13/10/2016 18:00 GMT+7

Giải Nobel Văn chương 2016 tôn vinh ​Bob Dylan

NGUYỄN QUÂN - TUẤN SƠN
NGUYỄN QUÂN - TUẤN SƠN

TTO - Viện Hàn lâm Thụy Điển vừa quyết định trao tặng giải Nobel Văn chương 2016 cho nhạc sĩ, ca sĩ Bob Dylan.

Nhạc sĩ, ca sĩ, nhà văn Bob Dylan - Ảnh: Reuters

>> Văn đàn Việt "sốc" và lý giải chuyện Bob Dylan đoạt Nobel

>> Bob Dylan: "Không thành thật với tim mình, bạn sẽ thất bại"

>> Xem Bob Dylan hát ở Việt Nam: nhờ vậy mà tui trẻ mãi không già đó nhe!

Theo công bố của Viện Hàn lâm Thụy Điển vào lúc 13g ngày 13-10 (tức 18g, giờ VN), nhạc sĩ, ca sĩ Bob Dylan đã được vinh dự nhận giải cho những phát kiến của ông về biểu đạt thơ ca trong truyền thống âm nhạc đồ sộ của Mỹ.

Đây cũng là một kết quả khá bất ngờ bởi ông không nằm trong số những nhà văn tên tuổi được dự báo sẽ thắng giải. Như Tuổi Trẻ đã thông tin, "lãng tử du ca" Bob Dylan (nghệ danh của nghệ sĩ người Mỹ Robert Allen Zimmerman) lọt vào top 10 ứng cử viên được phỏng đoán cao nhất cũng là điều gây nhiều chú ý. Từ tỉ lệ 50/1 tuần trước, tỉ lệ cá của Bob Dylan đã vươn lên 16/1 trong hôm nay.

Bob Dylan sinh ngày 24-5-1941 tại Duluth, bang Minnesota (Mỹ). Ông lớn lên trong một gia đình Do Thái trung lưu ở thành phố Hibbing. Thời niên thiếu Dylan chơi trong nhiều ban nhạc khác nhau và chúng đã nuôi dưỡng sâu sắc thêm niều vui thú với âm nhạc trong con người ông, đặc biệt là với âm nhạc dân gian Mỹ (American folk music) và nhạc blues.

 

“Trong vòng 55 năm qua, ông chưa từng ngưng hoạt động nghệ thuật và vẫn luôn tự khám phá những khía cạnh mới của bản thân để tạo nên những bản sắc mới”
Bà Sara Danius, Thư ký thường trực của Ủy ban Nobel

Ngày nay nhạc sĩ, ca sĩ Dylan đã được xem là một tượng đài nghệ thuật có sức ảnh hưởng lớn đến âm nhạc đương đại và là đối tượng trích dẫn thường xuyên (trong các nghiên cứu, bài báo).

“Trong vòng 55 năm qua, ông chưa từng ngưng hoạt động nghệ thuật và vẫn luôn tự khám phá những khía cạnh mới của bản thân để tạo nên những bản sắc mới”, bà Sara Danius, Thư ký thường trực của Ủy ban Nobel, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Bob Dylan có xứng đáng được nhận giải Nobel Văn chương hay không.

"Ông ấy là một nhà thơ vĩ đại trong nền văn học Anh ngữ", bà Danius khẳng định.

“Nếu bạn quay ngược về quá khứ 2.500 năm về trước, bạn sẽ thấy Homer và Sappho đã viết nên những tác phẩm sử thi dùng để lắng nghe và trình diễn cùng với các nhạc cụ, nhưng đến ngày nay các tác phẩm của họ vẫn được đọc và thưởng thức như một tác phẩm văn học. Bob Dylan cũng vậy. Người ta có thể, và nên đọc những tác phẩm của ông”, bà Danius giải thích.

Theo một khảo sát ngắn được thực hiện trên website chính thức của giải Nobel, 70% người truy cập đã từng biết đến Bob Dylan và các sáng tác của ông.

Bob Dylan trong buổi trình diễn The Hop Festival ở Paddock Wood, Kent ngày 30-6-2012 - Ảnh: Reuters

"Điều đáng kể ở Bob Dylan, chính là cách ông ấy tiếp cận ngôn từ, suy nghĩ về ngôn từ và làm biến đổi ngôn từ", nhà báo Greil Marcus, người từng có 3 quyển sách viết về nhạc sĩ, ca sĩ Dylan, ngợi khen.

Nhà phê bình âm nhạc người California (Mỹ) nhận định tiếp: "Người ta thường nói rằng tài năng bậc nhất của Bob Dylan chính là việc gieo rắc sự lờ mờ trong tâm trí. Kế đến, người ta thường kể về ông ấy như một con quái vật đeo nhiều mặt nạ, hoặc như một con tắc kè luôn biến đổi màu hoặc thậm chí ông ấy không có danh tính". 

"Ông ấy là nhân vật mà người ta thường thêu dệt đủ điều, đủ chuyện mà trong một số trường hợp cũng không phải là chính xác. Tôi còn nhớ ca sĩ Bobby Darin từng tuyên bố 'Tôi muốn trở thành một huyền thoại ở tuổi 25'. Bobby không bao giờ làm được điều đó, nhưng Bob Dylan thì có", Greil Marcus kết luận.

Với 27 trên tổng số 112 tác giả từng nhận giải Nobel Văn chương sáng tác chủ yếu bằng tiếng Anh, đây là ngôn ngữ sáng tác phổ biến nhất của các tác giả được trao giải thưởng này.

Thể loại sáng tác thông dụng nhất của các nhà văn, nhà thơ từng đoạt giải Nobel là văn xuôi vì có đến 76 nhà văn sáng tác chủ yếu ở thể loại này.

Bob Dylan năm 1966 - Ảnh: The Guardian
Bob Dylan năm 1966 - Ảnh: The Guardian

Giải ghi nhận cả đời sáng tác

So với các giải Nobel khác, những nhà văn, nhà thơ đoạt giải Nobel là “già” nhất, với tuổi đời trung bình lúc nhận giải là 65 tuổi.

Cho đến nay tác giả lớn tuổi nhất được nhận Giải Nobel Văn chương là Doris Lessing, nữ nhà văn người Anh này đã 88 tuổi khi được công bố là người nhận giải năm 2007. Người trẻ nhất được nhận giải cũng là nhà văn Anh (nhưng sinh trưởng ở Bombay, Ấn Độ): Rudyard Kipling. Ông 42 tuổi khi được trao giải năm 1907. Ông là nhà văn viết tiếng Anh đầu tiên được trao giải Nobel.

Mặc dù Kipling có đến Stockholm nhận giải, nhưng ông không được đọc diễn văn vì trước đó hai ngày, Vua Oscar Đệ nhị của Vương quốc Thụy Điển qua đời nên bữa tiệc chiêu đãi những người được giải thưởng đã bị… hủy bỏ.

Năm 1913, giải Nobel văn chương được trao cho nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore. Đây là lần đầu tiên giải thưởng được dành cho một tác giả châu Á. Vinh dự lớn lao nhưng khi nhận được tin vui, nhà thơ Tagore đang ở Mỹ nên ông chỉ có thể gửi một bức điện ngắn để cảm ơn chứ không thể đến Thụy Điển nhận giải được.

Có một điều thú vị là cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill thường bị nhầm là đã đạt giải Nobel Hòa bình trong khi giải Nobel mà ông được nhận lại là… Nobel Văn chương. Dù là một chính trị gia, ông lại nhận được đến 21 đề cử cho giải Nobel Văn chương trong giai đoạn 1945-1953 và chỉ vỏn vẹn 2 đề cử cho giải Nobel Hòa bình.

Nhà văn Bernard Show, người Anh gốc Ireland, từng gây sóng gió khi hay tin mình được trao giải Nobel năm 1925 ở tuổi 69. Ông đã phát biểu cảm tưởng đại ý giải thưởng như "chiếc phao ném cho ông khi ông đã vào tới… bờ", và rằng, đó là "sự cảm ơn của thế giới vào cái năm tôi không cho ra đời một cuốn sách nào".

Ông là một trong số ít người dám lên tiếng từ chối nhận tiền thưởng vì ông thấm thía nỗi cơ cực vì túng thiếu của người cầm bút khi mới khởi nghiệp. Ông đã dùng tất cả số tiền thưởng (trị giá 35.000 USD vào năm ấy) để thành lập "Quỹ văn học dành cho tác giả viết kịch".

Năm 2015, nữ văn sĩ người Belarus Svetlana Alexievich, người kể những câu chuyện lịch sử bi thương của hàng ngàn nạn nhân sống sót sau vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, được vinh dự nhận giải Nobel văn chương. Bà trở thành nữ nhà văn thứ 14 nhận giải thưởng danh giá kể từ khi giải này được trao vào năm 1901.

Sự quan tâm của tôi đối với cuộc sống không đơn thuần chỉ là sự kiện, không đơn thuần chỉ là chiến tranh, không đơn thuần chỉ là Chernobyl và không đơn thuần là sống - chết. Những gì mà tôi quan tâm luôn xảy ra bên trong mỗi con  người, xảy ra trong thời đại của chúng ta. Cách mà con người cư xử và đối đãi với nhau"
Svetlana Alexievich viết trên trang web cá nhân
Nữ nhà văn Belarus Svetlana Alexievich nhận giải Nobel năm 2015 - Ảnh: Reuters

Khó diễn giải bản di chúc của Alfred Nobel

Do cách giải thích có phần cứng nhắc về bản di chúc của Alfred Nobel trong thời gian đầu rằng giải Nobel Văn chương chỉ trao cho những tác giả có “sáng tác xuất sắc nhất theo một chiều hướng lý tưởng” mà nhiều nhà văn xuất sắc lúc bấy giờ như Leo Tolstoy, James Joyce, hay Henry James chưa từng được xướng tên ở giải thưởng này.

Theo cách dùng từ trong di chúc của Alfred Nobel, tác phẩm xuất sắc nhất phải theo khuynh hướng duy tâm (nguyên văn tiếng Thụy Điển: "den som inom litteraturen har producerat det utmärktaste i idealisk riktning"). "Tác phẩm" ở đây có thể là toàn bộ sự nghiệp sáng tác của người được trao giải hoặc là một số tác phẩm riêng biệt được nêu trong phần lý do trao tặng. 

Câu trích dẫn trong di chúc của Nobel về giải thưởng này đã dẫn đến nhiều tranh cãi. Trong tiếng Thụy Điển, từ idealisk vừa có thể hiểu là duy tâm (idealistic), vừa có thể hiểu là lý tưởng (ideal). Vì vậy trong giai đoạn đầu của Giải Nobel Văn chương, Ủy ban Nobel đã gặp nhiều lúng túng trong việc lựa chọn người xứng đáng và đã bỏ qua nhiều nhà văn nổi tiếng thế giới như Lev Tolstoy hay Henrik Ibsen, với lý do là tác phẩm của các tác giả nhà chưa đủ "duy tâm".

Tuy nhiên trong giai đoạn sau, nguyên tắc cứng nhắc này đã được nới lỏng và người được nhận giải thưởng thường đều là những tác giả được thế giới công nhận.

Hàng năm Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ gửi các đề nghị đề cử những tác giả theo họ là xứng đáng được trao Giải Nobel Văn chương. Ngoài các viện sĩ của Viện Hàn lâm Thụy Điển thì thành viên của các hội và viện hàn lâm văn học, giáo sư văn học và ngôn ngữ, những người từng được trao giải thưởng này và chủ tịch các hiệp hội nhà văn cũng được quyền đề cử, tuy nhiên họ không được quyền đề cử bản thân mình.

Năm 1974, ba tác giả nổi tiếng thế giới là Graham Greene, Vladimir Nabokov và Saul Bellow đều được đề cử, nhưng giải thưởng lại lọt vào tay các tác giả người Thụy Điển ít tên tuổi hơn là Eyvind Johnson và Harry Martinson, vốn cũng nằm trong ủy ban xét tặng giải thưởng này.

Sau đó Saul Bellow được trao giải năm 1976 nhưng Greene và Nabokov thì không bao giờ được xét tặng giải thưởng này nữa.

Người được tặng Giải Nobel Văn chương năm 1997 là Dario Fo thoạt tiên chỉ được một số nhà phê bình coi là một ứng cử viên nặng ký vì tác giả này thường được biết đến như một diễn viên hơn là một nhà văn. Chưa kể Giáo hội Công giáo Roma cũng từng chỉ trích tác phẩm của Fo.

Theo nhà xuất bản của Dario Fo ở London (Anh) thì Salman Rushdie và Arthur Miller mới là những người được dự đoán sẽ giành giải, tuy nhiên ban tổ chức đã tuyên bố rằng hai nhà văn này là "quá dễ dự đoán và quá phổ biến"!

Lựa chọn của Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải thưởng năm 2004 cho nữ nhà văn Áo Elfriede Jelinek, cũng đã bị chỉ trích từ ngay trong thành phần viện sĩ của Viện. Ông Knut Ahnlund - người không còn thực sự hoạt động ở Viện Hàn lâm từ năm 1996 - đã từ chức và nói rằng việc lựa chọn bà Jelinek đã gây ra những thiệt hại không thể bù đắp được cho danh tiếng của giải.

NGUYỄN QUÂN - TUẤN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp