02/08/2011 08:01 GMT+7

Giảm chồng chéo trong quản lý nhà nước

V.V.THÀNH thực hiện
V.V.THÀNH thực hiện

TT - Trong khi cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa mới được đề nghị giữ nguyên như cũ, một số bất cập, chồng chéo trong quản lý nhà nước đã bộc lộ thời gian qua nên được xử lý như thế nào?

3DNBcna8.jpgPhóng to
Ông Đinh Xuân Thảo - Ảnh: Nguyễn Triều

Đó là câu hỏi Tuổi Trẻ đặt ra với ông Đinh Xuân Thảo (viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Ông Thảo cho rằng:

- Việc sáp nhập một số bộ ngành để tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực, một việc do một cơ quan chủ trì và có một vài bộ ngành khác cùng phối hợp đã cho thấy có sự phù hợp trên thực tế. Những chồng chéo trong quản lý nhà nước ngày càng được giảm bớt.

Phân cấp nhưng không để lạm quyền

* Vừa qua báo Tuổi Trẻ nêu câu chuyện “sân golf trong sân bay” và việc nhiều tỉnh xin bổ sung sân golf, dù Chính phủ đã có phê duyệt quy hoạch sân golf đến năm 2020. Điều này đang nói lên vấn đề gì trong quản lý nhà nước hiện nay và giải pháp cho vấn đề này nên như thế nào?

- Việc phân cấp cho chính quyền địa phương về lý thuyết là tốt nhưng thực tế do quyết định phân cấp chưa chặt chẽ và kiểm tra không nghiêm ngặt nên mới có hiện tượng bung ra hàng trăm sân golf như vừa qua. Như vậy, không hẳn cứ phân cấp mạnh là tốt. Trong một lĩnh vực nhất định nào đó, nếu cứ giao cho bên dưới cấp phép thì rất nguy hiểm, vì tài nguyên quốc gia bị mất, Nhà nước và nhân dân không được gì, chỉ có một nhóm người là có lợi ích. Tới đây, khi nghiên cứu sửa đổi hiến pháp và các luật về tổ chức, những việc gì có thể phân cấp mạnh để tăng tính tự chủ cho địa phương thì vẫn nên mạnh dạn giao, nhưng có những việc liên quan đến tài sản quốc gia thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý thì nên tập trung để Nhà nước trung ương chịu trách nhiệm chính.

Tổng kết mười năm thực hiện cải cách hành chính cho thấy nếu như các khóa trước có đến cả trăm việc chồng chéo thì hiện nay chỉ còn khoảng 9-10 lĩnh vực còn chồng chéo. Như vậy, nếu như cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa mới vẫn được giữ nguyên, nghĩa là giữ “bộ khung”, chúng tôi cho rằng phải tính đến việc sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ cụ thể của một số bộ ngành.

- Nghĩa là cần có sự rà soát, sửa đổi bên dưới “bộ khung”?

- Đúng vậy và điều này Chính phủ hoàn toàn làm được. Bởi lẽ chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành nằm trong các nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Chúng tôi cho rằng sau khi Quốc hội có quyết định về cơ cấu tổ chức cũng như bầu, phê chuẩn nhân sự Chính phủ khóa XIII, một trong những việc cần làm đầu tiên của Chính phủ là khẩn trương rà soát, xem xét sửa đổi quy chế làm việc của Chính phủ, các nghị định quy định về tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập đã bộc lộ thời gian qua.

* Có ý kiến cho rằng trong trường hợp nhất định, việc hình thành bộ đa ngành chưa đi liền với việc sắp xếp lại cơ cấu bên trong của mỗi bộ, mà ngược lại, hiện đang có xu hướng phình to hơn cơ cấu bên trong, ví dụ như tổng cục?

- Đây là vấn đề mà dư luận quan tâm, do vậy Chính phủ cần có tổng kết trong thời gian tới. Chúng ta không nên “vơ đũa cả nắm”, vì thực tế có những bộ sau khi sáp nhập quá lớn, việc thành lập tổng cục tạo thuận lợi quản lý chuyên sâu lĩnh vực.

Tuy nhiên phải có tổng kết và quy định tiêu chí thật chặt chẽ là bộ nào, lĩnh vực nào mới được thành lập tổng cục. Như thế sẽ tránh được tình trạng “lạm phát” tổng cục, tránh hiện tượng thành lập tổng cục chỉ giúp giải quyết chế độ, chính sách cho một số người cụ thể mà không thật sự giúp tạo ra nền hành chính thông suốt, minh bạch từ trên xuống dưới.

* Hiện nay đang nổi lên vấn đề phát triển kinh tế biển. Theo ông, mô hình quản lý nhà nước về lĩnh vực này đã phù hợp chưa?

- Hiện nay có Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam trong Bộ Tài nguyên - môi trường. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có chức năng quản lý nhà nước về thủy sản. Nói về kinh tế biển thì còn có dầu khí, hàng hải, du lịch... thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của nhiều bộ khác. Như vậy đây là một lĩnh vực tổng hợp, liên quan đến nhiều bộ ngành khác nhau.

Nhìn ra thế giới, nhiều nước có vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn thì họ thường thành lập bộ riêng để quản lý. Như vậy đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ. Nhiệm kỳ này chưa đặt ra việc thành lập bộ mới, tuy nhiên về lâu dài khi điều kiện chín muồi thì có thể đề xuất thêm, bớt các bộ sao cho hợp lý.

* Ông NGUYỄN THANH TÙNG (phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định):

Kiến nghị thành lập Bộ Kinh tế biển

Cá nhân tôi cũng như phần lớn ý kiến đại biểu đoàn Bình Định kiến nghị Thủ tướng trình Quốc hội thành lập Bộ Kinh tế biển trên cơ sở xem xét tách lĩnh vực quản lý thủy sản ra khỏi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tách lĩnh vực quản lý biển và hải đảo ra khỏi Bộ Tài nguyên - môi trường và bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho bộ mới này.

Lý do đầu tiên của kiến nghị này là hiện nay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý đa ngành quá nhiều lĩnh vực, toàn là những lĩnh vực rất lớn và mang tầm chiến lược nên khó bao quát và chuyên sâu được. Lý do thứ hai, quan trọng hơn, là nhu cầu bức thiết của công tác quản lý và phát triển kinh tế biển mà chúng ta đã xác định được vai trò quan trọng của nó bằng việc đưa ra chiến lược phát triển kinh tế biển đảo VN.

Có ý kiến cho rằng tách, nhập gì thì hãy chờ sửa đổi hiến pháp. Tôi nghĩ rằng việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 sẽ tạo cơ hội để hoàn thiện bộ máy nhà nước một cách cơ bản, toàn diện và Quốc hội sẽ làm rất kỹ. Nhưng đối với những vấn đề rất cụ thể, bức thiết thì Thủ tướng có thể trình Quốc hội xem xét, quyết định ngay.

* Ông ĐINH TIÊN PHONG (phó bí thư Tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa):

Quan trọng nhất là chọn được lãnh đạo giỏi

Các ý kiến đại biểu đoàn Thanh Hóa cũng đề cập tình trạng còn chồng chéo, trùng lắp, chưa rõ trách nhiệm của một số bộ, ngành. Quan điểm của tôi là nên ổn định bộ máy cho tới khi việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 hoàn tất, khi đó chúng ta sẽ điều chỉnh bộ máy một cách tổng thể.

Tôi nghĩ rằng đúng là chúng ta còn băn khoăn về hiệu lực, hiệu quả của một số bộ quản lý đa ngành, sợ rằng một ông “tư lệnh” thì khó điều binh khiển tướng một lúc ở nhiều “chiến trường”.

Tuy nhiên, điều tôi thấy quan trọng và cần thiết hơn nhiều chính là công tác bố trí nhân sự. Chọn được người lãnh đạo giỏi, có tầm, có tâm, có trách nhiệm cao thì ở vào công việc khó khăn mấy người ta cũng tìm ra được quyết sách phù hợp. Vì vậy, tôi chờ đợi Thủ tướng sẽ trình Quốc hội đội ngũ nhân sự thành viên Chính phủ làm đại biểu Quốc hội và cử tri hài lòng nhất.

V.V.THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp