13/09/2009 03:10 GMT+7

Giải quần vợt Mỹ mở rộng 2009: Những làn gió tươi trẻ

TẤN PHÚC (Theo Reuters, Goal, US Open)
TẤN PHÚC (Theo Reuters, Goal, US Open)

TT - Tuy Kim Clijters đang gây đình đám khi trở lại đầy ấn tượng, nhưng những bất ngờ từ các tay vợt tuổi teen mới chính là làn gió tươi trẻ đem đến sự hấp dẫn cho giải.

TT - Tuy Kim Clijters đang gây đình đám khi trở lại đầy ấn tượng, nhưng những bất ngờ từ các tay vợt tuổi teen mới chính là làn gió tươi trẻ đem đến sự hấp dẫn cho giải.

Dù có thể không đạt được những thành tích cao nhất bởi sự thống trị của những tên tuổi lớn như chị em nhà Williams, Caroline Wozniacki... nhưng các tay vợt trẻ này đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng người hâm mộ.

“Lọ lem” Melanie Oudin

Tuy bị chặn đứng ở vòng tứ kết nhưng đây vẫn là một kết thúc đẹp cho “lọ lem” Oudin - tay vợt chỉ còn cách tuổi 18 mười ngày.

Là người Mỹ gốc Pháp, từ nhỏ cô đã thần tượng Justine Henin nên quyết định bỏ học ở năm lớp 7 để chuyên tâm với quần vợt. Tuy từng được xếp hạng 2 trẻ thế giới và chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp từ năm 2008 nhưng Oudin, hạng 70 thế giới, không được nhiều người biết đến khi bị che lấp dưới cái bóng quá lớn của chị em nhà Williams.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi 180O trong một tuần qua. Từ một cô gái chẳng ai nhớ, Oudin trở thành một đề tài nóng bỏng của giới truyền thông và là con cưng của người hâm mộ Mỹ. Trên đường tiến của mình, Oudin là khắc tinh của quần vợt Nga khi lần lượt đánh bại Maria Sharapova, hạt giống số 4 Elena Dementieva và hạt giống số 13 Nadia Petrova. Đặc biệt, ba trong bốn chiến thắng của Oudin đều là lội ngược dòng sau khi bị dẫn trước 0-1.

Ấn tượng lớn nhất của Oudin trong lòng người hâm mộ chính là tài năng và ý chí không bao giờ chịu khuất phục. Cụ thể, trong trận gặp Dementieva ở vòng 2. Sau khi thua ván đầu 5-7, Oudin nỗ lực thắng lợi 6-4 ở ván thứ hai. Ở ván thứ ba, do bất ngờ bị căng cơ đùi nên Oudin phải thi đấu với đùi trái băng trắng. Dù rất đau đớn trong mỗi bước chạy nhưng Oudin vẫn tiếp tục chiến đấu và giành thắng lợi chung cuộc 2-1 trong sự hò reo phấn khích của khán giả Mỹ.

Cây bút bình luận quần vợt Christopher Clarey thốt lên: “Chúng ta, những người Mỹ, đã mong chờ ngày này quá lâu. Đó mới chính là yếu tố giúp giải Mỹ ngày càng được yêu thích. Một kết thúc quá tuyệt vời cho quần vợt Mỹ. Melanie Oudin là ngôi sao nhỏ nhưng lại là đối thủ lớn của Justine Henin ở ý chí không bao giờ đầu hàng”.

Màn trình diễn quá ấn tượng này đã tạo ra “cơn sốt Oudin” tại Mỹ. Tiếng tăm Oudin nổi như cồn khiến các nhà tài trợ của cô vô cùng mừng rỡ. Hai hãng dụng cụ thể thao đang tài trợ cho Oudin là Adidas và Wilson được cho là đã vớ phải món hời.

Theo tờ SportsBusiness Journal, nửa giờ trước trận tứ kết, Oudin đã đặt bút ký một hợp đồng tài trợ với BackOffice, một công ty kỹ thuật có trụ sở tại Massachusetts, Mỹ. Giáo sư thương mại thể thao của Trường ĐH Coventry Simon Chadwick ước tính thành công tại giải có thể sẽ mang về cho Oudin không dưới 1 triệu USD từ các nhà tài trợ.

Yanina Wickmayer vươn lên từ nỗi đau mất mẹ

Khi bài báo này đến tay độc giả, có lẽ trận bán kết đơn nữ giữa Yanina Wickmayer và hạt giống số 9 người Đan Mạch Caroline Wozniacki đã kết thúc. Dù thắng hay thua, tay vợt 20 tuổi người Bỉ Wickmayer đã gây được tiếng vang lớn và thổi luồng gió tươi mát vào giải Grand Slam cuối cùng trong năm.

Vài ngày sau khi chứng kiến mẹ mình mất sau hai năm chống chọi với căn bệnh ung thư, cô bé 9 tuổi Yanina Wickmayer xin cha rời khỏi nước Bỉ. Cô muốn trốn những khung cảnh quen thuộc cũ, nơi mà cô từng chứng kiến mẹ chống chọi với căn bệnh ung thư trước khi quỵ ngã. Từ đây Wickmayer tự trang bị cho mình đầy đủ dụng cụ để theo học Học viện Quần vợt Saddlebrook để trở thành một tay vợt chuyên nghiệp. Thương con, Marc bán công ty kinh doanh thiết bị hồ bơi và hai cha con đến Florida.

Wickmayer dồn nỗi đau vào những giờ tập luyện cật lực trên sân. Sau hai năm rưỡi ở Mỹ, cha con Wickmayer quyết định trở về Bỉ. 20 tuổi, Wickmayer đã có năm mùa bóng thi đấu chuyên nghiệp. Cô đã leo lên hạng 50 thế giới và là tay vợt số 1 nước Bỉ hiện nay trên bảng xếp hạng Hiệp hội Quần vợt nữ thế giới (WTA).

Nhưng mãi đến năm 2008, Wickmayer mới bắt đầu gặt hái những thành công đầu tiên trong sự nghiệp khi giành á quân Giải DFS Classic tại Birmingham. Trước đó, giới chuyên môn nhận định Wickmayer chỉ là một tay vợt tuổi teen có khát vọng lớn nhưng thành tích chẳng có gì đặc biệt. Đến nay, tổng số tiền thưởng Wickmayer giành được trước khi tham dự Giải Mỹ mở rộng 2009 chỉ vào khoảng 412.000 USD.

Từ đầu năm đến nay, Wickmayer vô địch Giải Estoril Open và á quân giải Ordina Open. Nhưng đỉnh cao là việc Wickmayer được bước vào sân Arthur Ashe danh tiếng để đánh trận bán kết với hạt giống số 9 người Đan Mạch Caroline Wozniacki. Wickmayer nói: “Chơi bán kết một giải Grand Slam thật khó tin. Trước đây thành tích tốt nhất của tôi chỉ là vòng 2”.

Thật ra, Wickmayer có phần may mắn khi chưa gặp phải đối thủ nào quá lớn từ đầu giải, trừ hạt giống số 16 Virginie Razzano. Không mạnh mẽ như Oudin nhưng Wickmayer lại rất kiên trì trong những pha giằng co từ cuối sân và luôn khiến đối phương phải vất vả với những cú đánh chính xác, mạnh mẽ ở hai biên.

TẤN PHÚC (Theo Reuters, Goal, US Open)

TẤN PHÚC (Theo Reuters, Goal, US Open)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp