08/07/2013 12:26 GMT+7

Giảm 2 triệu ha lúa, nông dân sẽ giàu lên

Nguyên phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn
Nguyên phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn

TT - Nguyên phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn cho rằng nếu giảm 2 triệu ha đất trồng lúa để chuyển sang trồng hoa, cỏ chăn nuôi, cây cảnh, nuôi cá... thì giá gạo sẽ tăng lên gấp 1,5-2 lần hiện nay. Như thế, nông dân mới có lãi thật và được hưởng đúng giá trị do mình làm ra.

GyeyTAIV.jpg
Ông Nguyễn Công Tạn - Ảnh: V.Dũng

Nguyên phó thủ tướng NGUYỄN CÔNG TẠN cho rằng việc giữ 7 triệu ha đất trồng lúa mỗi năm (bao gồm diện tích trồng lúa vụ hè thu, đông xuân và lúa vụ ba - PV) và cứ “ôm” mãi thành tích cường quốc xuất khẩu lúa gạo đang là vấn đề mâu thuẫn nhất. Ông đề nghị đổi mới tư duy làm nông nghiệp, giảm bớt 2 triệu ha lúa để dành đất nuôi, trồng cây, con khác.

Ông Tạn phân tích:

- Hãy nhìn vào ba yếu tố chính tác động đến tăng trưởng, phát triển ngành nông nghiệp: một là cơ chế chính sách, hai là khoa học kỹ thuật, ba là vốn đầu tư. Năm 1988, chúng ta thực hiện cơ chế giao đất, cho phép hộ gia đình tự chủ sản xuất đã tạo nên bước ngoặt, nhưng cơ chế này đến nay khai thác đã hết. Nói cách khác, động lực tạo ra tính tích cực của nông dân đến nay không còn lớn nữa, đã đến giới hạn của nó. Trong khi đó khoa học kỹ thuật chỉ đóng góp vào giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp trên dưới 30% một chút (thế giới là 90%). Vậy là rõ rồi, trong khi cơ chế chính sách đã đến giới hạn thì khoa học kỹ thuật lại giậm chân tại chỗ. Đây là lý do dẫn đến tình hình sản xuất chững lại và những mâu thuẫn, khó khăn trong nông nghiệp.

"Theo tôi, muốn gỡ vấn đề trong nông nghiệp hiện nay thì phải đổi mới hẳn tư duy. Tư duy của ta hiện nay về nông nghiệp vẫn còn ảnh hưởng tư duy một thời từ lâu là cứ tập trung làm lúa gạo"

Theo đề án vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì năm 2013 bắt đầu tái cơ cấu. Nhưng với những thông tin tôi có được, có thể khẳng định rằng nút thắt của ngành nông nghiệp chưa được gỡ đúng chỗ. Mức tăng trưởng ngành nông nghiệp những năm vừa qua dưới 3%, bây giờ bảo lên ngay 4-5% thì không có đâu. Giữ được mức tăng trưởng 3% trong vòng 10-15 năm tới là giỏi rồi. Và trong khoảng thời gian trung hạn ấy phải có sự tác động tích cực, mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật mới có thể đạt được giai đoạn nhảy vọt mới. Tức phải là tầm nhìn dài hạn, có sự chuẩn bị vốn đầu tư, chuẩn bị khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp và đổi mới chính sách. Nói tái cơ cấu thì tái vào cái gì? Thứ nhất là tái cơ cấu ngành hàng, thứ hai là tái cơ cấu công nghệ. Cả hai yếu tố này đều phụ thuộc vào khoa học kỹ thuật cả. Chỉ có khoa học kỹ thuật mới giúp nền nông nghiệp chuyển từ lượng sang chất được.

* Thưa ông, trong lúc khoa học công nghệ chưa tác động làm đòn bẩy mạnh mẽ trong sản xuất được thì phải nhằm vào tái cơ cấu ngành hàng chứ?

- Đúng vậy. Tái cơ cấu nông nghiệp VN thì chỗ đụng đến lớn nhất là lúa. Bởi lúa chiếm khoảng một nửa GDP trong nông nghiệp và chiếm khoảng một nửa số nông dân VN. Cho nên hiện nay ở mảng này là nhiều mâu thuẫn nhất. Mâu thuẫn ở chỗ nông dân vùng lúa, đóng vai trò chính đưa VN từ nước thiếu đói đến cường quốc xuất khẩu gạo, lại đang nghèo, sản xuất thua lỗ, ngán ngẩm với cây lúa.

Theo tôi, muốn gỡ vấn đề trong nông nghiệp hiện nay phải đổi mới hẳn tư duy. Tư duy của ta hiện nay về nông nghiệp vẫn còn ảnh hưởng tư duy một thời từ lâu là cứ tập trung làm lúa gạo. Nhưng lao mãi vào làm lúa gạo đến nay lúa gạo lại thừa, xuất khẩu thì hiệu quả không cao. Hiện nay nhiều nước trước kia nhập khẩu gạo đã tự túc được, một số nước còn nghèo đói thì không có tiền để mua. Sản xuất lúa của Ấn Độ đã vọt lên, Campuchia vọt lên, sắp tới Myanmar sẽ vọt lên... thì chúng ta xuất đi đâu.

9nf5iMBc.jpgPhóng to
Giá lúa hiện đang ở mức thấp khiến nhiều nông dân thua lỗ. Trong ảnh: thu hoạch lúa tại huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) - Ảnh: CHÍ QUỐC

* Vậy VN phải làm gì? Theo ông, đâu là chỗ cần phải tháo gỡ nút thắt của ngành nông nghiệp?

- Câu hỏi đặt ra là VN cứ ôm mãi thành tích mấy triệu tấn gạo xuất khẩu để làm gì? Nhà nước phải mua tạm trữ hàng triệu tấn lúa cũng mất tiền ngân sách (cũng là tiền của dân). Xuất khẩu giá thấp nông dân cũng thua thiệt. Tôi cho rằng 7 triệu ha trồng lúa hằng năm đang là không gian tập trung mâu thuẫn về kinh tế - xã hội phải xử lý. Đột phá là phải gỡ tung chỗ này ra - không gian đang chứa mâu thuẫn và chứa mấy chục triệu nông dân trồng lúa này.

Ý tôi là bây giờ tính toán lại: một người ăn mỗi năm chỉ 100kg gạo thôi, tính dư ra là 200kg lúa, tức toàn dân số VN mỗi năm ăn chưa hết 20 triệu tấn, cộng thêm với khoảng 5 triệu tấn dự trữ đảm bảo an ninh lương thực nữa. Như vậy, chúng ta chỉ cần 5 triệu ha trồng lúa mỗi năm là có sản lượng 30 triệu tấn. Còn 2 triệu ha chuyển sang nuôi trồng thứ khác. Giảm bớt 2 triệu ha trồng lúa thì dứt khoát xã hội VN nhìn vào lúa không như bây giờ nữa, giá gạo sẽ lên gấp rưỡi, gấp đôi bây giờ. Lúc ấy nông dân mới có lãi thật, mới được hưởng đúng giá trị do mình làm ra. Tất nhiên, có người sẽ nói làm vậy thì người dân ở khu vực khác phải mua gạo sẽ kêu, tức công nhân kêu, người hưởng lương kêu. Nhưng tôi thử hỏi lại vừa qua giá thành sản xuất điện lên, giá các loại dịch vụ lên, giá xăng thế giới lên là anh ký cho tăng giá ngay, tại sao nông dân cứ phải chịu đựng mãi giá lúa thế này?

Trước tình trạng sản xuất lúa gạo, chăn nuôi cầm chừng, nông dân làm ăn thua lỗ, có nguy cơ phải bỏ ruộng, treo ao, đóng cửa chuồng trại..., tại phiên họp thường kỳ tháng 6 của Chính phủ, Thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ đã đặt vấn đề phải nhanh chóng tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

2 triệu ha kia chuyển sang làm cái khác: trồng hoa, cỏ, cây cảnh, chỗ nào nuôi cá tốt thì đắp bờ nuôi cá... Như vậy, 2 triệu ha đó có thể tạo thêm giá trị gia tăng rất lớn, sẽ làm thay đổi diện mạo nông thôn.

* Nhưng nếu chuyển dịch như vậy thì có mâu thuẫn gì với nghị quyết của Quốc hội yêu cầu giữ 3,8 triệu ha đất lúa?

- Nói giữ 3,8 triệu ha đất lúa không có nghĩa là phải trồng lúa trên 3,8 triệu ha đất ấy, mà là không được xây dựng công trình, chuyển sang làm khu công nghiệp. Còn nếu thấy trồng ngô, trồng đậu, trồng cỏ chăn nuôi, đắp bờ nuôi cá... có hiệu quả thì phải gợi ý cho nông dân làm chứ. Tôi thấy cách đặt vấn đề của lãnh đạo Chính phủ như vậy là đúng.

* Ai sẽ phải là nhạc trưởng cho một cuộc tái cơ cấu mạnh mẽ như ông đề xuất?

- Tất nhiên phải là Chính phủ, là Thủ tướng. Trong thời điểm này, đưa ra quan điểm cải cách, đụng chạm đến toàn bộ vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, tư duy như vậy thì tập thể Chính phủ phải đứng ra gánh vác và người đứng mũi chịu sào phải là Thủ tướng. Nếu cho rằng thực hiện bước đi như tôi đề xuất là mạo hiểm thì có thể chọn vài tỉnh ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long làm thí điểm, sau một năm sẽ cho ra kết quả ngay.

* Bộ trưởng Cao Đức Phát có nói rằng chính tính tự phát và việc khó thay đổi thói quen của nông dân cũng gây khó khăn cho tái cơ cấu, ví dụ như việc trồng giống lúa chất lượng thấp IR50404 đã được bộ khuyến cáo nên thôi hàng chục năm nay nhưng bà con cứ trồng...

- Tôi không bình luận phát biểu của bộ trưởng. Tôi là nông dân làm ruộng nên tôi hiểu nông dân có chuyện của tâm lý và có chuyện sức ì của thói quen. Nhưng với nông dân, khi chỉ cho họ thấy rõ cái lợi thì không cần hướng dẫn họ cũng tự mày mò để làm và làm rất dứt khoát. Ngay trong chuyện trồng lúa, tôi xin đặt ra câu hỏi là nếu mọi nông dân VN đều trồng lúa chất lượng cao thì giá lúa có cao hay không? Trồng lúa chất lượng cao phải đầu tư nhiều hơn mà không dám chắc bán giá cao thì nông dân thấy rủi ro nên họ không làm. Trong nông nghiệp là vậy, khi anh trồng 1ha thì giá cao ngất, nhưng đem trồng hàng ngàn hecta lại phải đem đổ đi.

Cho nên vai trò của người làm chính sách ở đây là phải nghiên cứu, dự báo thị trường thật tốt để cung cấp thông tin cho nông dân. Quan trọng hơn nữa là phải gắn kết nông dân với doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp là người lo nhất về thị trường. Đội ngũ doanh nghiệp của ta còn yếu (cả về thực lực, nắm bắt thị trường, khả năng quản trị) như vậy thì làm sao đóng vai trò quan trọng trong định hướng sản xuất cho người nông dân được. Tôi chỉ đơn cử ngành chăn nuôi bây giờ doanh nghiệp nước ngoài vào đây nắm hết rồi, lợi thế của mình nhưng để họ nắm hết. Điều này thì không thể đổ lỗi cho nông dân.

TSĐặng Kim Sơn - viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD):

“Hình thành chuỗi giá trị sản xuất, chế biến...”

Theo tôi, đã đến lúc VN phải tái cơ cấu nông nghiệp một cách triệt để. Kim ngạch xuất khẩu 30 tỉ USD đối với ngành nông lâm thủy sản hiện nay chưa phải là giới hạn của VN, chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội để đưa xuất khẩu VN lên 100 tỉ USD. Người tiêu dùng đang chuyển sang sử dụng những sản phẩm ngon hơn, tốt hơn, sạch hơn, mở ra cơ hội cho nền nông nghiệp mới. Các chuyên gia dự đoán trong 10-50 năm tới giá nông sản thế giới sẽ dừng lại ở mức cao, nhất là nông sản sạch và chất lượng. Trong nước thì kết cấu bữa ăn sẽ thay đổi rất nhiều, lương thực sẽ giảm từ 30% hiện tại còn 15%, tiêu thụ thịt tăng 20-24%, cùng với dân số tăng thì nhu cầu về mặt giá trị tăng trong 10 năm tới có thể hơn gấp đôi.

* Vậy theo ông, tái cơ cấu nông nghiệp nên bắt đầu từ đâu?

- Xét cho cùng, cái quyết định thành công của một lĩnh vực kinh tế chính là năng suất lao động. Trong khi đó năng suất lao động của VN hiện đang ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực. Với năng suất lao động như thế này, chúng ta chỉ có thể cạnh tranh với các nước bằng nhân công giá rẻ, hàng chất lượng thấp chứ không thể cạnh tranh trong phân khúc giá trị gia tăng.

Tái cơ cấu, đầu tiên là thay đổi vai trò của Nhà nước trong quản lý nông nghiệp. Nhà nước tập trung vào tăng thêm giá trị, tập trung vào phát triển khoa học công nghệ, nhất là tài nguyên con người. Các dịch vụ công nên tham gia nhất là kiểm dịch, nghiên cứu, bảo hiểm, thông tin thị trường, khuyến nông, bảo vệ môi trường. Đồng thời Nhà nước cần tập trung cao độ vào xác lập thương hiệu nông sản VN, đảm bảo an toàn chất lượng và thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp. Khi đó, bộ máy của Nhà nước nhỏ hơn nhưng mạnh hơn và hiệu quả hơn nhằm vào những việc mà tư nhân và cộng đồng không làm được.

Muốn nâng cao năng suất nông nghiệp phải tăng quy mô sản xuất. Với mỗi loại vật nuôi cây trồng sẽ xây dựng một vùng chuyên canh nằm đúng trong phạm vi có lợi thế nhất. Vùng chuyên canh được xây dựng dựa trên việc xác định làm sao để giá bán có lợi nhất. Ở giữa vùng chuyên canh sẽ hình thành các cụm công nông nghiệp hạt nhân để cung cấp vật tư, nghiên cứu, phân bón và chế biến nông sản.

Không phải Nhà nước quyết định điều này mà do hiệp hội những người trong chuỗi giá trị ngành hàng đó quyết định. Trong mỗi vùng này sẽ hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ. Tất cả tác nhân phải liên kết với nhau trong một hiệp hội thống nhất cả về sản lượng, nguồn vốn, thương hiệu. Đây là mô hình tạo ra đột phá cho nông nghiệp, nhờ đó tránh được những vướng mắc về mua tạm trữ, về các doanh nghiệp tranh mua, tranh bán...

Nguyên phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp