03/03/2013 07:58 GMT+7

Giải tỏa nỗi lo ngành kinh tế dừng tuyển sinh

NHÓM PV GIÁO DỤC
NHÓM PV GIÁO DỤC

TTO - Sáng 3-3, hàng chục ngàn học sinh từ các tỉnh thành tại Đồng bằng sông Cửu Long đã đổ về khuôn viên Trường ĐH Cần Thơ tham dự chương trình Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2013.

Sau lễ khai mạc, chương trình bước vào phần tư vấn chính.

Trực tiếp chương trình ngày hội tuyển sinh tại Cần Thơ

Không tăng chỉ tiêu ngành kinh tế

Tại khu vực tư vấn nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng - thương mại, nhiều học sinh tiếp tục thắc mắc: “Năm 2013 Bộ GD-ĐT yêu cầu hạn chế việc tuyển sinh các ngành kinh tế và đưa ra biện pháp tăng học phí của những ngành học này, có đúng không”.

Phát biểu tại lễ khai mạc, GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nói: “Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ đã được thực hiện trong hơn 10 năm qua là một trong những chương trình tư vấn tuyển sinh thành công nhất về cả quy mô, chất lượng lẫn hình thức tổ chức. Bộ GD-ĐT đánh giá cao hoạt động này của báo Tuổi Trẻ đã góp phần cho sự thành công chung giáo dục”.

Ông Ga nói thêm: “Hoạt động tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ đã không ngừng đổi mới, thu hút sự quan tâm của đông đảo thí sinh, phụ huynh. Hoạt động này luôn là sự chờ đợi của thí sinh trong cả nước mỗi mùa thi…”.

Thậm chí có học sinh cho biết “có nghe” thông tin các trường sẽ không tuyển sinh ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng nữa. Vấn đề này đã được giải đáp ở những buổi tư vấn trước nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều học sinh và phụ huynh tiếp tục thắc mắc.

Các thành viên ban tư vấn lần lượt “trấn an” các học sinh yêu thích nhóm ngành này hãy yên tâm vì những thông tin trên không hoàn toàn chính xác.

“Bộ GD-ĐT không hạn chế gì việc này cả, chỉ khuyến cáo các trường đào tạo đa ngành không tăng chỉ tiêu tuyển đào tạo ngành kinh tế mà cần cân đối chỉ tiêu cho các ngành khác. Hiện nay, nền kinh tế đang suy thoái nên nhu cầu của xã hội về nhân lực ngành kinh tế không còn cao như trước đây nữa, chứ không phải không còn nhu cầu. Về chỉ tiêu đào tạo, hầu hết các trường kinh tế vẫn giữ ổn định trong mùa tuyển sinh năm nay” - TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM khẳng định.

Một số thí sinh tỏ ra bối rối trong việc chọn ngành, chọn trường sao cho phù hợp với khả năng. Các thành viên ban tư vấn đã tư vấn: “Các em thích ngành nào thì chọn ngành đó, vấn đề còn lại là chọn trường phù hợp. Các em cần xem điểm chuẩn các trường qua các năm. Nếu trường có điểm cao quá thì nên cân nhắc. Các trường ở TP.HCM có trường điểm cao nhưng cũng có trường có điểm thấp. Trong khi các trường ở Cần Thơ thường có mức điểm chuẩn thấp hơn TP.HCM, phù hợp với sức học của các em khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

"Em thi vào ngành tâm lý, cơ hội việc làm của ngành này như thế nào, nếu không trúng tuyển em có thể xét tuyển qua ngành khác hay không?". TS Phạm Tấn Hạ giải đáp: điểm chuẩn vào ngành tâm lý rất cao. Ngành này đào tạo theo hai hướng: nhân sự và tư vấn tâm lý. Các bạn có thể chọn hướng đi khác nhau khi học ngành này. Tuy nhiên để làm ngành này không hề đơn giản, đòi hỏi các bạn phải có sự trải nghiệm, quan sát để nắm bắt vấn đề nhằm đạt được kết quả cao nhất. Với sự trải nghiệm cộng với sự chân thành của mình, công việc tư vấn mới đạt được kết quả cao. Tùy vào hướng chọn chuyên ngành, bạn có thể làm công tác nhân sự, tư vấn tâm lý, tư vấn tại các bệnh viện...

Hỏi “đố” ban tư vấn

Yêu thích chắc chắn thành công!

Liên quan đến nhiều bạn nữ băn khoăn về có phù hợp không với ngành kỹ thuật, PGS.TS Hồ Thanh Phong (hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ: “Nữ có phù hợp với ngành kỹ thuật hay không? Theo tôi là có. Các em hãy xem mình có yêu thích ngành đó hay không, có khả năng ngành đó hay không và đam mê tìm tòi, thì chắc chắc sẽ tìm được việc làm và thành công trong cuộc sống”.

Khi người dẫn chương trình đọc câu hỏi: “Em muốn học ngành A nhưng khả năng không đủ, ngành B em đủ khả năng nhưng không thích vì khó kiếm việc làm sau khi ra trường. Theo các thầy, em nên học ngành nào?”, một tràng pháo tay thích thú từ các bạn thí sinh vang lên.

Cầm micro, TS Đỗ Văn Xê trả lời ngắn gọn: “Nếu lựa chọn ngành B thì em phải chấp nhận. Còn nếu chọn ngành A, em phải luyện thi thêm vài năm nữa thi cho đậu chứ không còn cách nào khác”.

Những tràng pháo tay của học sinh đã vang lên khi câu hỏi tưởng chừng hóc búa này được thầy Xê “hóa giải” đơn giản như vậy. Được mời bổ sung, TS Nguyễn Kim Quang nói vui “đây là câu hỏi tư duy cao và mang tính…hỏi đố các thầy”.

TS Quang tư vấn: “Thầy nghĩ rằng em nên nỗ lực để theo ngành A. Thực tế, có những bạn học lực trung bình khá nhưng nỗ lực ôn luyện cũng đạt kết quả tốt. Chẳng hạn thay vì phân sức ra để học nhiều môn, thi nhiều đợt, nhiều khối, em nên tập trung vào một khối thi thì cơ hội của em cũng sẽ tăng lên. Còn về việc làm, nếu em theo ngành mình yêu thích thì đừng sợ không có việc làm. Việc làm phụ thuộc vào năng lực, sự say mê công việc của em”.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ thêm một hướng cho thí sinh: nếu hai ngành A và B đều có trong một trường thì theo quy chế tín chỉ, em cứ thi vào ngành B và học thêm ngành A để tốt nghiệp hai ngành cùng lúc.

"Em muốn phục vụ trong ngành y nhưng khả năng khó đậu ĐH, em có thể học trung cấp sau đó liên thông lên hay không? Có thể học các ngành như hóa, sinh để học thêm ngành dược được không?" - một HS hỏi. PGS TS Nguyễn Trung Kiên chia sẻ: nếu yêu thích nhóm ngành khoa học sức khỏe nhưng khả năng khó vào được thì có thể học theo 3 hướng. Thứ nhất, chọn vào các ngành có điểm không cao như cử nhân xét nghiệm, cử nhân điều dưỡng, y tế công cộng. Thứ hai: học trung cấp, CĐ để sau đó thi liên thông lấy bằng ĐH. Thứ ba, học các ngành hóa, sinh, công nghệ sinh học... các em cũng có thể làm trong ngành khoa học sức khỏe được. Ngoài ra cũng có thể học bằng 2 ngành dược sau khi tốt nghiệp các ngành trên.

Lưu ý những điểm mới trong tuyển sinh 2013

Ông Đỗ Thanh Duy - Trưởng phòng Thi và công nhận văn bằng - Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT thông tin: Đây là năm thứ 12 Bộ GD-ĐT tổ chức thi theo hình thức “ba chung”. Năm nay, về cơ bản Bộ GD-ĐT giữ ổn định như những năm trước, tuy nhiên sẽ có một số thay đổi về kỹ thuật để các em phát huy khả năng của mình.

Điểm mới thứ nhất, năm nay điểm trúng tuyển sẽ được xác định điểm trúng tuyển sau sẽ không thấp hơn điểm trúng tuyển của nguyện vọng trước. Điểm mới thứ hai, các trường bắt đầu xét tuyển bổ sung từ ngày 30-8, mỗi đợt trong vòng 20 ngày và kết thúc hết ngày 30-10.

Trong kỳ thi năm 2013, Bộ GD-ĐT cũng có một số điểm ưu tiên cho thí sinh. Trong đó, thí sinh khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ sẽ được các trường ưu tiên xét tuyển vào học. Ngoài những đối tượng này, các thí sinh ở các huyện nghèo, biên giới, hải đảo cũng được xem xét ưu tiên vào học.

Năm nay, các trường không sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi photo để tránh hiện tượng “ảo” trong khâu xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Thi vào ngành công an, phải xóa thật sạch hình xăm trên người

"Em bị cận, không thể thi vào ngành công an nên em có thể học sư phạm, sau đó chuyển sang làm công an được không? Việc xét lý lịch như thế nào?", một học sinh thắc mắc.

Đại tá Nguyễn Văn Danh, phó phòng quân huấn Quân khu 9 giải đáp: thi vào ngành công an, lịch sử chính trị bản thân và gia đình phải rõ ràng. Việc kiểm tra lý lịch, công an quận, huyện sẽ trả lời cụ thể cho các em.

TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH KHXHNV (ĐHQG TP.HCM) tiếp lời: Theo qui định, lý lịch trong sạch được hiểu là các thành viên gia đình không vi phạm pháp luật. Nếu trước đây gia đình có người đi lính thì có thể vẫn được xét tuyển chứ không quá khắt khe. Một số ngành của Trường ĐH KHXHNV được ngành công an tuyển nhân sự như tiếng Hàn, Nhật, Thái...

Trong sự phát triển hiện nay, ngành công an cần nhân sự nhiều ngành nhưng các trường công an chưa đào tạo được nên phải tuyển người bên ngoài. Tuy nhiên, việc tuyển vào ngành cũng có một số tiêu chuẩn nhất định của ngành.

Một HS khác thắc mắc: "Có hình xăm trên mình có thi vào trường công an được không?". Đại tá Nguyễn Văn Danh khuyên: nếu có hình xăm trên mình sẽ không được thi vào trường công an. Nếu em muốn thi vào ngành công an nên xóa thật sạch vết xăm này.

Một câu hỏi dành cho ngành y: "Ngành bác sĩ y học cổ truyền học xong cơ hội việc làm thế nào?". Trả lời câu hỏi này, PGS TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cho biết: đây là năm thứ 2 trường tuyển sinh ngành y học cổ truyền. Hiện ở khu vực phía nam, chuyên môn y học cổ truyền chưa được phát triển mạnh. Ngành này trường tuyển khối B. Trong những năm đầu được đào tạo như bác sĩ đa khoa nhưng những năm cuối đào tạo chuyên sâu về y học cổ truyền. Tốt nghiệp có thể làm việc ở các bệnh viện y học cổ truyền hay khoa y học cổ truyền ở các bệnh viện.

"Sau khi học xong ngành hóa dược có được liên thông lên ngành dược hay không?". PGS TS Nguyễn Trung Kiên giải đáp: "Trường ĐH Cần Thơ có đào tạo ngành hóa dược. Ngành hóa dược đào tạo bậc ĐH rồi nên không thể liên thông lên ĐH nữa mà có thể học bằng 2 về ngành dược. Tốt nghiệp ngành hóa dược có thể làm ở các viện nghiên cứu dược liệu, các công ty dược... Trên cơ sở so sánh chương trình đào tạo, thời gian học bằng 2 khoảng 2 năm để lấy bằng ĐH dược"

"Em muốn học luật dân sự bậc CĐ thì có thể thi vào trường nào?". Th.S Lê Văn Hiển, Phó trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết: cả nước hiện nay có 22 cơ sở đào tạo trình độ ĐH, tại miền Tây nam bộ có trường trung cấp luật tại Hậu Giang. Không có trường nào đào tạo ngành luật bậc CĐ. Nếu muốn theo học ngành luật dân sự, em phải đăng ký thi ĐH. Hiện có nhiều trường ĐH ở khu vực phía Nam đào tạo ngành luật ở bậc ĐH.

Học nông nghiệp có phải đi... làm ruộng nhiều không?

Bạn Huỳnh Thị Cẩm Tiên hỏi: Em có nguyện vọng muốn vào nông nghiệp thì có phải làm ruộng nhiều không?.

Chia sẻ với bạn, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng tư vấn: “Thật ra, nông nghiệp gắn liền với đồng ruộng, phải xuống đồng xuống ruộng nhiều, các em nghĩ cực nên né ra. Tuy nhiên, em tốt nghiệp ĐH thì có trình độ kỹ sư. Đó là kỹ sư nông học. Khi đó, em là người làm kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cho người nông dân làm việc đó chứ không trực tiếp làm việc đó. Em sẽ nghiên cứu, đưa những vấn đề về chăm sóc, trồng trọt để người nông dân làm việc tốt hơn”.

Thầy Hùng nói thêm: “Ngành nông nghiệp hiện nay khác 10-20 năm trước. Hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long có những cánh đồng lớn, áp dụng kỹ thuật cao. Kỹ sư nông nghiệp sẽ đưa những tiến bộ khoa học vào đó. Tóm lại, các ngành nông nghiệp đào tạo cho các em để hỗ trợ cho người nông dân làm việc tốt hơn, năng suất hơn chứ không phải đi làm ruộng. Em thích thì cứ mạnh dạn thi vào”.

Một học sinh thắc mắc: Hệ CĐ nghề có liên thông lên ĐH được không?

ThS Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng Trường CĐ nghề kinh tế công nghệ, giải đáp: theo thông tư 55 hệ CĐ nghề và CĐ chuyên nghiệp là như nhau. Cả hai hệ đào tạo này muốn học lên ĐH cũng tham gia kỳ thi ĐH hằng năm do Bộ GD-ĐT tổ chức. Khác nhau là hệ CĐ nghề chỉ xét điểm tốt nghiệp THPT của học sinh; còn hệ CĐ chuyên nghiệp thi tuyển và xét tuyển dựa trên kết quả thi ĐH, CĐ. Chương trình đào tạo CĐ nghề thời gian thực hành nhiều hơn CĐ chuyên nghiệp. Về bằng cấp, bằng của CĐ nghề và CĐ chuyên nghiệp sẽ được hưởng mức lương như nhau”.

Một học sinh thắc mắc: Khác biệt giữa ngành quản trị kinh doanh và ngành marketing như thế nào?

ThS Hứa Minh Tuấn chia sẻ: “Từ năm 2010 trở về trước, marketing là chuyên ngành thuộc ngành quản trị kinh doanh. Hiện nay hai ngành này đã được tách ra. Ngành quản trị kinh doanh cung cấp kiến thức cơ bản về quản trị nói chung: quản trị nhân lực, quản trị bán hàng, quản trị marketing… Còn ngành marketing trang bị cho sinh viên kiến thức về marketing tổng hợp, quản trị thương hiệu…”.

10g30, chương trình tư vấn tạm ngừng phần tư vấn chung, dành thời gian cho các bạn HS có gặp gỡ riêng từng thành viên ban tư vấn.

Sau giờ nghỉ trưa, chương trình tư vấn sẽ tiếp tục vào lúc 14g. TTO sẽ tiếp tục tường thuật nội dung hỏi đáp, mời bạn đọc đón xem.

Chương trình do Báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Cần Thơ phối hợp cùng Trường ĐH Cần Thơ tổ chức và được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang và tuoitre.vn.

“Đề thi ĐH nằm trong chương trình phổ thông”

Giải đáp thắc mắc của thí sinh liên quan đến đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, TS Đỗ Thanh Duy - Trưởng phòng Thi và công nhận văn bằng - Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, thông tin: Sau khi các em thi tốt nghiệp THPT xong, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai xây dựng đề thi ĐH, CĐ. Đây là công việc rất khó khăn vì phải xây dựng đề thi phù hợp với thí sinh ở các vùng, miền trong cả nước.

Ngoài ra, đề thi cũng phải đảm bảo tính phân loại thí sinh cao nhưng cũng vừa đảm bảo để những em học lực trung bình có thể làm được ở mức độ vừa phải. Đề thi bao giờ cũng nằm trong chương trình phổ thông, ở những phần các em được học. Tuy nhiên, để tìm kiếm những tài năng để tiếp tục đào tạo và phát triển, sẽ có một phần nhỏ trong đề thi đáp ứng mục tiêu này.

Giải đáp thắc mắc về xu hướng điểm chuẩn 2013, TS Duy nói thêm: Điểm chuẩn căn cứ vào chất lượng làm bài thi của thí sinh cả nước dựa vào chỉ tiêu của các trường. Từ kết quả làm bài thi của thí sinh, các trường mới xác định được điểm chuẩn trúng tuyển cho thí sinh...

------------

w3OtmivO.jpgPhóng to
Rất đông các bạn học sinh THPT từ các tỉnh miền Tây về tham dự Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2013 - Ảnh: Minh Đức
OgaqFCnZ.jpgPhóng to
GS.TSKH Bùi Văn Ga phát biểu khai mạc Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2013 - Ảnh: Minh Đức
pkqVBDnG.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu chúc mừng Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2013 - Ảnh: Minh Đức

Ban tư vấn Ngày hội tư vấn tuyển sinh tại Cần Thơ

* Nhóm ngành khoa học tự nhiên - kỹ thuật - nông lâm (công nghệ thông tin, môi trường, điện tử, giao thông, xây dựng, dầu khí...):

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM.

- PGS.TS Đỗ Văn Xê, phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ.

- PGS.TS Nguyễn Văn Thư, hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM.

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

- PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM.

- TS Nguyễn Kim Quang, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM.

* Nhóm ngành khoa học xã hội - quân đội - công an - luật - y dược (sư phạm, báo chí, ngoại ngữ, ngữ văn, xã hội học, kỹ thuật y học, điều dưỡng...)

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM

- ThS Lê Văn Hiển, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM;

- PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, trưởng phòng đào tạo ĐH Trường ĐH Y dược Cần Thơ;

- Đại tá Nguyễn Văn Danh, phó trưởng phòng quân huấn Quân khu 9.

* Nhóm ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng - thương mại (quản trị kinh doanh, ngoại thương, kế toán, thương mại, marketing, tài chính, ngân hàng...)

- Ông Đỗ Thanh Duy, trưởng phòng thi và công nhận văn bằng - Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT;

- TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM;

- ThS Hứa Minh Tuấn, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing;

- ThS Lâm Tường Thoại, phó chánh văn phòng ĐHQG TP.HCM.

* Khu tư vấn Gỡ rối hướng nghiệp - chọn lối vào đời

- TS Nguyễn Thị Bích Hồng, trưởng bộ môn tâm lý học và giáo dục học ứng dụng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

- TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM.

NHÓM PV GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp