13/03/2014 09:06 GMT+7

Giải thoát rối loạn lo âu

BS MAI VĂN BÔN
BS MAI VĂN BÔN

TT - Nhiều người cứ thấy bất an, dễ mệt mỏi mà không rõ căn nguyên, đến lúc đi khám mới biết mình mắc chứng rối loạn lo âu. Nếu không được điều trị, ở người lớn bệnh sẽ gây mất khả năng làm việc, trẻ em thì bị tăng động hoặc mất tập trung, học tập kém ...

SqbticC8.jpgPhóng to
ThS.BS Lê Thị Hồng Nhung khám tham vấn tâm lý cho một trường hợp rối loạn lo âu - Ảnh: T.T.D.

Rối loạn lo âu là sự lo sợ quá mức trước một tình huống có tính chất vô lý, lặp lại và kéo dài gây ảnh hưởng tới sự thích nghi với cuộc sống. Khoảng 273 triệu người (chiếm 4,5% dân số) trên thế giới từng có biểu hiện lo âu, trong đó nữ giới thường gặp hơn.

Nhiều dạng bệnh

Bệnh có nhiều dạng:

1. Rối loạn lo âu lan tỏa là một dạng trong nhóm bệnh rối loạn lo âu, đặc điểm cơ bản là sự lo âu lan tỏa dai dẳng trong bất cứ tình huống đặc biệt nào. Triệu chứng thể chất thường đi kèm với lo âu gồm: bất an, dễ mệt mỏi, run rẩy, căng thẳng bắp thịt, vã mồ hôi, choáng váng, hồi hộp, chóng mặt, đầu óc trống rỗng, đánh trống ngực, khó chịu vùng bụng, khó nuốt, buồn nôn, tính tình trở nên cáu kỉnh. Ở trẻ em biểu hiện kèm theo với nhức đầu, hiếu động, đau bụng và hồi hộp. Bệnh có thể bắt đầu từ 8-9 tuổi.

2. Ám ảnh sợ hãi: khoảng 5-12% dân số thế giới bị chứng bệnh này. Có một số dạng như ám ảnh sợ màu sắc hoặc ám ảnh sợ xã hội.

3. Cơn kinh hoảng kịch phát: người bệnh bị cơn kinh hoảng kịch phát thường run rẩy, lú lẫn, hoa mắt, buồn nôn hoặc khó thở. Cơn kịch hoảng xảy ra nhanh, đạt đỉnh chỉ trong vòng 10 phút và có thể kéo dài vài giờ, dễ xuất hiện khi căng thẳng (stress), lo lắng hoặc ngay cả khi tập thể dục.

4. Chứng sợ khoảng rộng: sự lo âu đặc trưng khi người bệnh đang ở nơi mà lối thoát hiểm khó khăn hoặc nhận thấy không có sự bảo bọc, trợ giúp. Thường kèm theo với cơn kinh hoảng kịch phát.

5. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế: đặc điểm của bệnh là người bệnh không làm chủ được các ý nghĩ lặp đi lặp lại một cách vô lý, và để giảm bớt độ thôi thúc gây khó chịu cho bản thân họ buộc phải thực hiện hành vi cưỡng chế. Một số hành vi cưỡng chế cụ thể như là nhìn đồng hồ hoặc rửa tay liên tục, sưu tầm các vật vô giá trị, ngăn nắp quá mức, tìm kiếm sự cân đối.

6. Rối loạn stress sau sang chấn: thường xảy ra sau khi trải qua một sang chấn tâm lý lớn. Sau một trải nghiệm đau buồn như người thân mất, bị ngược đãi... ở một số người nỗi buồn trở thành sự bất an dai dẳng. Các triệu chứng thường thấy là người bệnh hay nhớ lại hoàn cảnh sang chấn ngoài ý muốn hoặc nó có thể đến trong cơn ác mộng.

Đáng nói là trẻ em cũng có thể biểu hiện các triệu chứng rối loạn lo âu tương tự người lớn, thường gặp ở các bé là sợ đi học. Hoặc đôi lúc lo âu không rõ nguyên nhân.

Lo âu từ đâu đến?

Thường gặp do những nguyên nhân dưới đây:

- Rượu bia, cà phê và thuốc: lạm dụng rượu bia. Ngay cả trường hợp uống rượu bia mức trung bình nhưng kéo dài có thể gia tăng mức lo âu ở một số người. Những người phụ thuộc cà phê, rượu, thuốc ngủ benzodiazepin có thể làm nặng thêm hoặc gây ra tình trạng lo âu và cơn kinh hoảng kịch phát.

- Căng thẳng thần kinh (stress): mối lo về tài chính hoặc bệnh tật mãn tính có thể gây rối loạn lo âu. Thường gặp ở những người cao tuổi bị mất trí nhớ.

- Di truyền: yếu tố gia đình có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh này. Trẻ sinh ra trong gia đình người lớn mắc bệnh sẽ gặp nguy cơ cao gấp sáu lần so với bình thường.

Giải pháp

Để trị bệnh, có hai phương pháp chính là sử dụng thuốc và các liệu pháp tâm lý, trong đó liệu pháp hành vi nhận thức, tham vấn tâm lý, thư giãn cũng như thay đổi lối sống lành mạnh hơn.

- Liệu pháp hành vi nhận thức: người bệnh thực hành những bài tập thả lỏng cơ, kết hợp với tập hít vào và thở ra càng sâu càng tốt.

- Ngưng hút thuốc lá là biện pháp ích lợi hơn cả những trị liệu bằng dược phẩm.

- Thuốc chỉ dùng khi những phương pháp khác vô hiệu. Những dược phẩm hiện đang được dùng, thông dụng nhất là thuốc ức chế tái hấp thu serotonine chọn lọc. Cần lưu ý khi dùng thuốc này vì có tác dụng ngoài ý muốn như nhức đầu, buồn nôn, mất ngủ.

Ngoài ra, người bệnh cần giảm lượng cà phê dung nạp hằng ngày và tăng cường thể dục đều đặn, tập yoga rất hiệu quả trong điều trị lo âu.

10 điều hữu ích giúp bạn đối phó với sự lo âu

1. Quên quá khứ để tập trung vào hiện tại.

2. Học cách phân biệt giữa sự lo sợ thật sự, lo âu phi lý và gạt bỏ khỏi đầu óc của bạn những lo âu vô lý đó.

3. Tự tin và sẵn sàng đương đầu với sự lo âu.

4. Suy nghĩ tích cực và hành động dũng cảm. Trung thành với chính bạn.

5. Tập trung vào những việc có lợi cho bạn trước tiên. Nên nhớ rằng không ai có thể bảo vệ những lợi ích của bạn bằng chính bạn.

6. Phát triển thói quen mới để giải quyết những căng thẳng.

7. Học cách nói không.

8. Cân bằng chế độ ăn uống và tập luyện thể dục đều đặn.

9. Học cách ra những quyết định thích hợp nhất cho bạn và gắn kết với chúng.

10. Trong trường hợp bác sĩ của bạn đề nghị dùng dược phẩm, nên uống thuốc để thuyên giảm tạm thời triệu chứng. Cố gắng trao đổi những nguyên nhân gây lo âu với bác sĩ của bạn.

BS MAI VĂN BÔN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp