28/06/2024 14:26 GMT+7

Giám đốc được trả nhà sau 25 năm kêu oan: Động lực tiếp tục đòi minh oan

Ông Nguyễn Thành Công, người vừa được tòa án cấp cao tuyên trả nhà vào chiều 27-6, chỉ mong muốn được minh oan trước khi “nhắm mắt xuôi tay”.

Ông Nguyễn Thành Công mong mỏi đến lúc "nhắm mắt xuôi tay" được minh oan - Ảnh: ÁI NHÂN

Ông Nguyễn Thành Công mong mỏi đến lúc "nhắm mắt xuôi tay" được minh oan - Ảnh: ÁI NHÂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sau khi được hội đồng xét xử Tòa án cấp cao tại TP.HCM tuyên trả lại nhà 317 Trần Bình Trọng (quận 5, TP.HCM) chiều 27-6, ông Nguyễn Thành Công cho biết ông đã đau đáu với việc được minh oan mấy chục năm qua.

* Cảm xúc của ông sau khi được tòa tuyên trả nhà như thế nào?

- Tôi rất xúc động vì hội đồng xét xử đã tuyên bản án thấu lý đạt tình sau 7 năm kiện tụng. 

Bảy năm đó tôi đã trải qua cảm giác "được, mất" khi bản án sơ thẩm tuyên trả nhà, rồi bản án phúc thẩm tuyên nhà cho người khác, đến quyết định giám đốc thẩm tiếp tục khẳng định nhà là của tôi, hủy án phúc thẩm xét xử lại. 

Nay án phúc thẩm có hiệu lực tuyên trả nhà cho tôi, tôi rất xúc động.

* Với hành trình gần nửa đời người kêu oan, đòi nhà, ông nghĩ cái được lớn nhất của mình là gì sau khi có bản án tuyên trả nhà?

- Năm 1990 (lúc 37 tuổi), gom góp tiền vốn và với chuyên môn ở mảng điện, điện tử, tôi đã lập ra Công ty Bitroco cùng nhiều hoài bão. Tôi vay 500 triệu đồng của Hợp tác xã tín dụng Bưu Điện (thực chất là hợp tác kinh tế) và nỗi oan ức của tôi cũng bắt nguồn từ đây.

Tôi bị xử tù, nhà bị hợp tác xã bán phát mãi trái pháp luật. Ra tù năm 1996 tôi mất trắng toàn bộ sự nghiệp, nhà cửa. Tôi vác đơn gửi khắp nơi.

Ròng rã gần nửa đời người kêu oan, đòi nhà, nay tòa tuyên trả nhà. Căn nhà là tài sản lớn còn lại của tôi. Tuy nhiên quan trọng hơn, bản án trả nhà còn xác nhận hàng loạt việc làm trái pháp luật của Hợp tác xã tín dụng Bưu Điện và các cơ quan liên quan, đặc biệt là khởi đầu cho việc xử lý hình sự tôi xuất phát từ quan hệ kinh tế, dân sự.

Vì vậy, bản án trả nhà giúp cho tôi có thêm nhiều động lực, niềm tin để tiếp tục hành trình minh oan của mình.

* Với bản án trả lại nhà đã có hiệu lực pháp luật, ông sẽ làm gì tiếp theo để lấy lại nhà cũng như minh oan? 

- Tôi sẽ thực hiện các thủ tục để lấy lại nhà và tiếp tục gõ cửa các cơ quan có thẩm quyền để xin được minh oan như đã làm mấy chục năm qua.

Nhiều năm khổ sở, buồn rầu tôi bị đột quỵ, liệt nửa người. Cũng may tôi vượt qua được và được vợ con bên cạnh chăm sóc, lay lắt sống đến nay. Sức khỏe của tôi hiện nay rất yếu, mỗi ngày đều phải vô thuốc. 

Mong muốn lớn nhất của tôi là trước lúc nhắm mắt xuôi tay được minh oan. Tôi có đứa con đang học đại học. Tôi mong con không còn phải mặc cảm với thân phận từng là tù nhân của cha. 

Tôi mong ngày đó đến kịp…

Bộ Công an và Công an TP chỉ ra nhiều dấu hiệu oan sai

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, tháng 3-1990, Bitroco do ông Công làm giám đốc vay Hợp tác xã tín dụng Bưu Điện 500 triệu đồng.

Tính đến cuối năm 1990, nợ gốc và lãi của ông Công là 814 triệu đồng. Tuy vậy, tháng 12-1990, Hợp tác xã Bưu Điện gửi công văn cho UBND quận 5, kê khống nợ của Bitroco lên đến hơn 1,7 tỉ đồng và đề nghị cho phát mãi nhà ông Công để thu hồi nợ.

Mặc dù từ tháng 3-1990 đến tháng 1-1991, ông Công đã trả Hợp tác xã Bưu Điện hơn 1,52 tỉ đồng và 194 lượng vàng (trả dư so với số nợ là gần 800 triệu đồng và 194 lượng vàng). Hợp tác xã Bưu Điện cũng chuyển vụ việc ông Công sang cho cơ quan công an quận 5.

Ngày 28-1-1991, Công an quận 5 khởi tố, bắt giam ông Công về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa" (theo Bộ luật Hình sự 1985). Hay tin ông Công bị bắt, có 3 tổ chức và 1 cá nhân đồng loạt gửi đơn đến Công an quận 5 đòi tiền ông Công.

Qua đó, Công an quận 5 đưa 3 tổ chức thành "bị hại" vào điều tra chung trong vụ án và khởi tố bổ sung ông Công về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân".

Tháng 10-1991, cơ quan điều tra giữ nguyên tội danh "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân" và chuyển tội danh lừa đảo thành "lạm dụng tín dụng chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa".

Xử sơ thẩm năm 1993, TAND TP.HCM phạt ông Công 6 năm tù. Ông Công thụ án đến năm 1996 ra tù và liên tục kêu oan, đòi nhà.

Năm 2003, Công an TP.HCM có báo cáo số 67 và năm 2021 Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng có báo cáo chỉ ra các dấu hiệu oan sai từ việc xử lý hình sự ông Công, đề nghị giám đốc thẩm để xem lại.

Thủ tục để lấy lại nhà sau khi tòa tuyên

Theo quy định, bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên. Để lấy lại nhà, ông Công cần lấy bản án phúc thẩm kèm các tài liệu liên quan mang đến yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành thủ tục thi hành án.

Căn cứ vào đó, cơ quan thi hành án sẽ yêu cầu tổ chức, cá nhân đang nắm giữ, quản lý, sử dụng căn nhà tự nguyện trả lại nhà trong thời hạn quy định. Nếu không tự nguyện trả lại nhà, cơ quan thi hành án sẽ cưỡng chế để trả lại nhà cho ông Công.

Sau 7 năm được minh oan, cựu tử tù Hàn Đức Long vẫn chờ bồi thườngSau 7 năm được minh oan, cựu tử tù Hàn Đức Long vẫn chờ bồi thường

Sau 11 năm bị tù oan về tội giết người, hiếp dâm trẻ em, đến nay đã 7 năm sau ngày được trả tự do, xin lỗi công khai, nhưng cựu tử tù Hàn Đức Long vẫn chưa nhận tiền bồi thường. Còn tòa án nói mong tìm tiếng nói chung về khoản tiền bồi thường này.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp