GS Trần Văn Giàu không đến dự được vì lý do sức khỏe nhưng tên ông được các học trò, các đồng sự nhắc đến với biết bao niềm kính phục. Trước tất cả lời chúc mừng cho giải thưởng luôn là lời chúc sức khỏe và trường thọ gửi đến GS Trần Văn Giàu.
Phóng to |
Ông Tô Bửu Giám (giữa), chủ tịch Ủy ban giải thưởng Trần Văn Giàu, trao giải thưởng lần 5 đến trung tướng, tiến sĩ Nguyễn Thới Bưng, đại diện ban biên soạn công trình Lịch sử Nam bộ kháng chiến chống Mỹ - Ảnh: Nguyễn Á |
Công trình của những người làm nên lịch sử
Được coi là giải thưởng có giá trị và uy tín cao nhất trong khoa học lịch sử, giải thưởng Trần Văn Giàu cũng nổi tiếng khắt khe nhất khiến ít người nghiên cứu sử học nào dám mơ tới. Thế nhưng, công trình Lịch sử Nam bộ kháng chiến được chia ra làm hai phần, và cả hai phần đều được xét trao giải (Phần 1: Lịch sử Nam bộ kháng chiến chống Pháp đoạt giải thưởng Trần Văn Giàu lần 3-2006; Phần 2: Lịch sử Nam bộ kháng chiến chống Mỹ - Giải thưởng Trần Văn Giàu lần 5-2010).
Ra đời năm 2002, giải thưởng Trần Văn Giàu là giải thưởng xã hội hóa được coi là uy tín nhất và có giá trị cao nhất về khoa học lịch sử. Năm lần trao thưởng, ủy ban giải thưởng và các nhà sử học hàng đầu đã làm việc rất khách quan, cẩn trọng để chọn được năm công trình xứng đáng nhất, phù hợp nhất với mong muốn của GS Trần Văn Giàu. Ấy thế, nhưng trên vầng trán của những nhà khoa học luôn làm việc không biết mệt mỏi ấy vẫn còn rất nhiều nếp nhăn ưu tư, vẫn còn nhiều điều áy náy vì cảm thấy chưa đáp ứng được tâm nguyện của thầy Giàu. |
Quả vậy, khi đọc các con số: 4.200 trang bản thảo (cả chính văn và phụ lục) được chia làm ba phần, 21 chương; hội đồng chỉ đạo có 34 người, hội đồng biên soạn cũng 34 người làm việc suốt 8 năm ròng rã. Trong số đó, 11 người đã ra đi mà không bao giờ được nhìn thấy công trình hoàn thành. Một phút lặng trong khán phòng khi nghe nhắc đến tên chủ tịch hội đồng chỉ đạo Võ Văn Kiệt và chủ tịch hội đồng biên soạn Trần Bạch Đằng.
Ông Tô Bửu Giám giọng run run: “Nếu chất các khối tư liệu đồ sộ mà ban biên soạn đã thu thập, xử lý, chắc phải cao hơn mấy người chúng ta chồng lên nhau. Nhưng chắc chắn độc giả sẽ không ngán ngại mà đọc với sự xúc động đặc biệt, bởi đó là những trang sử được viết bởi chính những người từng trực tiếp làm nên lịch sử”.
Càng hấp dẫn hơn khi ông tiết lộ bộ sử đã tiếp cận và khai thác được những nguồn tài liệu tuyệt mật, nguồn tàng thư riêng của trung ương, nguồn tài liệu riêng biệt của các nhà lãnh đạo kháng chiến… tất cả đã được xử lý một cách cẩn trọng, khách quan, khoa học.
Dày hàng ngàn trang nhưng bộ sử đã được viết đi viết lại tới 15 lần, được gửi đến từng địa phương đối chiếu, xác minh, phản biện từng sự kiện để đảm bảo tính khách quan, chính xác. Ủy ban giải thưởng Trần Văn Giàu với số phiếu 6/6 đã đánh giá công trình nêu ra được những điểm mới, phân tích rõ, nhìn nhận thẳng thắn nhiều vấn đề xưa nay chưa từng được đề cập hay chưa được phản ánh đúng trong sự nghiệp chống Mỹ tại Nam bộ, như phản ánh được tính đặc thù người Nam bộ trong cuộc chiến tranh nhân dân, chứng minh được tính chất tự lực, tự cường chiến đấu vì mục đích sống còn của nhân dân Nam bộ; như nhìn nhận sự chậm trễ trong chuyển hướng chỉ đạo chiến lược giai đoạn 1956-1959, những khuyết điểm trong chỉ đạo đợt tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 là một trong những nguyên nhân khiến lực lượng cách mạng phải chịu nhiều tổn thất…
Phóng to |
PGS. TS Nguyễn Văn Lịch, phó chủ tịch thường trực Ủy ban giải thưởng Trần Văn Giàu - Ảnh: Nguyễn Á |
Dù được nhiều người chấp bút nhưng theo ông Tô Bửu Giám, Lịch sử Nam bộ kháng chiến chống Pháp - Mỹ còn học tập được GS Trần Văn Giàu trong việc viết sử bằng văn phong trong sáng, dễ hiểu, xứng đáng được dùng trong giảng dạy, nghiên cứu.
Đại diện GS Trần Văn Giàu tại lễ trao giải, TS Đinh Thu Xuân chuyển lời của giáo sư: “Chúc mừng nhân dân Nam bộ từ nay đã có một bộ sử ghi lại chuỗi ngày lẫm liệt. Khi xuất bản thành sách, hãy nhớ dành một phần đáng kể để gửi tặng các trường học và bà con ở các vùng chiến khu D, U minh, Đồng Tháp, các hải đảo Trường Sa, Phú Quốc, Phú Quí…”. Những lời căn dặn “rất Trần Văn Giàu” ấy đã làm xúc động cả khán phòng.
Chúng tôi chờ tác phẩm
Kết thúc buổi lễ trao giải, nhà nghiên cứu Tô Bửu Giám tha thiết: “Chúng tôi luôn sẵn sàng chờ các tác phẩm dự giải. Nếu không có tác phẩm tham dự, ủy ban của chúng tôi không còn lý do để tồn tại, tâm nguyện của giáo sư Trần Văn Giàu không thể được đáp ứng”.
PGS.TS Nguyễn Văn Lịch, phó chủ tịch thường trực ủy ban giải thưởng, cho biết những con số đáng báo động: “Năm 2010 này ủy ban chúng tôi chỉ nhận được bốn tác phẩm tham gia dự giải. Lần đầu 43 tác phẩm, lần thứ hai là 14, lần thứ ba 7, lần thứ tư 5, và lần này là 4. Chúng tôi rất sốt ruột, chẳng lẽ sẽ đến lúc không có tác phẩm nào tham gia giải thưởng nữa”.
Giải thưởng Trần Văn Giàu có hai lĩnh vực: lịch sử và lịch sử tư tưởng, nhưng cho đến nay chưa có công trình nào về lịch sử tư tưởng được xét vinh danh. Lần nào các thành viên ủy ban đến báo cáo công việc, GS Trần Văn Giàu cũng hỏi “Có tác phẩm nào không?”. Ông Lịch bảo ông thật buồn khi buộc phải nói thật: “Chưa có thầy ạ”.
Phóng to |
Trung tướng, tiến sĩ Nguyễn Thới Bưng - Ảnh: Nguyễn Á |
Tại sao lại như vậy là câu hỏi ai nghe chuyện cũng đặt ra, nhất là khi tên GS Trần Văn Giàu luôn có sức hút rất lớn, giải thưởng có uy tín cao và có giá trị cao nhất trong các giải thưởng hiện giờ.
"Trong đào tạo con người cổ điển cũng như hiện đại, theo tôi, văn-sử-triết là những môn học rất cơ bản. Tôi rất lo lắng khi thấy tri thức lịch sử bị xem nhẹ. Một xã hội thiếu hiểu biết lịch sử của dân tộc mình, theo tôi, là dấu hiệu của sự sa đọa. Nói như vậy càng thấy trách nhiệm của chúng ta, những người giảng dạy, nghiên cứu và truyền bá lịch sử. Phải làm cho những tri thức lịch sử trở nên phong phú, sâu sắc và hấp dẫn hơn đối với mọi người, nhất là giới trẻ". |
Ông Lịch kể ông thường khuyến khích các nhà sử học trẻ bằng câu chuyện mà giải thưởng đã được sinh ra. Đó là 1.000 cây vàng tiền bán nhà và tiền bản quyền các trước tác của GS Trần Văn Giàu dành để lập quỹ giải thưởng Trần Văn Giàu. GS thường nói ông chỉ có những đứa con bằng giấy là những tác phẩm để đời. Giải thưởng của ông là tâm huyết cả một đời dành cho khoa học lịch sử.
Những ưu tư về giải thưởng cuối cùng dừng lại những người dự giải. Tại lễ trao giải, ông Nguyễn Sơn, đại diện gia đình nhà chí sĩ Nguyễn An Ninh, cho biết ông đã bắt tay vào công trình nghiên cứu tư tưởng Nguyễn An Ninh từ hơn hai năm nay, “nhưng vẫn không dám đăng ký giải thưởng”.
Ông Bùi Văn Toản, nhà nghiên cứu chuyên về lịch sử Côn Đào, từng có tác phẩm Côn Đảo 6.694 ngày đêm được vào chung khảo giải thưởng Trần Văn Giàu lần 1, và đang có ý định đưa bộ sưu tập Tù nhân Côn Đảo 1940-1945 dự giải lần 6 sắp tới tâm sự: “Đoạt giải thưởng Trần Văn Giàu là một vinh dự lớn, chưa đoạt giải như tôi cũng thấy vinh dự khi mình đã dám gửi tác phẩm đi dự giải của GS Trần Văn Giàu. Trước hết là vinh dự vì uy tín khoa học nghiêm túc tới khắt khe của giải này, sau nữa là vinh dự được làm một người tiếp bước, được đáp một tiếng với lời kêu gọi tâm huyết của giáo sư”.
Những tác phẩm đã được trao giải thưởng Trần Văn Giàu: - Lần 1 năm 2003: Nguyễn Tri Phương - tác giả Thái Hồng - Lần 2 năm 2005: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Nguyễn Đình Đầu - Lần 3 năm 2006: Lịch sử Nam bộ kháng chến chống Pháp - Ban biên soạn lịch sử Nam bộ kháng chiến. - Lần 4 năm 2009: Những di tích khảo cổ thời văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo ở An Giang - PGS.TS Phạm Đức Mạnh và nhóm khảo cổ học. - Lần 5 năm 2010: Lịch sử Nam bộ kháng chiến chống Mỹ - Ban biên soạn Lịch sử Nam bộ kháng chiến. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận