Chợ tự phát tràn ra đường trước cổng Khu chế xuất Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: B.ÂN |
Hằng ngày trên đường đi làm, tôi vẫn thường đi qua những chợ tự phát dọc đường.
Điểm tiện lợi của chợ lề đường thì ai cũng công nhận: không mất công gửi xe, chỉ cần tạt vào lề đường chọn vài mớ rau, rổ cá hấp, vài lạng thịt… là đủ tạm yên tâm cho bữa ăn hằng ngày.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của các chợ lề đường này đến giao thông là không nhỏ. Nhiều quầy hàng lấn ra lòng đường và mỗi khi thấy bóng dáng của nhân viên trật tự đô thị, các chủ hàng vội vã chạy ra bưng hết các rổ rau, rổ trái cây… đem vào khu vực bên trong đúng luật để tránh bị thu gom. Tương tự là những quán cà phê cóc, quán nước lề đường.
Nhìn những giọt nước mắt của những chị bán cà phê, chị hàng rau mỗi khi bị tịch thu hàng hóa, bàn ghế… ai cũng chạnh lòng.
Nhưng phải nhìn nhận một điều rằng những chợ, hàng quán như vậy làm ảnh hưởng đến giao thông rất nhiều. Người đi bộ phải đi xuống lòng đường, xe cộ phải tránh, gây ùn tắc giao thông…
Chúng ta hiện nay dường như chỉ mới có một giải pháp duy nhất cho vấn đề này: lực lượng chức năng bắt quả tang, tịch thu và phạt.
Về phía người kinh doanh, họ vẫn vi phạm và đối phó với việc bị tịch thu và phạt là bưng chạy để tránh bị bắt quả tang, bị bắt thì năn nỉ và khóc, bị phạt thì nộp phạt và sau lưng thì chửi!
Như một cái vòng luẩn quẩn: vi phạm thì bị tịch thu hàng hóa, bị tịch thu thì khóc, lên án sự thiếu thấu hiểu của lực lượng chức năng, sau đó lại tiếp tục vi phạm.
Và quan hệ vi phạm - phạt này chỉ gói gọn trong hai đối tượng: lực lượng chức năng và người kinh doanh.
Người sở hữu mặt bằng coi như vô can đối với ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề lấn chiếm lòng lề đường của người thuê hoặc ngồi nhờ mặt bằng, trong khi thực tế nếu không được phép của chủ mặt bằng, không ai có thể bày hàng ra bán.
Từ góc nhìn của một người dân mong muốn đường phố luôn thông thoáng, bà con tiểu thương kinh doanh yên tâm buôn bán không lo sợ bị tịch thu hàng hóa vật dụng của mình, tôi thiết nghĩ chính quyền nên:
- Quy định phần lề đường được phép lấn chiếm (rộng hay hẹp tùy thuộc diện tích lề đường), người kinh doanh tự tìm ra giải pháp để bảo đảm trưng bày đủ các mặt hàng của mình (ví dụ kệ nhựa nhiều tầng tháo lắp được cho các quầy ở chợ lề đường).
- Có quy định xử phạt cho cả người kinh doanh và người cho thuê mặt bằng kinh doanh nếu lấn chiếm quá phần diện tích được phép sử dụng.
- Mời hộ kinh doanh và người cho thuê mặt bằng lên giải thích rõ giải pháp mới để cả hai đối tượng này hiểu được trách nhiệm của mình.
Như vậy, chính quyền tạo được cho người dân một “hành lang” trên lề đường để làm ăn sinh sống, và người dân cũng phải có ý thức về trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, đối với chính hoạt động mưu sinh của mình.
Mong lắm một xã hội không còn cảnh người rượt đuổi người rất phản cảm giữa thời bình - dù đó là nhiệm vụ giữ gìn trật tự văn minh đô thị, không còn cảnh những đôi mắt âu lo đỏ hoe vì mất hàng, mất vật dụng của người dân nghèo mưu sinh trên lề đường.
Và mong nhất là ý thức vì một xã hội văn minh hơn của người dân được nâng cao.
Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Đinh Thanh Phương. Mời bạn cùng tham gia ý kiến, chia sẻ quan điểm của mình qua email [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận