Học sinh TP.HCM - Ảnh: H.HG
* Tôi muốn hỏi khi đi học, học sinh có phải đeo khẩu trang suốt trong thời gian ở trường hay không? Nhà tôi có cháu đang học mẫu giáo, ít chịu đeo khẩu trang. Vậy giải pháp nào để đảm bảo an toàn cho các cháu?
Thu Hương (huyện Nhà Bè, TP.HCM)
- Theo kế hoạch tổ chức cho học sinh đi học trở lại Sở GD-ĐT TP.HCM vừa mới ban hành, tất cả học sinh phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 12) đều phải đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm việc đo thân nhiệt, rửa tay, khai tờ khai y tế. Phụ huynh, người thân đưa đón con em cũng phải đeo khẩu trang ngay từ cổng trường.
Khi đi học lại, mỗi học sinh được cấp 9 khẩu trang trong vòng 3 tháng (mỗi tháng 3 cái). Đây là loại khẩu trang vải kháng khuẩn, có thể giặt và tái sử dụng 10 lần. Các trường sẽ nhận khẩu trang đến ngày 2-5 để kịp phát cho tất cả học sinh trong ngày đầu tiên đi học trở lại.
Riêng với học sinh mầm non, thành phố không yêu cầu các em đeo khẩu trang. Thay vào đó, khuyến khích cho trẻ sử dụng khăn giấy ướt thay cho khăn lau mặt. Các cơ sở giáo dục mầm non không tổ chức ăn sáng cho trẻ.
Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các cơ sở mầm non khử khuẩn, vệ sinh môi trường lớp học, đồ dùng, đồ chơi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, vịn lan can.
Sở GD-ĐT TP yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục phải tập trung toàn bộ cán bộ giáo viên, nhân viên vào ngày 2-5 để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường. Các hoạt động cụ thể như: thực hiện khai báo y tế, rà soát kết quả đánh giá bộ tiêu chí an toàn trong trường học, tập huấn, các phương án phòng chống dịch, vệ sinh khử khuẩn trường lớp, đồ dùng dạy học và sinh hoạt.
* Tôi là giáo viên tiểu học ở TP.HCM, thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng nên trước nay tôi chưa từng phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Tháng 1- 2019, chúng tôi được nhận khoản thu nhập tăng thêm quý 2, 3 và 4-2018 (9 triệu đồng/quý) và được nhận trọn, chưa khấu trừ thuế. Tháng 3-2020, nhà trường quyết toán thuế TNCN 2019, nhiều người phải nộp thêm tiền thuế. Đang mùa dịch, chúng tôi được yêu cầu nộp đủ tiền mặt một lần để trường quyết toán thuế. Số tiền truy thu với nhiều người bằng cả tháng lương. Vì sao không trừ dần vào lương những tháng sau? Cách làm ở trường tôi có đúng không?
Cô T. (giáo viên tiểu học tại TP.HCM)
- Đại diện Cục Thuế TP.HCM: Theo quy định của Luật thuế TNCN, thu nhập phát sinh tại thời điểm nào thì nộp thuế tại thời điểm đó. Cô T. nhận khoản thu nhập tăng thêm của ba quý năm 2018 vào tháng 1-2019 nên được tính là khoản thu nhập trong năm 2019. Theo đúng quy định, trước khi trả khoản thu nhập này cho giáo viên, trường phải tính toán và tạm thu thuế TNCN của các giáo viên và nộp vào ngân sách.
- Ông Nguyễn Đức Nghĩa (chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP.HCM): Điều 101 Bộ luật lao động 2013 có quy định rõ về mức khấu trừ tiền lương.
Theo đó, mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập.
Như vậy, mức khấu trừ để truy thu thuế của cô T. chỉ nên khoảng 1,5 triệu đồng/tháng đến khi thu đủ thuế. Ngay mùa dịch, giáo viên đã nghỉ dạy suốt 4 tháng qua mà yêu cầu phải nộp tiền mặt cho đủ số thuế TNCN còn thiếu (dù lỗi do đơn vị chi trả không tạm khấu trừ) là không ổn. Nếu trước đây trường đã không thực hiện việc khấu trừ, thông thường cách làm của các đơn vị chi trả khác là ứng tiền để nộp cho cơ quan thuế và thực hiện truy thu lại theo cách như trên đến khi đủ thuế. Tôi cho rằng đó là cách làm vừa đúng vừa có tình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận