Chỉ bằng vài cú click chuột trên sàn logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiếp cận đa dạng đối tác vận chuyển, ngày khởi hành, thời gian vận chuyển được báo chi tiết theo giá cước... thay vì phải chờ đợi cả ngày hoặc lâu hơn như trước đây.
Giảm "nỗi đau chi phí logistics"
Những lợi ích trên lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam thông qua sàn giao dịch logistics quốc tế do người Việt sáng lập, vận hành.
Ông Nguyễn Hoài Chung, CEO sàn giao dịch logistics quốc tế Phaata, cho biết điều trăn trở nhất của ông làm sao giải quyết "nỗi đau chi phí logistics" để kéo giảm giá cước, chốt đơn hàng nhanh chóng, tăng sức cạnh tranh.
Đây là những khó khăn với các chủ hàng và công ty dịch vụ logistics.
Trước khi khởi nghiệp xây dựng Phaata, ông Chung có thời gian dài gắn bó Sales & Marketing của Cosco - hãng tàu biển lớn thứ tư trên thế giới hiện nay.
Trong thời gian đó, ông hiểu rõ khó khăn của các chủ hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Việt Nam.
Công ty dịch vụ logistics loay hoay phát triển khách hàng, phát triển doanh số và phát triển thương hiệu để có nhiều người biết tới. Còn chủ hàng tìm kiếm giá và dịch vụ logistics để tối ưu chi phí logistics cho từng lô hàng.
Ngoài ra, trước đây chủ hàng chỉ có thể lựa chọn đối tác logistics dựa trên số ít đối tác mà mình biết, trong khi những công ty logistics này lại chưa phải là công ty logistics phù hợp, bị chào giá cước cao, không chuyên tuyến, dịch vụ kém...
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chi phí vận chuyển cao và nhiều rủi ro phát sinh đi kèm trong quá trình sử dụng dịch vụ.
Để có được thông tin giá cước đầy đủ của thị trường là rất khó vì chủ hàng phải mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm và tổng hợp.
"Cả thị trường ở trên sàn thì sao? Ví dụ có 3-5 đối tác logistics sẽ không đại diện cho thị trường để báo giá cước cạnh tranh nhất, từ đó dễ mất đơn hàng. Phaata đang giải quyết nỗi đau cho các chủ hàng.
Giờ đây, lần đầu tiên họ có thể "đi chợ" logistics, dễ dàng tìm kiếm, so sánh và lựa chọn được công ty logistics phù hợp nhất một cách nhanh chóng và thuận tiện bằng cú click chuột", ông Chung nói.
Theo CEO Phatta, điều này nhanh chóng hơn so với cách làm truyền thống, tiết kiệm được chi phí, tăng năng lực cạnh tranh.
Thực tế trên thị trường có nhiều mô hình sàn thương mại điện tử ngành logistics triển khai, song sau thời gian ngắn "biến mất".
Ông Chung đánh giá Phaata là mô hình kinh doanh và hướng đi hoàn toàn khác. Logistics là một lĩnh vực rất đặc thù.
Đặc biệt là logistics quốc tế, càng phức tạp hơn. Giá cước thường có hiệu lực khá ngắn, chỉ một vài ngày. Khi có giá cước tốt, công ty logistics chào bán dịch vụ thật nhanh.
Lên sàn, các bảng báo giá liên tục được đẩy lên trên hệ thống, theo đó chủ hàng cập nhật tức thời với các loại hình dịch vụ vận chuyển như hàng không, đường sắt, đơn hàng lẻ, đường biển...
Rót triệu USD, chỉ 2 giây xử lý một bưu kiện
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại diện Best Express cho biết sau bốn năm có mặt tại Việt Nam, doanh nghiệp đã tích cực đầu tư hơn 20 triệu USD vào các trung tâm phân loại hàng hóa ở Bắc Ninh và TP.HCM, ứng dụng công nghệ tự động nâng cao năng suất xử lý hàng hóa.
Ngay khi đặt chân vào thị trường, doanh nghiệp đã nhập khẩu toàn bộ hệ thống công nghệ từ băng chiều phân loại đến máy quét mã vạch, cảm biến cân đo hàng hóa, máy quét hình ảnh tự động từ Trung Quốc mang về Việt Nam lắp ráp.
Theo công bố của Best Express, đơn vị này đã đạt tốc độ xử lý chỉ 0,5 giây cho một bưu kiện dưới 3kg và 2 giây cho những bưu kiện lớn trên 3kg.
Công suất xử lý đơn hàng đạt 2,2 triệu đơn mỗi ngày. Đến nay, công ty có hơn 600 bưu cục hoạt động trên cả nước và cạnh tranh với Viettel Post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm...
Thay vì cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh, doanh nghiệp này mở rộng hệ sinh thái cung cấp dịch vụ logistics trọn gói. Chẳng hạn, có vận chuyển nội địa, quốc tế hoặc giải pháp quản lý bán hàng xuyên biên giới, tăng hiệu quả cho khách hàng.
Các doanh nghiệp mảng giao vận, taxi cũng đang lao vào cuộc đua đầu tư công nghệ ngày càng khốc liệt. Vinasun là một điển hình.
Từng là taxi truyền thống quy mô lớn, làn sóng xe công nghệ Uber, Grab thay đổi vận tải hành khách chóng mặt, taxi buộc phải thay đổi. Sau thời gian ngụp lặn khó khăn, ông Trần Anh Minh - phó tổng giám đốc Vinasun - chia sẻ đã không "ngại cuộc chơi mới" với các app công nghệ, bởi hãng đã bắt đầu ghi nhận tích cực từ khi chuyển đổi số.
Ngoài việc tái cấu trúc hoạt động, chuyển đổi từ mô hình chia phí taxi sang mô hình cho thuê và nhượng quyền thương hiệu, hãng đẩy mạnh phát triển công nghệ, phần mềm hiện đại với các ứng dụng di động, mở rộng mảng kinh doanh thương quyền.
Nhờ đó, taxi Vinasun ghi nhận số lượng khách đặt thông qua app mỗi ngày tăng mạnh. Năm 2022 có 17.022 lượt, dự kiến năm 2023 đạt 25.000 lượt gọi xe qua app.
Thu hút các ông lớn... lên sàn
Sau hai năm thành lập, ông Nguyễn Hoài Chung cho biết sàn đang có 1.300 gian hàng với 120.000 người truy cập/tháng với hơn 10.000 yêu cầu báo giá từ chủ hàng được gửi lên, hơn 30.000 chào giá từ các công ty logistics.
Nhiều khách hàng lớn sử dụng như Cosco, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, Thilogi, U&I logistics, cảng Đồng Nai, Interlink...
Theo dõi trên nền tảng, có trường hợp khách bán hàng trên sàn Alibaba, khi có đơn hàng chốt họ sẽ qua bên sàn Phaata để tìm kiếm giá vận chuyển để tính toán ra giá bán hàng nhanh chóng.
Cần đầu tư công nghệ từ những việc nhỏ nhất
Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho thấy chi phí logistics so với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,8%, trong khi bình quân thế giới là 10,7%.
Nếu tính trong khu vực ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn Singapore (đang ở mức 8,5%), Malaysia (13%) và Thái Lan (15,5%).
Ông Lê Duy Hiệp, chủ tịch VLA, cho rằng làn sóng đầu tư của doanh nghiệp FDI vào Việt Nam là cơ hội cho ngành logistics. Tuy nhiên, doanh nghiệp nước ngoài luôn đòi hỏi rất cao, cả các tiêu chí về phát triển bền vững, tiêu chí xanh...
Doanh nghiệp logistics buộc phải đầu tư cả công nghệ, phương tiện, nhân lực... mới có đơn hàng.
Trong ngành logistics, việc chuyển đổi số là rất cấp thiết để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Đã có mô hình công nghệ mới rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí song cần làm đồng bộ, áp dụng rộng rãi hơn.
Theo ông Hiệp, việc chuyển đổi số cần từng bước từ thấp đến cao. Hãy bắt đầu chuyển đổi từ những việc nhỏ rồi tiến thêm. Chẳng hạn, số hóa chứng từ vận tải để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể áp dụng được...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận