Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed (ngồi) chụp ảnh cùng các thành viên ủy ban Nobel tại Oslo, Na Uy ngày 9-12 - Ảnh: Reuters
Tuần trước, đích thân ông Olav Njolstad - giám đốc Viện Nobel Na Uy kiêm thư ký ủy ban trao giải Nobel hòa bình - cũng đã tới Addis Ababa, thủ đô Ethiopia, để cố thuyết phục thủ tướng Ethiopia tham dự ít nhất một trong bốn cuộc họp báo theo thông lệ đã được lên kế hoạch cho sự kiện trao giải Nobel kéo dài ba ngày, bắt đầu từ 10-12. Tuy nhiên nỗ lực của ông Njolstad đã bất thành.
Né câu hỏi khó?
Giới quan chức cấp cao của Viện Nobel Na Uy cho rằng việc ông Abiy Ahmed từ chối tham dự mọi sự kiện (trong đó có cuộc họp báo) là sự việc "rất có vấn đề". Song, bất chấp sức ép dư luận, ông Abiy Ahmed không thỏa hiệp. Ông sẽ chỉ đọc bài diễn văn nhận giải ngày 10-12 và nhận phần thưởng gồm hiện kim gần 1 triệu USD, một huy chương vàng và một bằng chứng nhận.
Khi Ủy ban Nobel của Na Uy chọn thủ tướng Ethiopia, ông Abiy Ahmed, cho giải Nobel hòa bình năm nay, họ đã biết điều này sẽ gây tranh cãi. Bởi cũng như ông Barack Obama ở thời điểm một thập kỷ trước, ông Abiy (43 tuổi) được trao một trong những giải thưởng danh giá nhất của thế giới chỉ vào giai đoạn vừa bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Nó cho thấy dường như giải thưởng nhắm vào những kỳ vọng hơn là một thành tựu cụ thể của nhà lãnh đạo này.
Ông Abiy được trao Nobel vì đã có công đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Ethiopia và nước láng giềng Eritrea năm ngoái, ba tháng trước khi lên nhậm chức năm 2018. Thỏa thuận hòa bình này đã giải giúp tỏa được thế bế tắc kéo dài gần hai thập kỷ sau cuộc chiến tranh biên giới chấm dứt năm 2000.
Tuy nhiên, theo nhận định của tờ Washington Post, phần đông dư luận chỉ đánh giá đó là một thành tựu chưa cần nhiều nỗ lực. Trong khi đó, ở năm đầu tiên tại nhiệm của ông Abiy, chính những căng thẳng sắc tộc nổi lên trong lòng đất nước Ethiopia lại là nguyên nhân, theo Washington Post, khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Chưa hết, theo báo The Guardian, tháng 11 năm nay, ông Abiy đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông khi số lượng người thiệt mạng trong làn sóng bất ổn bạo lực tăng cao.
Và nay, khi ông Abiy từ chối trả lời các chất vấn của truyền thông quốc tế khi tới nhận giải tại Oslo (Na Uy), thậm chí từ chối luôn cả việc nhận câu hỏi của các học sinh trong một sự kiện do Tổ chức Save the Children tổ chức, thì giới truyền thông quốc tế và ngay chính các quan chức Na Uy cũng cảm thấy băn khoăn. Nhiều ý kiến cho rằng ông từ chối tiếp xúc truyền thông vì muốn "né" những câu hỏi khó về tình hình xung đột sắc tộc trong nước.
Lần đầu tiên trong 3 thập kỷ
Theo ông Henrik Urdal - giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo, đây là lần đầu tiên một chủ nhân Nobel hòa bình từ chối nhận câu hỏi tại họp báo trong ít nhất 3 thập kỷ qua, nếu không nói là lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng danh giá này.
Bà Billene Seyoum, thư ký báo chí của ông Abiy, bác bỏ những thông tin theo bà là sự "hiểu lầm" về quyết định của thủ tướng Ethiopia.
Bà Billene Seyoum cho biết trong thông cáo: "Ở cấp độ cá nhân, tính khí khiêm nhường của thủ tướng bắt nguồn từ bối cảnh văn hóa của chúng tôi không hợp với tính chất rất công chúng của giải Nobel. Thủ tướng cảm kích và biết ơn vì sự ghi nhận và như trước đây ông từng nói rằng "đó là 10% chúc mừng và 90% trách nhiệm với ông để nỗ lực nhiều hơn nữa vì hòa bình", một việc ông vẫn đang làm mỗi ngày".
Bà Billene Seyoum cũng nói ông Abiy là một trong những thủ tướng Ethiopia dễ gần nhất tới nay. Tuy nhiên theo báo Washington Post, kể từ khi lên nắm quyền một năm rưỡi trước, tới nay ông Abiy chỉ tổ chức chưa tới sáu cuộc họp báo và cũng dành rất ít cơ hội phỏng vấn cho truyền thông quốc tế.
"Thách thức là sắp xếp thời gian"
Bà Billene Seyoum vẫn cho rằng để sắp xếp thời gian tham gia chương trình mở rộng của lễ trao giải Nobel thực sự là một thách thức đối với lãnh đạo Ethiopia khi "các vấn đề trong nước đang cấp bách và cần giải quyết".
Bà cho rằng ông Abiy sẽ chỉ tham dự những sự kiện thiết yếu của Viện Nobel "để tỏ lòng tôn vinh, kính trọng truyền thống của giải Nobel".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận