Messi suýt nữa bị từ chối khi đến ra mắt Barca - Ảnh: MARCA
Một cách chính xác, hành trình huyền thoại của Messi tại sân Camp Nou bắt đầu từ tháng 9-2000. Khi gia đình ông Jorge Messi quyết tâm đưa cậu con trai rời quê nhà Argentina để tìm kiếm một tương lai với bóng đá.
Messi nên chơi... bóng bàn
Bây giờ và nhiều năm sau nữa, người hâm mộ nhớ gì về Carles Rexach?
Trong những năm thập niên 1970-1980 rồi cả 1990, Rexach là một tượng đài ở sân Camp Nou. Ông là tiêu biểu cho hình mẫu dành trọn vẹn cuộc đời với một đội bóng.
Từ khi bắt đầu tập chơi bóng cho đến lúc kết thúc sự nghiệp, Rexach chỉ khoác áo Barca. Trong gần 30 năm tiếp theo sau khi giải nghệ, Rexach tiếp tục gắn bó với Barca (trừ một giai đoạn ngắn vào năm 1998 ông sang Nhật để làm việc với CLB Yokohama).
Tại sân Camp Nou, Rexach đã làm đủ mọi loại công việc: cầu thủ, HLV đội trẻ, HLV đội B, trợ lý HLV, HLV trưởng rồi giám đốc kỹ thuật.
Trên hết, Rexach là một người bạn vĩ đại của "thánh" Johan Cruyff, đã đồng hành và hỗ trợ huyền thoại bóng đá người Hà Lan trong suốt hành trình ông rao giảng triết lý bóng đá của mình ra toàn thế giới.
Carles Rexac là người góp công lớn mang Messi về Barca - Ảnh: AS
Nhưng đóng góp giá trị nhất mà Rexach dành cho Barca lại đơn giản gói gọn trong một mảnh giấy mà ngày nay được cất giữ cẩn mật ở một ngân hàng tại Andorra, và có thể sẽ được định giá hàng triệu USD nếu được đem ra đấu giá.
Tháng 9-2000, gia đình ông Jorge Messi đưa cậu con trai sang Catalunya để thử việc. Năm đó, Lionel Messi mới 13 tuổi, nhưng đã ghi gần 500 bàn thắng cho các đội trẻ của CLB Newell’s Old Boys kể từ khi gia nhập lò đào tạo đội bóng này vào năm 1995.
Nhưng rồi chứng thiếu hormone tăng trưởng đã đe dọa sự nghiệp của thần đồng bóng đá người Argentina. Mỗi tháng, gia đình Messi phải trả khoảng 1.000 USD cho việc điều trị. Ban đầu Newell’s Olb Boys đồng ý chia sẻ mức phí này, nhưng rồi sau đó họ rút lại quyết định.
Horacio Gaggioli - một "cò bóng đá" người Argentina - đã sắp xếp để đưa Messi đến thử việc tại Barca. Gaggioli cùng Minguella - người điều hành một CLB quần vợt ở thành phố Barcelona - giới thiệu cậu nhóc với Rexach khi đó đang là giám đốc kỹ thuật của Barca.
"Khi họ gọi điện, tôi đang ở Úc. Tôi yêu cầu đội ngũ của mình báo cáo về Messi khi tôi trở về. Các ý kiến khá trái ngược nhau. Một số nói cậu ấy chơi tốt, một số lo ngại rằng cậu ấy quá nhỏ con, có người còn nói với thể hình như vậy, Messi nên chơi bóng bàn", Rexach kể.
Quyết định vĩ đại của Rexach
Để đưa ra quyết định cuối cùng, giám đốc kỹ thuật của Barca khi đó tổ chức một trận đấu. Trong trận đấu đó, Messi phải đối đầu với các cầu thủ lớn hơn anh 2 tuổi.
Rexach thậm chí đã đến muộn, khi ông đến trận đấu đã bắt đầu. Rexach quan sát Messi. Và theo lời kể của cựu danh thủ 74 tuổi, ông đã "đi một bước ngoái nhìn một bước" khi đến tận chỗ ngồi của mình.
"Chỉ mất 5 phút để tôi nhận ra rằng, trừ phi có điều kỳ lạ nào đó xảy ra, cậu nhóc này sẽ trở thành một siêu sao bóng đá. Tôi đã dành cả đời để làm việc với bóng đá, đã quan sát nhiều cầu thủ tài năng từ khi họ còn trẻ, nhưng Messi hoàn toàn khác biệt", Rexach kể.
Cựu giám đốc kỹ thuật của Barca chốt quyết định rất nhanh. Nhưng mọi chuyện sau đó không hề dễ dàng. Ở thời điểm đó, việc ký hợp đồng với một cầu thủ chưa đầy 14 tuổi đến từ châu lục khác là chuyện khá phức tạp, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy sau này. Theo lời kể của Rexach, chủ tịch Joan Gaspart lúc bấy giờ không muốn dính vào.
Gia đình Messi đã trải qua 3 tháng đầy khó khăn tại Catalunya. Ban lãnh đạo đội bóng không thể đưa ra quyết định rõ ràng dành cho anh và ông Jorge Messi bắt đầu bực dọc.
Cha của Messi gọi điện cho Rexach và nói: "Chúng tôi phải làm gì? Tôi và con trai sẽ không dây dưa thêm nữa. Nếu không thể giải quyết chuyện này sớm, chúng tôi sẽ trở về Argentina".
Và Rexach hạ quyết tâm. Ông hẹn gặp Jorge Messi cùng Gaggioli tại nhà hàng của Minguella. Rexach mượn bồi bàn một mảnh giấy và viết: "Tại Barcelona, ngày 14-12-2000, dưới sự làm chứng của ông Minguella và Horacio (Gaggioli), tôi - giám đốc kỹ thuật Carles Rexach của Barca cam kết sẽ ký hợp đồng với Messi bằng trách nhiệm của mình - bất chấp những ý kiến khác, miễn là chúng tôi đạt được thỏa thuận về con số".
Gaggioli (trái) hiện đang giữ mảnh giấy huyền thoại - Ảnh: TRIBUNA
Mảnh giấy đó có lẽ không có giá trị gì về mặt pháp lý, nhưng đã trở thành một kỷ vật vô giá. Nó thuyết phục được ông Jorge Messi nhẫn nại với CLB Barca thêm một thời gian nữa. Và quả thực sang đầu năm 2001, Barca chính thức sở hữu Lionel Messi.
Mảnh giấy huyền thoại đó giờ đang nằm ở đâu?
Vài năm trước, báo Infobae tiết lộ Gaggioli hiện đang cất giữ nó trong một ngân hàng ở Andorra. Ông đã nhận được nhiều lời hỏi mua kỷ vật này với giá hàng triệu euro, nhưng đều từ chối. "Tôi nghĩ nó nên thuộc về bảo tàng Barcelona", Gaggioli nói.
Sẽ chỉ cao... 1m50
Người đầu tiên huấn luyện Messi tại Barca là Jordi Roura, rồi đến Tito Vilanova (người sau này mất sớm ở tuổi 45 vì ung thư).
Lứa cầu thủ trẻ đó của Barca có Gerard Pique, có Cesc Fabregas… Nhưng ngay sau buổi làm việc đầu tiên, Vilanova gọi cho Rexach và kể: "Này Charly, có một cậu nhóc thật khó tin trong đội". Và đó là Messi.
Tháng 10-2004, gần 4 năm sau buổi gặp gỡ của Rexach, cậu nhóc Messi chính thức ra mắt đội một Barca - khi đó đang do HLV Frank Rjikaard dẫn dắt.
Messi vô cùng tự tin khi lần đầu được chơi bóng cùng Ronaldinho - Ảnh: Reuters
"Thông thường khi một cầu thủ trưởng thành từ học viện được đôn lên đội một, cậu ấy sẽ hơi e dè và gặp nhiều khó khăn trong việc khẳng định bản thân.
Nhưng Messi thì không. Anh ấy mạnh dạn xin bóng ngay từ lần đầu tiên ra sân, trong một đội bóng có những cầu thủ như Ronaldinho. Và trên thực tế, Ronaldinho chính là người đã kiến tạo để Messi ghi bàn đầu tiên", Rexach kể.
Những gì diễn ra sau đó có lẽ chúng ta không cần phải kể nữa. Đó là một hành trình được nhắc đi nhắc lại bởi các cây bút bình luận, được cập nhật liên tục bởi các con số, và được chiêm ngưỡng ngày qua ngày bởi cả thế giới bóng đá.
Cùng với Barca, Messi đã ra sân 778 trận, thi đấu 63.507 phút, ghi 672 bàn thắng, kiến tạo 305 bàn, giành 4 chức vô địch Champions League, 10 La Liga và 6 Quả bóng vàng.
Thế giới có thể tranh cãi không ngừng về cuộc so sánh giữa Messi và Ronaldo, về lòng trung thành không đi đến chung cuộc của Messi, về mức lương và những lý do khiến anh phải rời bỏ sân Camp Nou.
Nhưng những thống kê vĩ đại và giai thoại về mảnh giấy nhà hàng sẽ vĩnh viễn được khắc ghi trong bảo tàng của Barca.
Hơn 20 năm trước, nếu không có mảnh giấy của Rexach, gia đình Messi có thể đã lặng lẽ trở lại Argentina, Lionel Messi ngày nay có lẽ là một người bình thường như bao người khác, với chiều cao khoảng 1m50 (nếu anh không được tiêm hormone đều đặn). Còn lịch sử bóng đá rẽ sang một hướng hoàn toàn khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận