
Theo dữ liệu của WGC, giá vàng đã tăng từ 2.500 lên 3.000 USD/ounce chỉ trong vòng 210 ngày - nhanh hơn nhiều so với các lần tăng giá trước đây. Điều này cho thấy giá vàng đã tích lũy được đà tăng mạnh mẽ trong suốt hai năm qua.

Ông John Reade, giám đốc chiến lược thị trường của Hội đồng Vàng thế giới
Trước đó, từ mốc 1.000 USD/ounce trong cuộc khủng hoảng tài chính, giá vàng đã tăng lên mốc 2.000 USD/ounce trong thời đại dịch.
Kể từ năm 2022, vàng đã phá vỡ mối quan hệ mật thiết với lãi suất tại Mỹ và USD khi các ngân hàng trung ương tăng gấp đôi lượng vàng mua vào và nhu cầu đầu tư vàng tại các thị trường mới nổi tăng vọt.
"Các ngân hàng trung ương đã đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy giá vàng tăng", vị chuyên gia WGC chỉ ra nhu cầu mua vàng không chỉ đến từ giới đầu tư thông thường.
Việc các ngân hàng trung ương liên tục mua vào cho thấy vàng có tầm quan trọng trong chiến lược dự trữ chính thức của các quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng.
Giám đốc chiến lược thị trường của WGC giải thích thêm: Các ngân hàng trung ương đã mua ròng vàng trong suốt 15 năm qua. Tuy nhiên trong 3 năm gần đây, các tổ chức này đã gia tăng hoạt động mua vàng với lượng mua vào mỗi năm đạt hơn 1.000 tấn kể từ năm 2022, và đạt mức 1.045 tấn trong năm 2024.
Ngoài ra, vị này cũng nhấn mạnh vai trò các thị trường mới nổi đối với giá vàng.
"Ở Trung Quốc, thị trường bất động sản ảm đạm đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhu cầu về vàng tăng vọt khi các hộ gia đình tìm kiếm các giải pháp nhằm đối phó với sự suy yếu của đồng tiền. Trong khi đó, động thái cắt giảm thuế nhập khẩu của Ấn Độ góp phần thúc đẩy hoạt động mua vàng của quốc gia này", giám đốc WGC cho hay.
Giá vàng tiếp tục diễn biến như thế nào?
Giá vàng đã vượt mốc 3.000 USD/ounce và đang có xu hướng đi xuống. Liệu giá vàng có thể duy trì được mức giá này không?
Ông John Reade cho biết giá vàng tăng gần đây được thúc đẩy bởi sự không chắc chắn xung quanh chính sách thuế quan của Mỹ và cuộc chiến thương mại đang diễn ra, điều này đã làm gia tăng các rủi ro kinh tế và biến động thị trường.
Những yếu tố này càng khiến các nhà đầu tư quan tâm hơn đến vàng như một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư quan trọng.
Mặc dù các rủi ro gia tăng và sự bất ổn đã thúc đẩy tâm lý tích cực đối với vàng, nhưng để giá vàng duy trì ở mức cao một cách ổn định, cần có sự gia tăng nhu cầu đầu tư, giám đốc WGC chỉ ra yếu tố quan trọng.
Điều này có thể đạt được thông qua việc các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng cường mua vàng hoặc sự tham gia mạnh mẽ hơn từ các nhà đầu tư phương Tây.
"Giá vàng có thể duy trì ở mức cao lịch sử này hay không chúng ta vẫn phải chờ xem. Tuy nhiên một điều chắc chắn là vai trò của vàng như một tài sản lưu trữ an toàn đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết", ông John Reade nhấn mạnh.
Mời bạn đọc theo dõi diễn biến giá vàng trong nước tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận