Sân Emirates không được đón khán giả khiến Arsenal chịu thiệt hại tài chính khá nặng nề - Ảnh: Getty Images
Mới đây, trang 90min.com khẳng định các CLB tại Premier League kêu gọi nhà chức trách cho phép người hâm mộ trở lại sân vào dịp Giáng sinh.
Tuy nhiên mong ước này sẽ khó thành hiện thực khi Chính phủ Anh thực thi các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 đến ngày 2-12. Thậm chí, có nguồn tin cho rằng ban tổ chức Premier League đã chuẩn bị phương án không khán giả đến hết giải.
Các CLB bị "xói mòn" tài chính
Theo báo Telegraph, nếu diễn ra trên sân đấu không khán giả, 20 CLB tại Premier League dự kiến sẽ thất thu khoảng 878,2 triệu bảng. Số tiền này chủ yếu là doanh thu từ bán vé và các dịch vụ giải trí tại sân trong ngày diễn ra trận đấu.
Trong bối cảnh đó, các CLB lớn sở hữu những sân có sức chứa khổng lồ sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn. Arsenal, đội chủ sân Emirates - "pháo đài" có sức chứa hơn 60.000 chỗ ngồi, là một ví dụ. Tạp chí Forbes dự tính Arsenal sẽ mất 122,3 triệu bảng nếu sân Emirates không đón khán giả trước tháng 5-2021. Con số này được hạ xuống 59,6 triệu bảng nếu khán giả được tới sân vào tháng 1-2021.
Tương tự, Manchester United (M.U), đội sở hữu sân Old Trafford có sức chứa 76.000 chỗ ngồi, sẽ chịu thiệt hại 139,4 triệu bảng nếu không cho khán giả vào sân mùa bóng năm nay. Tottenham, CLB vừa đưa vào sử dụng sân mới có sức chứa hơn 62.000 chỗ ngồi, cũng
không ngoại lệ. Theo hãng tin BBC, cứ 1 bảng Anh Tottenham dành để trả lương có đến 40 xu thu được từ việc kinh doanh trong sân vận động.
Ở chiều ngược lại, các CLB sở hữu sân vận động có sức chứa khiêm tốn không cảm thấy quá "thiệt thòi" từ việc vắng khán giả. Theo The Guardian, năm 2019, hai CLB Burnley và Bournemouth chỉ thu về lần lượt 6,7 và 8,4 triệu bảng tiền bán vé, chiếm chưa tới 5% tổng doanh thu. Thu nhập chủ yếu của những CLB nhỏ như Burnley hay Bournemouth là bản quyền truyền hình nên chỉ cần giải không bị dừng, họ sẽ "sống ổn" dù việc thất thu vài triệu bảng cũng là con số đáng tiếc.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Theo một số liệu của ban tổ chức Premier League, nếu các sân không thể đón khán giả, mỗi tháng giải đấu sẽ thất thu khoảng 100 triệu bảng. Ảnh hưởng thấy rõ nhất là việc các CLB sẽ "nhát tay" khi mua sắm ở các "phiên chợ cầu thủ".
Điều này giải thích tại sao nhiều người tin rằng thị trường chuyển nhượng mùa đông sắp tới sẽ kém sôi động hơn mọi năm. Nếu cố gắng mua sắm và chi tiêu, các CLB hoàn toàn có thể vi phạm luật công bằng tài chính và bị UEFA sờ gáy. Đây là điều các đội bóng lớn ở Anh nên cảm thấy lo lắng vì nếu bị cấm dự Cúp châu Âu, thiệt hại kinh tế của họ không thể tưởng tượng được. Điều các CLB cần làm lúc này chắc chắn là cân đối chi tiêu an toàn để tránh lỗ. Nhưng với những CLB có quỹ lương khổng lồ như M.U, mọi thứ sẽ không đơn giản.
Theo Hãng tin BBC, việc này không chỉ ảnh hưởng đến các CLB và cầu thủ mà còn khiến hàng ngàn người mất việc. Đơn cử như việc để tiến hành một trận đấu trên sân nhà, M.U cần khoảng 3.340 nhân viên làm công tác phục vụ trận đấu. Do không có khán giả nên con số này hiện tại chỉ còn khoảng 60 người. Có nghĩa là hàng ngàn nhân viên đã mất đi nguồn thu nhập đáng kể.
Nhiều chuyên gia dự đoán, ngay cả khi COVID-19 kết thúc, hậu quả nghiêm trọng của đại dịch này vẫn sẽ khiến thế giới bóng đá cảm thấy "mệt mỏi". Các chuyên gia nhận định sẽ mất rất nhiều thời gian để bóng đá thế giới ổn định trở lại nhưng khó lòng hồi phục như trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận