Học sinh tham gia dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật năm 2020 trình bày với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về ý tưởng đã thực hiện. Đây cũng là một trong những hình thức có thể được tính điểm thay cho bài kiểm tra thông thường - Ảnh: VĨNH HÀ
Đây là nội dung đổi mới về đánh giá học sinh trong Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT vừa ban hành.
Theo quy định mới, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.
Số lần kiểm tra, đánh giá thường xuyên không giới hạn bởi số điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên quy định.
Kiểm tra, đánh giá định kỳ, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kỳ và kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.
Thời gian làm bài kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa 120 phút.
Đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành.
Đối với bài thực hành, dự án học tập phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá trước khi thực hiện.
Theo quy định trên, điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên tính hệ số 1, điểm kiểm tra đánh giá giữa kỳ tính hệ số 2, điểm kiểm tra đánh giá cuối kỳ tính hệ số 3.
Số bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ cũng có những điều chỉnh so với quy định trước đó.
Cụ thể kiểm tra thường xuyên với môn học có từ 35 tiết trở xuống/năm học sẽ có 3 đầu điểm. Môn có 70 tiết trở xuống/năm học có 4 đầu điểm trong khi kiểm tra định kỳ sẽ có 1 bài kiểm tra giữa kỳ và 1 bài kiểm tra cuối kỳ.
Học sinh thiếu đầu điểm kiểm tra nhưng có lý do chính đáng sẽ được kiểm tra bù ngay trong từng học kỳ, nếu không sẽ nhận điểm 0.
Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng ban hành Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT đánh giá học sinh tiểu học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận