Các em học sinh tham gia thu gom vỏ hộp sữa trong năm 2020 - Ảnh: Lagom Việt Nam
Để ngày hè trở nên sinh động, hạn chế việc trẻ xem các thiết bị điện tử, anh Lê Trung Thông cùng các thành viên của dự án Lagom Việt Nam đã phát triển sản phẩm trò chơi thân thiện với môi trường được làm từ vỏ hộp sữa tái chế.
Thu gom và tái chế
Hành trình thu gom vỏ hộp sữa của Lagom bắt đầu từ năm 2019. Đến nay, tổng khối lượng vỏ hộp sữa mà dự án thu được là 538 tấn, tương đương 54 triệu vỏ.
Trong hai năm, những người thực hiện đã đi hơn 28.000km, qua 880 trường, trong đó có 250 trường mầm non và 630 trường tiểu học, để thu gom vỏ hộp sữa.
Những chiếc vỏ hộp được đưa về nhà máy, chuyển vào máy xay thủy lực để tách làm hai phần gồm bột giấy và hỗn hợp nhôm nhựa. Bột giấy sẽ trở thành nguyên liệu, được cung cấp cho các nhà máy giấy và công ty phối hợp với Lagom để tái chế thành vở, túi xách, tấm lợp sinh thái...
Trong số những khu vực mà đội thu gom thực hiện, mọi người vẫn nhớ như in sự đóng góp của các quận huyện tại thành phố Hà Nội trong năm học 2019 - 2020.
Những ngày đầu tiên khi thực hiện, dự án gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn thu gom rộng, các trường lần đầu tiên tổ chức việc này nên còn nhiều bỡ ngỡ.
Song với sự quan tâm và hỗ trợ của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, sự hướng dẫn tận tình của thầy cô mà hoạt động thu gom tại các trường đã đi vào ổn định.
Rất nhiều ý tưởng sáng tạo được nhà trường ứng dụng thành công như: mô hình vận động học sinh gom vỏ hộp sữa tại nhà mang đến trường của Trường tiểu học Phú Thượng (quận Tây Hồ); túi đựng vỏ hộp sữa kỷ lục 110kg/túi tại Trường tiểu học Định Công (quận Hoàng Mai)... hay túi đựng vỏ hộp sữa được các bạn học sinh đặt tên gọi rất dễ thương - "Cá voi xanh" - tuy khổng lồ nhưng được sử dụng theo cách thân thiện hơn với môi trường.
"Trẻ học hỏi từ việc quan sát và lặp lại. Vì vậy, bố mẹ lẫn thầy cô cần làm gương với một lối sống đúng. Ngoài ra, với trách nhiệm giáo dục, thầy cô sẽ cung cấp những kiến thức cụ thể để trẻ thực hiện lối sống xanh trên nền tảng khoa học", anh Thông nói.
Lagom đóng vai trò cung cấp những giải pháp có tính ứng dụng cao trong xã hội để mọi người có thể thực hiện dễ dàng và hiệu quả, đồng thời truyền thông để thay đổi nhận thức theo hướng tốt hơn.
Anh Lê Trung Thông
Trẻ học yêu môi trường
Trong mùa dịch COVID-19, những chiếc vỏ hộp sữa càng trở nên ý nghĩa hơn khi chúng được tái chế thành những sản phẩm trò chơi trí tuệ cho trẻ, giúp trẻ tư duy sáng tạo và bớt lệ thuộc vào các thiết bị điện tử.
Hiện nay, dự án Lagom phát triển hai trò chơi chính bao gồm Flashcard (các thẻ học với nhiều chủ đề như màu sắc, loài vật, số đếm...) và Tangram (trò chơi xếp hình từ 7 mảnh ghép, người chơi có thể ghép thành hàng nghìn bức ảnh khác nhau).
Đồ chơi tái chế cũng giúp trẻ hiểu được một cách trực quan giá trị của rác thải nếu được xử lý đúng cách. Từ đó, trẻ có động lực tiếp tục duy trì thói quen phân loại và tái chế rác.
Bên cạnh đó, dự án Lagom còn thực hiện quỹ "Tìm lại màu xanh", tặng tủ sách và các sản phẩm giáo dục cho các địa phương, đặc biệt là trẻ em miền núi, nhằm nâng cao chất lượng sống và thay đổi nhận thức.
Hiện nay, Lagom đã sản xuất và tiêu thụ khoảng 10.000 bộ trò chơi. Quỹ đã tặng tủ sách và cây giống cho 31 trường ở 4 cấp học của huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), nơi từng bị tàn phá nặng nề bởi lũ lụt và sạt lở kinh hoàng năm 2020.
Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, thành viên nhóm dự án tiếp tục tổ chức cuộc thi trực tuyến "Hiệp sĩ môi trường nhí" dành cho thanh thiếu niên dưới 18 tuổi, khuyến khích các bạn trẻ chia sẻ ý tưởng giảm thiểu rác thải và cải thiện bầu không khí.
Anh Lê Trung Thông, người sáng lập dự án, chia sẻ: "Thời gian tới, chúng tôi mong muốn lan tỏa được triết lý hoạt động của dự án để giảm thiểu lượng rác phát sinh; thu gom, tái chế được nhiều hơn lượng rác đã thải ra. Hơn nữa, dự án sẽ mở rộng thu gom các loại rác khác nhau, đặc biệt là rác khó xử lý và gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường".
Triết lý sống "vừa đủ"
"Lagom là triết lý sống của người Thụy Điển, trong đó mọi thứ không quá thừa cũng không quá thiếu mà chỉ vừa đủ ở mọi khía cạnh. Tên của dự án bắt nguồn từ triết lý sống ấy: cuộc sống tiêu dùng cần phải cân bằng với tái tạo. Chúng ta biết điều gì thực sự quan trọng khiến ta hạnh phúc, thấu hiểu bản thân giữa thế giới rộng lớn và tận hưởng an lành cuộc sống cùng thiên nhiên", anh Lê Trung Thông nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận