Sân vận động mới của Tottenham đáp ứng nhiều tiêu chí để tiến hành trận đấu ở thời điểm này - Ảnh: GOAL.COM
Phương án thi đấu tập trung Premier League tại một địa điểm từ lâu đã được nhắc đến. Trong trường hợp không sử dụng phương án này, nhiều khả năng toàn bộ 92 trận đấu còn lại của giải cũng chỉ diễn ra trên một số ít sân vận động hội tụ đầy đủ những điều kiện lý tưởng.
Trong trường hợp đó, các đội bóng có sân vận động hiện đại sẽ có nhiều lợi thế. Truyền thông Anh điểm mặt những sân bóng nhiều khả năng được chọn, không chỉ cho Premier League mà còn có thể là Champions League và Europa League.
1 Emirates (sân của Arsenal)
Được hoàn thành năm 2006 nên Emirates vẫn là một trong số những sân bóng mới của nước Anh, với sức chứa khoảng 60.000 chỗ ngồi. Emirates cũng có nhiều tiện nghi dành cho cầu thủ bao gồm những đường đến sân bóng nằm dưới mặt đất dành cho xe chở các đội bóng, đảm bảo họ có thể "im ắng" đến sân mà không thu hút sự chú ý của người hâm mộ.
Khu Islington của London cũng không có quá nhiều ca nhiễm COVID-19, với khoảng 400 ca (tính đến ngày 6-5). Khuyết điểm của sân bóng này là nằm ở khu vực dân cư khá đông đúc nên cần lực lượng an ninh để đề phòng trường hợp CĐV tụ tập đông.
2 Tottenham Stadium (Tottenham)
Vừa được hoàn thành vào năm 2019, Tottenham Stadium là một trong những sân bóng đắt giá nhất thế giới. Sân này xếp hạng 8 thế giới về chi phí xây dựng với khoảng 1 tỉ bảng Anh và có 62.000 chỗ ngồi. Nơi Tottenham Stadium tọa lạc là khu Haringey của London, cũng không có quá nhiều ca nhiễm (hơn 500 ca). Nhược điểm của nó cũng giống sân Emirates, nằm ở khu vực đông đúc dân cư.
3 King Power Stadium (Leicester)
Nếu vấn đề của các sân bóng ở trên là địa điểm thì đó lại là ưu điểm của sân vận động của Leicester City. Nằm ở vùng phía đông Midlands, sân bóng này là trung điểm của nước Anh, nhờ vậy hầu hết các đội bóng đều không phải di chuyển quá xa để đến đây.
Hơn nữa, sân King Power nằm ở khu thưa thớt dân cư và có thể dễ dàng kiểm soát những đám đông tụ tập bên ngoài sân bóng. Nhược điểm của sân King Power là không quá nổi bật và hiện đại. Số lượng ca nhiễm ở vùng Leicester cũng ở mức trung bình (khoảng 700 ca).
4 Old Trafford (M.U)
Một sân bóng quá nổi tiếng với những mục đích sử dụng nằm ngoài phạm vi của CLB M.U - bao gồm những trận đấu quốc tế của tuyển Anh, các trận đấu từ thiện lẫn những sự kiện hòa nhạc. Old Trafford cũng nằm ở khu vực ngoại ô, với hơn 600 ca nhiễm. Nhược điểm của Old Trafford là đường hầm chật chội và không có nhiều không gian bao quanh đường biên, không thực sự phù hợp với việc giãn cách xã hội.
5 Wembley (sân vận động quốc gia)
Wembley là địa điểm thi đấu trung lập lý tưởng nhất bởi không thuộc sở hữu của bất kỳ CLB nào. Cũng không có gì phải lo lắng về độ tối tân, tiện nghi của Wembley, bởi sân bóng ở London này xếp hàng thứ 5 trong số những sân vận động đắt giá nhất (và là sân bóng đá đắt giá thứ 2). Vấn đề của Wembley là nằm trong khu dân cư đông đúc, đồng thời khu Brent có số ca nhiễm khá cao (hơn 1.400 ca).
Vì sao sân Anfield không thích hợp?
Ngoài 5 sân bóng trên, truyền thông Anh còn tin rằng các sân Amex (CLB Brighton), St Mary (Southampton), London Stadium (West Ham), Villa Park (Aston Villa), Molineux (Wolverhampton), Etihad (Man City) cũng đủ điều kiện để tổ chức thi đấu.
Trái lại, các sân Anfield (Liverpool), Stamford Bridge (Chelsea), Goodison Park (Everton), St JamesPark (Newcastle) dù rất nổi tiếng nhưng lại được cho là không phù hợp do cơ sở vật chất xuống cấp (trừ Anfield của Liverpool) và nằm trong khu dân cư đông đúc. Với Anfield, tuy sân này vẫn có cơ sở vật chất được đánh giá cao nhưng nó lại được bảo quanh bởi những tuyến đường dân cư đông đúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận