Thực tế thì các chế định về giám định tư pháp khá rõ ràng đối với việc xem xét một người phạm tội tham nhũng có bị tâm thần hay không, và việc đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý nghiêm minh thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), kết quả giám định nói chung và kết quả giám định tâm thần nói riêng là nguồn chứng cứ và trưng cầu giám định tâm thần là hoạt động thu thập chứng cứ mà các cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải thực hiện để chứng minh tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo trong trường hợp có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ.
Theo một số tài liệu y khoa, các dấu hiệu báo trước của một số bệnh tâm thần thường là buồn rầu, bi quan, lo âu, không tập trung vào công việc được, hốt hoảng khi phải đi ra ngoài một mình, không chú ý đến vệ sinh cá nhân, từ chối ăn uống...
Hiếm có trường hợp người bị bệnh tâm thần lại sinh hoạt, giao tiếp, xử lý công việc như người bình thường.
Do vậy, trường hợp bị can, bị cáo có kết quả giám định là bị bệnh tâm thần nhưng lại không có dấu hiệu của bệnh lý này là căn cứ để các cơ quan tiến hành tố tụng nghi ngờ về tính khách quan của kết quả giám định.
Theo quy định của điều 159 BLTTHS, trường hợp này phải được trưng cầu giám định lại. Việc không trưng cầu giám định lại khi có đầy đủ căn cứ để nghi ngờ kết quả giám định lần đầu được xem là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Một vấn đề khác là xác định bị can, bị cáo bị bệnh tâm thần trước hay sau khi thực hiện hành vi phạm tội để xử lý đúng quy định pháp luật.
Thực tiễn cho thấy người bị bệnh tâm thần có thể thực hiện hành vi giết người, cố ý gây thương tích, hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác..., nhưng khó thể thực hiện các tội phạm về tham nhũng (vì người phạm tội tham nhũng phải là người hoàn toàn tỉnh táo để tính toán kỹ lưỡng những thủ đoạn khi thực hiện tội phạm cũng như che giấu tội phạm và tẩu tán tài sản do phạm tội mà có).
Nếu người phạm tội tham nhũng bị bệnh tâm thần sau khi thực hiện tội phạm thì không thể đình chỉ điều tra theo điều 107 mà chỉ có thể tạm đình chỉ điều tra theo điều 106 và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo điều 311 BLTTHS.
Khi căn cứ tạm đình chỉ không còn, các cơ quan tiến hành tố tụng phải phục hồi điều tra theo quy định tại điều 165 BLTTHS.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận