làm nơi để xe thì lối đi nào cho người đi bộ? (ảnh chụp tại đường Hàn Thuyên, Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Đông
Nếu một nửa số người đi xe cá nhân chuyển qua đi xe buýt thì kẹt xe, ô nhiễm sẽ giảm. Trở ngại lớn nhất cho người đi bộ kết hợp với xe buýt là nạn lấn chiếm vỉa hè trái phép.
Vỉa hè bị lấn chiếm là một trong các nguyên nhân cản trở thói quen đi bộ, đồng nghĩa với việc khó thu hút hành khách đi xe buýt, khó giảm xe cá nhân.
Ở TP.HCM, hầu hết các tuyến đường có vỉa hè đều bị cơi nới mái hiên, che bạt, dựng bảng hiệu, kê bàn ghế, đậu xe chật kín...
Những nhà hàng sang trọng cũng trưng dụng vỉa hè làm của riêng, cử bảo vệ canh giữ, sẵn sàng xua đuổi những ai có thể làm ảnh hưởng đến việc buôn bán, kinh doanh của họ.
Nhiều tuyến đường mới thông thoáng, xanh và sạch, người dân thường đi bộ, tập thể dục buổi sáng, hóng mát buổi tối... Thời gian sau, hình ảnh đó không còn do vỉa hè bị chiếm dụng.
Ví dụ như đường Phạm Văn Đồng đi qua bốn quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức.
Lực lượng kiểm tra xử lý chiếm dụng vỉa hè có nơi làm quyết liệt, có nơi gần như không làm gì hoặc làm theo đợt. Chuyện giải quyết lấn chiếm vỉa hè là chuyện dài, lâu lâu rộ lên rồi... đâu lại vào đấy!
Vỉa hè bị chiếm, người đi bộ đi lối nào? Nhiều người hi vọng các tuyến metro sẽ vận tải hành khách với khối lượng lớn, giúp giải quyết nhu cầu vận chuyển công cộng.
Từ nay đến lúc ấy, làm sao để người dân bỏ xe cá nhân, chuyển qua sử dụng phương tiện công cộng khi vỉa hè khắp nơi vẫn bị chiếm dụng? Giải quyết dứt điểm nạn chiếm dụng vỉa hè, nâng cấp, mở rộng vỉa hè là chuyện cần làm ngay.
Theo tôi, nên thí điểm hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm thành phố, nơi thường kẹt xe rồi nhân rộng dần. Nên chọn những tuyến đường có vỉa hè đủ rộng, phát triển xe buýt tiện nghi, an toàn, sạch sẽ, quyết liệt với nạn chiếm vỉa hè.
Cần có thêm thật nhiều con phố để người đi bộ đi hằng ngày, đi làm, đi học, mua sắm... chứ không chỉ phục vụ du khách như vài phố đi bộ hiện có.
Bên cạnh đó, cần thêm các giải pháp tạo thuận lợi hơn cho thói quen đi bộ: dẹp tình trạng đậu xe sai quy định, giảm bãi giữ xe, tăng giá vé giữ xe, phí đậu xe cá nhân...
Giảm xe cá nhân, không chỉ đòi hỏi sự hợp tác từ người dân mà còn từ các cơ quan, ban ngành thuộc Nhà nước bằng chính sự quyết liệt trong việc tìm giải pháp quản lý hiệu quả, trước hết là giải phóng vỉa hè.
Sao không học Myanmar?
Thành phố Yangon (Myanmar), nơi có nhiều ngõ hẻm khá giống TP.HCM, có lượng xe cá nhân rất lớn nhưng có đường riêng cho xe buýt, công chức đi làm bằng xe buýt, đường phố thông thoáng… Người dân hưởng ứng, nhờ vậy đã hạn chế hẳn lượng xe cá nhân từ năm 2009.
Lúc đó, thành phố này chưa có tàu điện ngầm, thiếu bến bãi đậu xe, xe buýt còn khá cũ kỹ, hệ thống cầu đường cũng không hơn TP.HCM hiện nay.
Thành phố Yangon đã làm và thành công, lẽ nào không thể áp dụng hoặc không thể làm được ở TP.HCM?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận