Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sử dụng nguồn vốn ODA bị kéo dài vì thiếu vốn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Ủy ban Tài chính - ngân sách (TCNS) Quốc hội cho biết Chính phủ và các ngành, các cấp đã chú trọng tăng chi đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.
Tuy nhiên, việc chi đầu tư phát triển vẫn còn những tồn tại, hạn chế, điển hình là việc tiếp tục giải ngân chậm. Tỉ lệ giải ngân đến nay mới chỉ đạt 49,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, khả năng giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2019 là khó khăn.
Ủy ban TCNS cho rằng nguyên nhân vẫn tập trung vào các yếu tố như chuẩn bị dự án đầu tư, giao dự toán chậm, giải phóng mặt bằng khó khăn… Các vấn đề này đã kéo dài nhiều năm nhưng biện pháp khắc phục chưa thật sự quyết liệt, khiến hiệu quả đạt thấp.
Vì vậy, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện về cơ chế, chính sách, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ chú trọng khâu tổ chức thực hiện quy định pháp luật về tài chính ngân sách, trong đó có Luật đầu tư công.
Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải cũng đề cập tình trạng chậm giao vốn, giao nhiều đợt và chậm điều chỉnh vốn đầu tư phát triển, trong đó có vốn ODA, chưa được khắc phục. Thủ tục giao vốn vẫn còn phức tạp, chưa xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công, khiến nhiều dự án quan trọng tác động đến phát triển kinh tế - xã hội chậm được triển khai, bị dở dang, chuyển tiếp kéo dài.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 - Ảnh: Quochoi.vn
Ông Hải cho biết bội chi ngân sách nhà nước năm 2019 ước bằng 3,4%GDP, nợ công bằng 56,1%GDP, nợ chính phủ bằng 49,2%GDP và nợ nước ngoài của quốc gia bằng 45,8%GDP, đều giảm so với dự toán.
Trong năm 2020, Chính phủ dự kiến chi đầu tư phát triển tăng 41,3 nghìn tỉ đồng (tăng 9,6%) so với dự toán năm 2019, chiếm 26,9% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, ông Hải cho biết có ý kiến rằng mức tăng 9,6% là thấp so với yêu cầu về nguồn vốn đầu tư khá lớn để hoàn thành các dự án đầu tư công giai đoạn 2016-2020 còn dở dang.
Đối với vấn đề nợ công, ông Hải cho biết Ủy ban TCNS nhất trí với báo cáo của Chính phủ. Cụ thể đến hết năm 2020, dự kiến mức dư nợ công là 54,3%GDP, nợ Chính phủ là 48,5%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5%GDP.
Tăng lương từ ngày 1-7-2020
Trình bày về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020 là 1.512.300 tỉ đồng, tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 22,2%GDP.
Dự toán chi cải cách tiền lương và tinh giản biên chế là 61.500 tỉ đồng, đảm bảo nguồn kinh phí để từ ngày 1-7-2020 điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,490 triệu đồng/tháng lên 1,600 triệu đồng/tháng, tăng 7,38%. Lương hưu và lương người có công tăng với mức tăng tương ứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận