Phóng to |
Niềm vui của học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.HCM trong ngày khai giảng năm học mới - Ảnh: Như Hùng |
Trong tuần lễ từ ngày 22 đến 27-8-2011, hầu hết các trường trên địa bàn thành phố đã nhận qua hệ thống mạng Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT nội dung chương trình giảm tải do Bộ GD-ĐT quy định dành cho năm học 2011-2012 ở các cấp học tiểu học và phổ thông trung học (bao gồm trung học cơ sở và trung học phổ thông).
Trước hết, việc giảm tải chương trình là một trong hàng loạt biện pháp mà Bộ GD-ĐT áp dụng cho năm học này như một cách làm đổi mới với mục đích nâng cao chất lượng giáo dục cho toàn ngành là một việc đáng hoan nghênh. Điều này chứng tỏ những bức xúc của xã hội và của phụ huynh trước chất lượng giáo dục của nước ta đã được bộ chủ quản quan tâm xem xét và cố gắng giải quyết. Thế nhưng, tìm hiểu cụ thể về nội dung chương trình giảm tải mới thấy có nhiều vấn đề phát sinh. Đặc biệt ở nội dung chương trình giảm tải cho các bộ môn ở cấp THCS và cấp THPT.
Chúng ta ai cũng biết bước vào giai đoạn THCS trở đi, kiến thức của các môn học được xây dựng theo lối liên thông. Bài trước có liên quan đến bài sau. Bài học của năm này có liên quan đến cả nhiều năm sau. Như vậy, giảm tải một số đơn vị kiến thức ở năm này theo hướng không dạy hoặc chuyển sang dạng đọc thêm thì sẽ có tình trạng ở nhiều nơi, thầy cô, học sinh sẽ nhân đó mà bỏ trắng. Như vậy đến bài sau kiến thức này có liên quan, thầy cô lại phải gồng mình “tăng tải” để dạy lại và học sinh phải học những gì mình “trót bỏ”.
Trong các công văn hướng dẫn việc thực hiện chương trình giảm tải cũng có chua thêm: Kiến thức nào nằm trong phần giảm tải nhưng có liên quan đến bài sau thì GV vẫn dạy, nhưng theo hướng giảm nhẹ… Ở đây, chúng tôi không hiểu giảm nghĩa là bỏ vì xét thấy không cần thiết, nó thừa. Thế nhưng đâu có điều gì thừa nếu như bài sau vẫn cần có kiến thức đó để vận dụng? Như vậy giảm ở đây theo như cách ta tiến hành là thật sự gây khó khăn cho giáo viên và cả học sinh. Nó mang đầy tính chắp vá, lộn xộn.
Vấn đề nảy sinh thứ hai là việc giảm tải gần như khoán hẳn trách nhiệm cho người giáo viên đứng lớp. Họ phải chịu trách nhiệm cân nhắc, xem coi đơn vị kiến thức nào cần để “vẫn giữ” và đơn vị kiến thức nào thực sự “phải giảm”. Mà để tùy giáo viên thì sẽ nảy sinh tranh cãi giữa các nhà giáo: anh bỏ thì bỏ, còn tôi thì không… văn bản ban hành hướng dẫn là một loại văn bản quy phạm, không thể để tùy cho ai hiểu sao hiểu, muốn làm sao thì làm.
Lại một lần nữa ngay trên “sân bóng” của mình, bộ chủ quản đã cho thấy cả một sự rối ren trong chỉ đạo và không thể “chiếm lĩnh” sân chơi như mong muốn.
Nhà giáo hiện nay đã rất khổ bởi nhiều quy định mơ hồ, tréo ngoe và trồng chéo nhau. Muốn giảm tải cho học trò thì phải bắt đầu giảm tải từ người thầy, vì đó là người sẽ chịu trách nhiệm chính cho việc giảng dạy tri thức cho học sinh. Khi người thầy phải loay hoay, gồng gánh thì mong gì từ những gánh hàng xén lộn xộn đó ta có một nền giáo dục đổi mới, phát triển toàn diện? Cho nên mới nói: giảm - có, nhưng tải - sẽ tăng là chuyện… nhân quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận