Ảnh minh họa. Nguồn: dentalparadisehinjewadi.com
- Răng khôn (răng số 8 còn gọi là răng hàm lớn thứ ba) thường bắt đầu mọc từ 17 đến 25 tuổi trở lên, nếu còn đủ chỗ sau răng số 7.
- Mỗi người có 4 răng khôn ở bốn góc hàm, tuy nhiên cũng có người không thấy răng khôn mọc ra vì vẫn còn nằm trong xương hàm.
Những ảnh hưởng khi mọc răng khôn
Sâu răng
- Do răng khôn ở trong cùng của hàm nên rất khó vệ sinh, thức ăn và vi khuẩn dễ dàng tích tụ gây viêm nhiễm.
- Đặc biệt những răng chỉ mọc lên được một phần hoặc mọc lệch, đâm vào răng bên cạnh, sự tích tụ lâu ngày gây sâu răng, đau đớn và nhiễm trùng có thể xảy ra.
Viêm lợi
- Sự tích tụ của thức ăn và vi khuẩn ở răng khôn gây ra viêm nhiễm vùng lợi xung quanh, dẫn đến triệu chứng: Sưng, đau, hôi miệng và đôi khi cứng hàm (bệnh nhân không thể mở miệng to được).
- Bệnh viêm lợi tái phát nhiều lần chừng nào răng khôn chưa được chữa trị, và càng ở những lần tái phát sau mức độ nguy hiểm càng cao.
Huỷ hoại xương và răng xung quanh
- Khi răng khôn mọc đâm sang răng bên cạnh, nó sẽ làm răng đó bị tiêu hủy, lung lay, nhiều khi gây sâu răng, và cuối cùng là rụng răng. Triệu chứng sớm của việc mọc lệch này là những cơn đau âm ỉ ở khu vực đó.
- Trong một số truờng hợp khi những bất thường của răng khôn không được chữa trị kịp thời, nhiễm trùng lây lan sang các khu vực xung quanh như mang tai, má, mắt, cổ,… gây nguy hiểm đến tính mạng.
Phương pháp giảm đau khi mọc răng khôn
Giữ sạch vùng khoang miệng
- Dùng chỉ nha khoa sau khi ăn;
- Thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý (natri clorid 0,9%), đặc biệt là sau khi ăn vì khi mọc răng khôn, lợi sẽ bị đỏ và sưng rất dễ bị nhiễm trùng;
- Sử dụng nước sát trùng: Dùng bông thấm nước sát trùng tra vào chỗ răng mọc, giữ nguyên từ 15 - 20 phút, làm 2 lần/ ngày.
Chườm đá
- Lấy đá bọc vào miếng vải sạch, sau đó chà lên các khu vực răng bị đau;
- Thực hiện vài lần trong ngày, nước đá có tác dụng gây tê, giảm bớt sự đau đớn.
Dùng thuốc kháng sinh, giảm đau
- Trong trường hợp có triệu chứng sưng đau, sốt thì dùng kháng sinh, liều dùng theo chỉ định của bác sĩ;
- Kết hợp kháng sinh với các loại thuốc giảm đau.
Lưu ý
Trong trường hợp bị sốt cao, đau nhức kéo dài hoặc răng mọc xiên, lệch, cần đến bác sĩ nha khoa, để được tư vấn về cách xử trí hợp lý.
Sau khi có kết quả chụp X-quang, bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp như trích mủ, cắt lợi trùm hay nhổ răng,…
Phương pháp giảm đau bằng dân gian
Dùng lá lốt
Nước lá lốt dùng hàng ngày có tác dụng giảm đau răng hiệu quả.Tác dụng của lá lốt: Ôn trung, hạ khí và giảm đau hiệu quả.
Cách làm:
- Lấy hai nắm cành và lá lốt đem rửa sạch;
- Cho lá lốt vào nước và sắc đặc với 1 bát nước, cho thêm ít muối;
- Ngậm nước hàng ngày vào buổi sáng, trưa và tối.
Dùng tỏi
Tác dụng của tỏi: Tỏi chứa chất gây tê tự nhiên, có tác dụng giảm đau rất tốt.
Cách làm:
- Bóc 1 nhánh tỏi sau đó nghiền nát rồi cho vào 1 chén nước nhỏ, bỏ thêm một chút muối khuấy đều.
- Dùng bông thấm hỗn hợp nước vào chỗ đau ngày 3 lần (sáng, trưa, tối) sẽ giảm đau.
Lưu ý: Áp dụng các phương pháp giảm đau bằng dân gian trong trường hợp bệnh nhân không được uống thuốc giảm đau như phụ nữ mang thai, cho con bú,…
Hầu hết mọi người không ít thì nhiều cũng trải qua thời kỳ mọc răng, đau răng, và "nếm trải" những vấn đề khó chịu, nhức nhối do răng khôn gây nên. Tuy nhiên, để tránh xảy ra phiền phức, đau đớn… ngay khi răng khôn mọc, chúng ta cần đến bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và điều trị dứt điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận