20/01/2016 09:20 GMT+7

Giảm cước đường sắt, xã hội lợi lớn

C.V.KÌNH ghi
C.V.KÌNH ghi

TT - Nếu đường sắt giảm được giá cước thì cả xã hội sẽ được lợi lớn. Phải thay đổi, nhất là cách nghĩ cách làm để xây dựng chiến lược phát triển lâu dài bền vững cho ngành.

 Đất nước đổi mới đã hơn 30 năm nhưng đi đường sắt vẫn thấy cung cách bao cấp còn ở đâu đó. Là người dân, tôi khó chọn đường sắt vì giá cao, chất lượng phục vụ chưa ổn. Với tư cách là doanh nghiệp, tôi cũng không dùng đường sắt vì sự tiện dụng và hiệu quả không tương xứng với chi phí bỏ ra...

Thế mạnh của ngành đường sắt là rất lớn nhờ khả năng chuyên chở khối lượng lớn, lẽ ra chi phí vận chuyển phải rẻ, cũng chẳng lo tắc đường, thời gian chuyên chở đáng lý phải nhanh.

Một khi được độc quyền khai thác, lẽ ra doanh nghiệp phải mạnh, chất lượng phải được chăm chút. Nhưng giờ đi tàu thì giá vé ngang ngửa máy bay nếu chịu khó tìm vé máy bay giá rẻ. Chi phí vận chuyển hàng hóa từ ga đến ga, cộng thêm chi phí bốc xếp và vận chuyển hàng hóa đến ga hay từ ga về kho có thể làm chi phí đường sắt ngang với đường bộ.

Chưa kể nếu chuyên chở khối lượng lớn, hạ tầng ngành đường sắt khó lòng đáp ứng khả năng giao nhận nhanh, hàng hóa phải lưu trữ trong kho thì doanh nghiệp chỉ còn nước... chào thua.

Ngành đường sắt đáng ra phải chủ động tìm kiếm các hình thức đầu tư để đáp ứng nhu cầu xã hội ngày càng tăng. Đường sắt phát triển sẽ giúp giảm thiểu vận chuyển đường bộ, từ đó làm giảm tai nạn giao thông, giảm kẹt xe, giảm ô nhiễm...

Nếu đường sắt giảm được giá cước thì cả xã hội sẽ được lợi lớn, bởi người dân được đi lại an toàn và chi phí thấp hơn; doanh nghiệp có đầu vào rẻ, sức cạnh tranh hàng hóa sẽ cao hơn.

Ngành đường sắt cần phải thay đổi, nhất là cách nghĩ cách làm để xây dựng chiến lược phát triển lâu dài bền vững. Về lĩnh vực kinh doanh, ngành đường sắt có nhiều phương án có thể làm ngay để tăng thu và giảm giá cước, chẳng hạn dịch vụ quảng cáo trên các toa tàu, bán hàng qua catalogue trên tàu, các dịch vụ tiện ích có trả phí cung cấp cho hành khách...

Phải đa dạng sở hữu, vì Tổng công ty Đường sắt cũng không có gì quá nhạy cảm để không thể cổ phần hóa công ty mẹ. Có sự tham gia vốn của tư nhân sẽ giúp đổi mới quản trị, tăng hiệu quả kinh doanh... Thời gian qua chỉ mới cổ phần hóa công ty con đã cho thấy không thể giải quyết được cốt lõi vấn đề.

Ngoài ra, đường sắt sẽ khó phát triển nếu không có cạnh tranh. Trước đây đi máy bay nội địa thì người dân chỉ có một lựa chọn, nhưng sau khi có nhiều hãng hàng không được cấp phép, người dân có sự lựa chọn đa dạng hơn, giá vé có nhiều mức.

Ngay Vietnam Airlines cũng phải tự thay đổi và khuyến mãi nhiều hơn để kéo hành khách sử dụng dịch vụ của mình. Đường sắt cũng nên cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia vận chuyển một số tuyến.

Nhà nước chỉ độc quyền quản lý hạ tầng, còn khai thác nên để các thành phần kinh tế cùng tham gia. Điểm chung của các nước có hệ thống dịch vụ đường sắt phát triển là do có những hãng đường sắt tư nhân mạnh.

Tổng công ty Đường sắt đã quen độc quyền, nếu chỉ kêu gọi hay hô hào cơ cấu lại nhân sự... sẽ khó có chuyển biến mạnh, trong khi xã hội cần ngành đường sắt phải thay đổi nhanh. Xã hội đang đòi hỏi ngành đường sắt thay đổi thì cũng cần có những giải pháp đột phá để giúp ngành không bị bỏ rơi lại phía sau.

ĐẶNG MINH PHƯƠNG (tổng giám đốc Tập đoàn MP Logistics)

C.V.KÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp