Đà Nẵng đã hợp tác với các đối tác Nhật Bản xây dựng đề án “Tái chế chất thải hữu cơ thành phân bón dạng lỏng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch”, đến tháng 8-2014 dự án được sự chấp thuận tài trợ từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA. |
Và ngay cả khi băng băng trên chiếc xe máy qua những con đường đông đúc tôi vẫn cảm thấy sức sống tươi mới dưới bầu không khí trong xanh, thầm cảm ơn chính mình và mọi người cùng nhau tạo nên ngày hôm nay.
Đó là một bức tranh tươi sáng đầy màu xanh… nhưng giấc mơ đẹp ấy bỗng ngừng lại bởi tôi đang loay hoay giữa dòng xe tấp nập để cố vượt lên một chiếc xe ba gác máy bốc mùi chở đầy rác, bọc lớn bọc nhỏ được treo đầy phía đuôi xe.
Xe vẫn đang di chuyển, một ít rác rơi rớt, còn chất lỏng từ xe rỉ xuống mặt đường, còn có một người trên thùng xe đang cố phân loại rác để cho vào bọc.
Mọi người xung quanh có lẽ đang cố gắng nín thở như tôi ,chỉ mong sao chạy qua khỏi chiếc xe này và tránh va vào xe.
Đây không phải lần đầu tiên tôi gặp phải tình huống này mà xảy ra thường xuyên, khắp nơi trên các con đường, con hẻm.
Tôi không nêu ra để chỉ trích hay kỳ thị, bởi những nghề chân chính bằng sức lao động nào cũng cao quý và cũng đáng trân trọng. Nhưng điều quen thuộc tưởng chừng như bị lãng quên này gây ảnh hưởng không nhỏ, đó là sự ô nhiễm môi trường, đất, không khí, nước và cả việc làm mất mỹ quan đô thị.
Tôi hi vọng rác thải không còn là điều đáng lo ngại hay là nỗi ám ảnh đối với chúng ta trong tương lai. Nhưng để tạo ra một hành tinh xanh không chỉ cần có trách nhiệm của những nhà lãnh đạo mà còn sự chung tay vun đắp của mỗi người dân ngay từ bây giờ.
Những giải pháp xử lý rác thải cũng như việc bảo vệ môi trường mang tính khả thi cần được đề ra áp dụng và thực hiện từng bước một cách triệt để.
Cần nghiêm cấm các xe chở rác thô sơ, không an toàn và gây ô nhiễm như: xe ba bánh đẩy tay, xe ba bánh đạp, xe ba bánh/ba gác máy, bao gồm các phương tiện như xe máy, xe đạp thồ có đèo theo 3-4 thùng nhựa/ thùng phi để thu gom thức ăn thừa nuôi gia súc, gia cầm.
Công ty dịch vụ công ích chuyên nghiệp tư nhân và Nhà nước cần được rà soát lại và kiểm soát chặt chẽ bằng các hình thức giao khoán việc thu gom của mỗi công ty phụ trách từng khu vực. Nhưng trước khi thực hiện việc giao khoán, các công ty thu gom rác cần phải đạt được các tiêu chí và tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn.
Những người tham gia quá trình thu gom rác phải trải qua khóa đào tạo, huấn luyện một cách chuyên nghiệp như cách thức thu gom, an toàn vệ sinh, thái độ phục vụ, cách vệ sinh bảo quản thiết bị dụng cụ... và được cấp phát miễn phí dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết như đồng phục gắn logo/tên công ty, khẩu trang, găng tay và giày bảo hộ.
Bên cạnh đó, họ sẽ có đủ những lợi ích xứng đáng như một nhân viên phục vụ công ích là bảo hiểm xã hội, y tế, tai nạn, trợ cấp độc hại...
Đồng thời khuyến khích và tập trung những hộ gia đình thu gom rác tự do, nhỏ lẻ vào làm việc trong các công ty dịch vụ công ích chuyên nghiệp (bởi đối với một số người đây là nghề truyền từ đời này sang đời khác hoặc họ không biết công việc gì có thể làm ngoài việc thu gom rác).
Bên cạnh đó áp dụng quy định đối với xe thu gom rác như xe chuyên dụng, trọng tải xe, màu sơn (thường là xanh lá cây), in logo tên công ty trên xe thu gom rác, thời gian thu gom cố định (tránh các giờ cao điểm) được thông tin rộng rãi đến từng hộ gia đình.
Hiện nay các thùng rác ở bên ngoài mỗi hộ gia đình không nhiều, thay vào đó là những túi nilông chứa rác lớn nhỏ được chất đống và nằm rải rác trước nhà trên khắp con đường hoặc thậm chí rác không được cho vào túi khiến chúng bay tứ tung, khi trời mưa thì nổi lềnh bềnh.
Do đó việc cấp thùng đựng rác đồng bộ cần được xem xét, thùng đựng rác cần có hai bánh xe để tiện việc đẩy đến xe chở rác và được đánh số thứ tự trên mỗi thùng chứa rác nhằm dễ dàng kiểm soát.
Việc phân loại rác phải được thực hiện tại nguồn: đó là ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường qua việc bỏ rác đúng nơi quy định và phân loại rác thải của mỗi tổ chức, cá nhân cần được chú trọng nhiều hơn.
Ngoài ra, các công ty dịch vụ công ích cần tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cụ thể đến mỗi người dân biết cách phân loại rác thải tạo thuận lợi nhanh chóng, an toàn cho việc xử lý rác và tái chế rác.
Nhà nước cần quy định mức phạt cụ thể như: phạt tiền, lao động công ích đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường nói chung và phạt tù đối với các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, đây không chỉ là hình thức thức răn đe mà còn giúp nâng cao ý thức tự giác.
Khuyến khích và tuyên dương việc phát hiện những sai phạm. Thông tin rộng rãi đường dây nóng, hộp thư, email, website để mọi người có những phản ảnh kịp thời.
Giới hạn các bãi chứa rác: xóa bỏ hoàn toàn các bãi chứa rác nhỏ cạnh khu dân cư, sông ngòi, kênh rạch.
Mở rộng bãi chứa gần các nhà máy xử lý rác tạo thành một quy trình khép kín, thuận tiện cho việc xử lý và tái chế.
Học hỏi kinh nghiệm, công nghệ từ các nước khác và thu hút các nhà đầu tư để xử lý rác thải và hạn chế việc chôn lấp rác xuống đất, biến rác thành nguồn tài nguyên như: điện năng, dầu, phân bón, hệ thống sưởi, làm mát, vật dụng tái chế…
Việc xử lý rác sẽ góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ đất, không khí và nguồn nước.
Nhiều việc cần được thực hiện ngay từ bây giờ cùng với ý thức trách nhiệm, đó là cách chúng ta thể hiện lòng yêu nước và yêu hành tinh mà mình đang sống.
Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới. Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15-30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi). Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện hai nội dung: những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ). Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi. Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất. Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online. Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút. Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm năm tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và năm tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi). Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo). Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có năm giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có: - 1 giải nhất: 25.000.000 đồng - 1 giải nhì: 15.000.000 đồng - 1 giải ba: 10.000.000 đồng - 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015. Bạn đọc gửi bài dự thi qua đường bưu điện đến báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ [email protected]. Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận