Người biểu tình dựng các tấm bìa có in hình Mark Zuckerberg, phản đối Facebook bên ngoài trụ sở Quốc hội Mỹ ngay trước thềm cuộc điều trần bê bối lộ dữ liệu người dùng tháng 4-2018 - Ảnh: Reuters
Cùng lúc đó, các nhà lập pháp Mỹ đang kêu gọi một cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào "đế chế" - đứa con tinh thần của Chris và Mark.
Facebook đồng ý rằng sự thành công phải đi liền với trách nhiệm. Nhưng ông đã không làm tròn cái gọi là trách nhiệm khi thúc giục chia cắt một công ty thành công của nước Mỹ.
Nick Clegg, người phát ngôn của Facebook, phản pháo đề nghị giải tán của ông Chris Hughes
Siêu quyền lực
Facebook đã liên tiếp dính phải bê bối quyền riêng tư và dữ liệu người dùng trong năm ngoái. Zuckerberg, với tư cách là giám đốc điều hành (CEO), phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ. Nhưng người ta nói Zuckerberg - 34 tuổi, với kiến thức về công nghệ và kỹ thuật - đã qua mặt những chính trị gia lão luyện của nước Mỹ.
Người ta cũng thường nói càng lên cao gió càng lớn nhưng theo Chris, Zuckerberg đang ngày càng trở nên quyền lực và chưa gì có thể làm lung lay người bạn cũ. Chris đồng sáng lập Facebook năm 2004 tại Harvard cùng với Zuckerberg và Dustin Moskovitz, nhưng rời đi năm 2007 với hơn nửa tỉ USD sau 3 năm làm việc.
Trong một lá thư rất dài gửi đến báo New York Times (NYT) ngày 9-5, Chris nói những ảnh hưởng của Mark thật đáng kinh ngạc, vượt xa hơn bất kỳ ai khác trong lĩnh vực tư nhân và chính phủ.
Mark kiểm soát ba nền tảng công nghệ hùng mạnh: Facebook, Instagram và Whatsapp. Hội đồng quản trị Facebook làm việc với vai trò như một ban cố vấn hơn là ủy ban giám sát, bởi vì Mark kiểm soát đến 60% cổ phần có quyền phủ quyết.
Mark có thể một mình quyết định thuật toán Facebook có thể biết được thứ người dùng đang xem mỗi ngày, những cài đặt bảo mật nào họ có thể sử dụng và ngay cả những tin nhắn được gửi đi.
"Mark là một người tốt và tử tế. Nhưng sự tức giận của tôi đến từ việc cậu ấy đã quá sa đà vào việc tăng trưởng và đánh đổi quyền riêng tư lẫn phép lịch sự bằng những cái nhấp chuột. Mark đang được bao quanh bởi một đội ngũ những người ủng hộ tư duy của cậu ấy hơn là thách thức chúng" - Chris trải lòng trong lá thư.
"Nước Mỹ được xây dựng trên ý tưởng rằng quyền lực không nên tập trung ở bất kỳ một người nào, bởi vì tất cả chúng ta đều có thể sai lầm. Jefferson và Madison (tổng thống thứ 3 và 4 của Mỹ) là những độc giả trung thành của Adam Smith, người tin rằng độc quyền sẽ ngăn chặn sự cạnh tranh, vốn là động lực thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế" - Chris lập luận.
Thao túng quá mức!
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, người đang tìm kiếm suất ứng cử viên chính thức của Đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, tuyên bố sẽ chia tách các công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ như Facebook, Amazon và Alphabet (công ty mẹ của Google) nếu đắc cử.
"Các tập đoàn công nghệ lớn (BigTech) ngày nay đang thao túng quá nhiều nền kinh tế, xã hội và cả nền dân chủ nước Mỹ. Họ sử dụng các thông tin cá nhân của chúng ta để kiếm lợi, họ tấn công các công ty nhỏ và kìm hãm sự đổi mới. Đã tới lúc phải giải tán các BigTech" - bà Warren nhấn mạnh trên trang Twitter cá nhân.
Cũng trong lá thư gửi đến NYT, đồng sáng lập Facebook Chris Hughes cho rằng chính phủ phải hủy bỏ các thỏa thuận sáp nhập Whatsapp và Instagram của Facebook. Ro Khanna, hạ nghị sĩ Dân chủ bang California, gật đầu với đề xuất này: "Hướng đi sắp tới là phải xem xét kỹ lưỡng các thương vụ sáp nhập để bảo đảm chắc chắn rằng không có công ty nào được hưởng đặc quyền đặc lợi trên nền tảng chống độc quyền".
Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, thành viên Đảng Dân chủ, nói với CNBC rằng ông nghĩ Facebook nên được chia ra nhỏ hơn và bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp cần phải bắt đầu một cuộc điều tra. Về lý thuyết, giải tán một công ty như Facebook là có thể.
Để bắt buộc giải tán một tập đoàn lớn, Chính phủ Mỹ sẽ phải đưa công ty ra tòa, chứng minh rằng công ty này có sức mạnh thị trường vô cùng lớn trong lĩnh vực mà nó hoạt động và điều này đã gây tổn hại cho người tiêu dùng và giành chiến thắng nếu sự việc được đẩy tới Tòa tối cao.
Rất hiếm khi Chính phủ Mỹ can thiệp để chia tách một tập đoàn nhưng không phải chưa từng có, với Standard Oil và AT&T là hai ví dụ lớn nhất. Nhưng để giải tán một công ty công nghệ lớn như Facebook thì chưa từng có tiền lệ thành công.
Năm 2000, Bộ Tư pháp Mỹ giành được chiến thắng "sơ bộ" khi muốn chia cắt Microsoft, nhưng thất bại sau đó. Kết quả là tập đoàn nghìn tỉ của Bill Gates vẫn còn nguyên đến tận ngày nay.
"Quốc gia" 2,3 tỉ dân
Với giá trị vốn hóa hơn 538 tỉ USD, nếu xem Facebook là một quốc gia, đó sẽ là một nước với 2,3 tỉ dân, đứng thứ nhất về dân số và top 30 các nước tính theo tổng sản phẩm quốc nội năm 2018. Nhưng tập đoàn mà Mark Zuckerberg làm giám đốc điều hành không chỉ có Facebook. Những nền tảng như Messenger, Whatsapp và Instagram vẫn đều đặn đem về tập đoàn mỗi tháng rất nhiều người dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận