16/07/2013 10:42 GMT+7

Giải quyết nạn xe quá tải phải có giải pháp đồng bộ và quyết liệt

NGỌC ẨN - CHI MAI
NGỌC ẨN - CHI MAI

TT - Quy định về xử phạt xe quá tải còn quá nhiều bất hợp lý, không thống nhất, bắt bẻ quá tải kiểu nào cũng được... Đó là những vấn đề được các doanh nghiệp vận tải, tài xế và chính CSGT đặt ra tại Tọa đàm “Vấn nạn xe quá tải, giải quyết thế nào?”.

Buổi tọa đàm do báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 15-7.

aIQvIEY7.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Ba, phó Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an Đồng Nai: “Cứ căng theo kiểu dỡ hàng ra, lấy đồng hồ mà đo, mà phạt quá tải cân trục thì đúng là làm khó doanh nghiệp” - Ảnh: Tự Trung

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia pháp luật, giao thông cũng kiến nghị nhiều vấn đề để tìm giải pháp hạn chế vấn nạn xe quá tải.

Đủ kiểu phạt quá tải!

Không chỉ xe chở hàng quá tải trọng bị xử phạt mà có khi không chở quá tải hàng cũng bị bắt bẻ là quá tải trục xe. Ông Lê Thành Thảo, trưởng phòng pháp chế an toàn giao thông doanh nghiệp vận tải Quang Châu, bức xúc: “Có khi xe không vượt quá tổng trọng tải nhưng trạm cân cho rằng xe vượt quá tải trọng trục. Mà thế nào là quá tải trục chúng tôi cũng không biết. Có khi xe trọng tải 48 tấn, nhưng chúng tôi chỉ cho chở 24-25 tấn, vậy mà leo lên trạm cân vẫn bị bắt bẻ là quá tải trục, tài xế bị xử phạt 4 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe 30 ngày. Chúng tôi đã nhiều lần góp ý với Bộ Giao thông vận tải nhưng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết”.

Tài xế Nguyễn Văn Bình nói thêm: “Trên quốc lộ 1, nhiều cầu chỉ có tải trọng 18 tấn nên hầu hết xe container qua cầu đều bị phạt do trọng lượng chiếc xe không chở hàng đã có tải trọng 19 tấn”.

Đồng tình với ý kiến này, ông Thái Văn Chung - tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - nói: “Các quy định của pháp luật hiện chưa đầy đủ, hợp lý nên dẫn đến việc thiếu chính xác trong kiểm tra, xử phạt xe quá tải. Các cơ quan chức năng chỉ căn cứ ba yếu tố để xử phạt xe: một là xe chở hàng quá tải trọng cầu đường, hai là chở hàng quá tổng trọng tải của trục xe và ba là chở hàng vượt quá tải trọng của sổ đăng kiểm xe. Việc căn cứ ba yếu tố để kiểm tra rất chung chung khiến các doanh nghiệp luôn có thể rơi vào thế bị vi phạm. Hệ thống cầu đường vào các cảng biển, các khu công nghiệp... đã xuống cấp nên xe container không chở hàng vẫn bị quá tải trọng khi đi qua cầu. Có xe chở hàng đúng tải theo thiết kế của nhà sản xuất nhưng sổ đăng kiểm xe lại cho phép tải trọng chở hàng thấp hơn nên xe bị phạt vì chở hàng quá tải. Đặc biệt là xe chở hàng xuất khẩu bằng container theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng bị buộc phải hạ tải, gây khó khăn cho doanh nghiệp”.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ba, phó Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an Đồng Nai, cho hay trước đây khi còn làm ở trạm cân Dầu Giây, chính ông từng kiến nghị nhiều lần về việc cân trục xe, bởi nếu “cứ đè xử phạt xe quá tải trục thì chỉ có chết nhà xe! Cứ căng theo kiểu dỡ hàng ra, lấy đồng hồ mà đo, mà phạt quá tải cân trục thì đúng là làm khó doanh nghiệp”.

Ông Ba cũng giải thích thêm: hiện nay lực lượng CSGT chỉ xử phạt xe chở quá tải so với trọng tải cho phép của xe, còn quá tải cầu đường thuộc về trách nhiệm của ngành giao thông vận tải. Theo ông Ba, “vẫn biết khi xử phạt tài xế, tước giấy phép lái xe là tước đi miếng cơm của họ, chúng tôi xót xa lắm nhưng cũng phải làm vì đó là trách nhiệm được Nhà nước phân công”.

Đóng phí chở quá tải sẽ phá nát cầu đường

Ông Đỗ Xuân Phú, giám đốc Công ty vận tải thương mại và dịch vụ Minh Liên, cho rằng nếu cho đóng tiền phạt để chở quá tải thì xe này đóng được, xe khác cũng đóng được và hậu quả là cầu đường sẽ tan nát vì xe quá tải, tai nạn giao thông sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Theo ông Phú, vấn đề xe chở quá tải đã trở thành mối quan tâm của xã hội, thế nhưng các cơ quan chức năng xử lý vấn đề này còn nửa vời và mới làm phần ngọn. Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt và cần quy định trách nhiệm của chủ cảng, chủ hàng, thủ kho xếp hàng lên xe phải đúng tải. Bộ Giao thông vận tải cần xem xét lại chất lượng cầu đường đang xuống cấp, trong khi đã thu phí cầu đường bộ. Nhà nước cũng nên có biện pháp chế tài các nhà sản xuất, xuất nhập khẩu vì cạnh tranh không lành mạnh mà cho xe chở quá tải.

Luật sư Võ Xuân Trung đặt vấn đề: Tình trạng xe quá tải không phải bây giờ mới có mà đã diễn ra nhiều năm nay. Mức xử phạt xe quá tải theo nghị định 34/2010 đã được điều chỉnh, tăng lên tại nghị định 71/2012 nhưng vì sao không giảm? Vấn đề phải chăng vẫn còn nằm ở lợi nhuận của các doanh nghiệp vận tải? Có chăng tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp đua nhau lấy khách bằng cách hạ giá cước vận tải rồi chấp nhận chở quá tải? Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải cần xem lại việc này. Nếu cước vận tải hiện còn quá thấp đến nỗi doanh nghiệp không chở quá tải thì không có lời, vậy tại sao các doanh nghiệp không ngồi lại để có tiếng nói chung? Đừng để tình trạng doanh nghiệp này không chở quá tải thì lại có doanh nghiệp khác sẵn sàng chở.

Luật sư Trung cũng cho rằng kiến nghị cần xử phạt chủ xe, chủ hàng cũng không khả thi bởi việc vận chuyển hàng hóa giữa các bên thường phải thực hiện bằng hợp đồng. Nếu chủ hàng đã có hợp đồng về việc vận chuyển đúng quy định thì không thể bắt chủ hàng chịu phạt vì tài xế chở hàng quá tải. Luật sư cũng chia sẻ nỗi khó của tài xế vì hiện nay hầu hết tài xế đều không được can thiệp vào tải trọng hàng, nếu không chịu chở hàng quá tải thì không có việc làm. Tuy nhiên, tài xế là người trực tiếp đi đường nên theo quy định phải chịu trách nhiệm chấp hành quy định về an toàn giao thông, nếu vi phạm thì bị xử phạt. Hiện nay tại các cảng, bến bãi hàng hóa đều có cân tải trọng, tài xế có quyền từ chối chở quá tải. Nếu tài xế nào cũng thực hiện quyền này thì cũng có thể giải quyết được vấn đề.

Còn theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, quy định của pháp luật hiện còn quá nhiều thiếu sót, không hợp lý nên mới có tình trạng doanh nghiệp vận tải hàng hóa, tài xế bị ép đi vào tình huống chở quá tải. Hiện nay quy định chỗ này khác chỗ kia, địa phương mỗi nơi xử phạt một kiểu thì sẽ còn gây bức xúc cho doanh nghiệp vận tải. Muốn giải tỏa tận gốc vấn đề này, các bộ như Giao thông vận tải, Công an... cần phải ngồi lại để điều chỉnh những thiếu sót trong quy định về chất lượng cơ sở hạ tầng đường sá, kiểm định tải trọng xe, cầu đường thì vấn nạn quá tải sẽ giảm.

Các nước cũng chỉ xử phạt tài xế

Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, không chỉ VN mà nhiều nước cũng có tình trạng xe quá tải. Tại Thái Lan, Trung Quốc, tỉ lệ xe quá tải có khi tới 20-30%. Ở các nước cũng chỉ xử phạt tài xế bởi người lái xe luôn có quyền từ chối, không phải ai đề nghị chở gì cũng chở.

Tuy nhiên, các nước đã nghiên cứu giải pháp để hạn chế xe quá tải từ lâu, trong khi chúng ta còn làm theo kiểu tình thế, đối phó. Tiêu chuẩn về kiểm định cầu đường của chúng ta hiện còn thiếu nên mới dẫn đến việc lâu lâu thấy cầu này bị sập thì cầu kia gắn bảng cấm xe trên 20 tấn. Việc xử lý, hạn chế xe quá tải cần phải được các bộ ngành quan tâm nghiên cứu, điều chỉnh bất hợp lý trong quy định về quản lý giao thông vận tải cũng như xử phạt sao cho phù hợp, chính xác thì mới có hiệu quả.

NGỌC ẨN - CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp