28/06/2020 09:01 GMT+7

Giải tỏa khu thượng thành Huế, bất ngờ xuất lộ một chiếc cổng gạch tuyệt đẹp

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - “Việc giải tỏa dân cư thượng thành Huế vừa làm xuất lộ một chiếc cổng nhỏ tuyệt đẹp, rất độc đáo” - nghe chúng tôi báo tin, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa háo hức lên đường đến ngay chân cầu Lương Y (Đông thành Thủy Quan) của Huế để xem

Giải tỏa khu thượng thành Huế, bất ngờ xuất lộ một chiếc cổng gạch tuyệt đẹp - Ảnh 1.

Chiếc cổng vừa xuất lộ ở kinh thành Huế gây ngạc nhiên cho nhiều người - Ảnh: THÁI LỘC

Chiếc cổng nhỏ xuyên thành, phải khom lưng mới qua được, theo hình thức cổng vòm tuyệt đẹp với bảy lớp gạch có giật cấp, phía dưới là những tảng đá xanh còn khá nguyên vẹn. Qua cổng ra ngoài thành là đường phòng lộ tiếp giáp với sông Ngự Hà và hào Hộ thành, cách sông Hộ thành (Đông Ba) vài chục bước chân.

Chiếc cổng nhỏ nối kết độc đáo giữa kinh thành và Ngự Hà

Sự xuất lộ quá đỗi bất ngờ, bởi lẽ vị trí nằm ngay cửa Đông thành Thủy Quan, mang tính phòng thủ trọng yếu của kinh thành Huế xưa.

Thế nhưng sách sử triều Nguyễn, kể cả hai văn bia (bia cầu Khánh Ninh và bia cầu Ngự Hà) dù miêu tả khá kỹ lưỡng khu vực Đông thành Thủy Quan cũng không nhắc đến chiếc cổng này. 

Ngay cả sách Kinh thành Huế - một công trình nghiên cứu kỹ lưỡng và bài bản nhất về kinh thành của nhà nghiên cứu Phan Thuận An - cũng không thấy nhắc đến chiếc cổng độc đáo nói trên.

Sự xuất lộ gần đây nhờ vào giải tỏa một ngôi nhà dân áp vào toàn bộ chiếc cổng. Song nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng sử sách không nhắc đến chưa chắc do người xưa không biết: "Tôi nghĩ ngày trước có khả năng khu vực quan trọng này là một cứ điểm của một vệ binh nào đó trấn giữ, và vì lý do bí mật quân sự mà người ta không tiết lộ trong bi ký cũng như trong sách sử".

Ngoài cung cấp thêm những dữ liệu, những "góc khuất" chưa soi sáng trong việc nghiên cứu văn hóa lịch sử của Huế, đối với ông Hoa, điều thú vị của chiếc cổng chính là vị trí hết sức đặc biệt. 

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải tỏa chỉnh trang di tích sông Ngự Hà và đang tiến hành giải tỏa hàng nghìn hộ dân sống trên thượng thành và các pháo đài. 

Bộ mặt thành xưa dần phơi bày cực quý và tuyệt đẹp. Cùng với đó là việc khởi động chủ trương của Chính phủ, văn bản đồng ý của Bộ Quốc phòng về chuyển giao 41ha trụ sở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh (đồn Mang Cá xưa) sang tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý...

Những việc ấy "làm lộ ra" những tài nguyên du lịch vô cùng to lớn và hấp dẫn của Huế, đó là tour khám phá thượng thành và thưởng ngoạn Ngự hà. Và chiếc cổng cổ quý nhỏ nhắn trở thành điểm nối kết độc đáo giữa hệ thống kinh thành và Ngự Hà nói trên.

Để Huế trở thành đô thị di sản cấp quốc gia

Nhìn lại mấy năm gần đây, chính quyền ở Huế được người dân "khen nức" không phải từ những dự án xây dựng lớn, khu đô thị mới hay khu công nghiệp, bến cảng. 

Sự khen ngợi chủ yếu dành cho một số dự án liên quan đến cải tạo, chỉnh trang bộ mặt của khu di sản, hay trồng cây xanh, cải tạo chỉnh trang công viên ven bờ sông Hương.

Trong đó dự án lớn, "mang tính lịch sử" về di dời hàng ngàn hộ dân trên kinh thành ít thấy "kêu ca", có lẽ nhờ vào cách làm bài bản, hợp lý. Hầu hết dự án được người dân ủng hộ đều tốn không nhiều tiền, ít đụng chạm đến đời sống người dân, không khó để thực hiện nhưng mang lại những giá trị lớn lao.

Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng kể một người Pháp gốc Huế vừa trở về tản bộ trên đường dạo ven sông Hương mà cứ ngỡ ngàng. Người này cho biết từng có ước ao... trúng số để ủng hộ xây những đường dạo như thế cho Huế. Ông bất ngờ và cảm động với việc đầu tư gần đây của chính quyền.

Và nói như ông Nguyễn Xuân Hoa, "có những dự án/việc làm dù không lớn nhưng lại chạm vào giá trị cốt lõi của Huế, cho nên được chấp nhận và ủng hộ". 

Ông cũng cho rằng những việc làm, có thể không lớn của Huế ấy sẽ tạo ra một sự khác biệt, để Huế xứng đáng được công nhận là đô thị di sản cấp quốc gia mà có lẽ ở VN hiếm có đô thị nào xứng với sự định danh này.

Ngày 27-6, ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết dự án di dân tái định cư khu vực 1 kinh thành Huế với số lượng khoảng 4.200 hộ dân, bắt đầu thực hiện từ 2019, theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2022.

Giai đoạn 1 của dự án di dời 2.938 hộ, kế hoạch hoàn thành trong năm 2021. Đến nay tỉnh đã di dời được 576 hộ dân sống trên thượng thành Huế sang tái định cư tại phường Hương Sơ, phía bắc TP Huế. Khoảng 1.300 hộ còn lại của giai đoạn 2 sẽ tiến hành trong năm 2022.

Dự án tu bổ di tích Kinh thành Huế: Quá khó để... sửa sai Dự án tu bổ di tích Kinh thành Huế: Quá khó để... sửa sai

TTO - Công trường tu bổ di tích Kinh thành Huế đã hoạt động trở lại sau hơn một năm tạm dừng để khắc phục phần kè đá đã làm sai mà báo chí phát hiện. Tuy nhiên, việc khắc phục này và việc tu bổ phần còn lại đều hóc búa.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp