Người dân chờ lấy nước từ xe bồn của Công ty Cấp nước Kiên Giang - Ảnh: Khoa Nam |
Chúng tôi giới thiệu ý kiến của các chuyên gia bàn giải pháp cho vấn đề này.
* Ông NGUYỄN VĂN TĂNG (giám đốc Công ty CP tư vấn và xây dựng thủy công Sông Cầu):
Chỉ một năm sẽ giải quyết được
Tôi đã trực tiếp thiết kế, thi công nhiều công trình hồ nước ngọt tại tỉnh Kiên Giang trong nhiều năm nên không ngạc nhiên lắm khi thấy báo chí đưa tin TP Rạch Giá bị thiếu nước ngọt. Nó xảy ra theo chu kỳ hằng năm, vào thời điểm mực nước sông Hậu thấp trùng hợp thời điểm mực nước triều biển Tây cao. Thời gian xảy ra hiện tượng này chỉ khoảng 10 - 20 ngày. Tới đây hiện tượng này vẫn sẽ tiếp tục xảy ra nữa.
Năm nay tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng hơn có lý do là nhu cầu dùng nước của khu vực TP Rạch Giá và vùng ven biển Kiên Giang ngày càng cao bởi sự gia tăng dân số khá nhanh, trong khi các công trình tạo nguồn nước ngọt chưa đáp ứng kịp.
Năm 2003, khi thiết kế mở rộng hồ điều tiết Vĩnh Thông 2 cấp nước cho thành phố Rạch Giá thì yêu cầu công suất cấp nước chỉ 35.000 m3/ngày đêm là đủ phục vụ cho 250.000 người.
Nay dân số TP này đã tăng lên khoảng 366.000 người (nguồn Wikipedia), tương ứng công suất cấp nước phải là 50.000 m3/ngày đêm mới đủ.
Tôi thấy thiên nhiên đã ưu đãi cho TP Rạch Giá nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung một nguồn nước ngọt rất dồi dào từ phía sông Hậu, chỉ cách kênh Rạch Giá - Hà Tiên 2km trong mùa mưa và khoảng 15km vào mùa khô. Có thể nói nguồn cấp nước ngọt cho tỉnh này rất gần và rất rẻ, trong khi nước sông Mekong được coi là vô tận với gần 500 tỉ m3/năm.
Cho nên chuyện thiếu nước ngọt như vừa rồi lỗi chủ yếu do con người. Việc cần làm bây giờ, theo tôi, là đầu tư nghiên cứu, lập và thực hiện các dự án tạo nguồn để khai thác nguồn nước quý giá gần như vô tận cho TP Rạch Giá và các vùng lân cận.
Về giải pháp cấp bách có thể thực hiện ngay, ai cũng thấy rõ quy mô công trình cấp nước cho TP Rạch Giá đã quá tải, cần phải mở rộng. Có giải pháp kỹ thuật rất dễ thực hiện là mở rộng hồ Vĩnh Thông 1, Vĩnh Thông 2 hoặc xây thêm hồ Vĩnh Thông 3. Song song đó là đào kênh Tà Tây sâu về phía nội đồng để tăng nguồn nước ngọt đưa về ba hồ nói trên.
Ngoài ra có thể xây thêm nhà máy nước ở khu vực Rạch Sỏi công suất khoảng 10.000 - 20.000 m3/ngày đêm để cấp nước cho phía nam TP Rạch Giá. Có một chút khó khăn khi thực hiện các giải pháp này là vốn đầu tư cũng lớn. Nếu có vốn, không tính đến công tác chuẩn bị kỹ thuật, thì chỉ mất chừng một năm là xây dựng xong các công trình này. Tôi chắc chắn khi đó bài toán thiếu nước ngọt của TP Rạch Giá sẽ được giải quyết ổn thỏa.
Theo tôi được biết Bộ NN&PTNT đã đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn ven biển Tây, từ cống Cầu số 2 đến cống Ba Hòn; đồng thời nạo vét và đào thêm các kênh thuộc tứ giác Long Xuyên hút nước ngọt ra sát biển Tây. Nếu vận hành tốt các công trình này (khi hoàn thành) sẽ không quá lo việc nước mặn xâm nhập và thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vùng từ phía trong kênh Rạch Giá - Hà Tiên đến sông Hậu.
* Ông HỒ LONG PHI (giám đốc Trung tâm nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM):
Dời điểm lấy nước ở Rạch Giá
Với tốc độ phát triển đô thị như hiện nay, không chỉ Rạch Giá, Hà Tiên (Kiên Giang) mà dân cư các vùng phụ cận có nhu cầu sử dụng nước ngọt ngày càng cao. Nhưng với tình trạng biến đổi khí hậu, việc xâm nhập mặn trên tuyến kênh Long Xuyên - Rạch Giá, nơi cung cấp nguồn nước thô cho Nhà máy Rạch Giá, ngày càng sâu hơn và diễn ra trầm trọng hơn nên nguy cơ thiếu nước ngọt đã từng xảy ra và dự báo còn căng thẳng hơn trong thời gian tới.
Việc cấp nước ngọt ở Kiên Giang hiện nay là nhu cầu bức thiết nên cần có giải pháp mang tính cấp bách chứ không thể trông chờ vào các dự án lớn.
Đối với dự án xây đê biển trên vịnh Rạch Giá, muốn làm được phải chục năm nữa vì từ khâu duyệt quy hoạch, dự án đến công tác triển khai mất rất nhiều thời gian, đó là chưa kể nguồn vốn khổng lồ như vậy không phải chuyện đơn giản và những vấn đề khác về môi trường sinh thái.
Vì vậy giải pháp trước mắt cần dịch chuyển điểm lấy nước trên kênh Long Xuyên - Rạch Giá về phía thượng nguồn nhằm hạn chế tình trạng xâm nhập mặn trong vòng nhiều năm tới.
Đối với giải pháp này, cần xem qua bản đồ dự báo ranh mặn trong thời gian qua do cơ quan dự báo khí tượng thủy văn thực hiện để chọn vị trí thích hợp, tránh việc phải đầu tư đường ống quá dài (để nối về nhà máy xử lý nước hiện tại - PV) và hạn chế chuyện điểm lấy nước nằm trong ranh mặn. Việc đầu tư điểm lấy nước này có thể tốn vài chục tỉ đồng, thậm chí hơn 100 tỉ đồng nhưng vẫn khả thi và hiệu quả hơn các dự án tốn cả tỉ USD, mất hàng chục năm chưa chắc đã thực hiện được.
Đề xuất của bạn đọc Liên quan đến đề xuất xây hồ nước ngọt trên vịnh Rạch Giá, ý kiến phản hồi của nhiều bạn đọc cho rằng cần được nghiên cứu thêm, trước mắt phải có giải pháp khả thi giải quyết sớm tình trạng thiếu nước ở Rạch Giá. Bạn đọc Trần Phong Quang đề xuất: “Tôi là người Rạch Giá. Tôi thấy giải pháp dễ làm nhất là dùng ống dẫn nước ngọt từ Long Xuyên về Rạch Giá là gọn nhất. Các phương án trên nếu thực hiện được thì phải đòi hỏi thời gian và kéo theo nhiều hệ lụy khác, thí dụ như di dời bến tàu Rạch Giá - Phú Quốc, cảng cá Tắc Cậu, nước thải cả vùng Rạch Giá đang đổ trực tiếp ra biển...”. Cũng cùng quan điểm này, bạn đọc Phạm Sanh cho rằng: “Lấp vịnh, phá vỡ hình thái bờ biển môi trường tự nhiên là ý tưởng tốt cho các dự án bất động sản hơn là cho dự án "thủy lợi". Nên cứu người dân Rạch Giá trong những năm tới đây trước mắt bằng các giải pháp hồ chứa bình thường ở thượng nguồn”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận