Thông qua các phản hồi gửi đến Tuổi Trẻ Online (TTO - tuoitre.vn), hầu hết bạn đọc đều giật mình trước thông tin mà ông Giao công bố: “Tính đến tháng 12-2014, cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương). Biên chế năm 2015 đã giao cho các hội đặc thù là 7.445 biên chế... Trong đó, chi phí cho toàn hệ thống các hội đoàn mỗi năm dao động từ 45.600 - 68.100 tỉ đồng”.
Để bớt đi gánh nặng cho ngân sách, bạn đọc Đinh Công Danh đề nghị: “Cần xem xét cụ thể hội nào hoạt động hiệu quả, có lợi cho dân thì giữ lại, nếu không thì nên sáp nhập hoặc giải thể, vì hiện nay có nhiều hội trùng lắp chức năng và kém hiệu quả”.
Bổ sung, bạn đọc Nguyễn Thanh Hiệp góp ý: “Các hội đoàn bất vụ lợi cần phải có kinh phí để hoạt động là điều tất yếu. Nhưng, không phải là hội đoàn bất vụ lợi nào cũng được Chính phủ chu cấp kinh phí cho hoạt động. Muốn được Chính phủ chu cấp kinh phí cho hoạt động, các hội đoàn cần phải được thẩm định và cân nhắc phân bổ kinh phí theo khả năng hoạt động của hội đoàn đó”.
Bạn đọc nick name HKV cho rằng các tổ chức hội cần hoạt động theo tôn chỉ tự nguyện, không đòi hỏi quyền lợi. Theo bạn đọc này, lẽ ra kinh phí của hội hoạt động phải lấy từ hội phí của các hội viên và các khoản tài trợ, chứ không phải do Nhà nước bao cấp.
Đồng ý với đề xuất trên, bạn đọc nick name TT viết: “Nên rà soát lại hội nào cần bao cấp toàn bộ kinh phí hoạt động (ví dụ: hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi,...), hội nào bao cấp một phần và hội nào tự túc kinh phí. Có như vậy thì những hội ít nhận được tài trợ mới đủ kinh phí hoạt động, những hội có khả năng kiếm tiền phải năng động tự lực cánh sinh”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận