Dự án cải thiện môi trường nước khu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, TP.HCM (giai đoạn 2) phải điều chỉnh 4 lần và sau 16 năm mới chỉ đạt 86,78%. Trong ảnh: khu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé thuộc dự án môi trường nước chậm tiến độ đầu tư công - Ảnh: TỰ TRUNG
Có tình trạng bộ ngành, địa phương vẽ ra kế hoạch, vẽ dự án nhưng lại không gắn nhu cầu thực tiễn do không có sự đầu tư khảo sát, nghiên cứu. Vì thế, khi được phân bổ vốn, triển khai thực hiện dự án mới phát sinh bất cập, vướng mắc và không sát thực tế. Thêm nữa là tư duy nhiệm kỳ đã tác động đến quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, tạo ra độ trễ, ảnh hưởng tới sự thống nhất, liên tục của quy hoạch.
Đại biểu TẠ VĂN HẠ
Trước tình hình đó, cần liều thuốc nào đủ mạnh để trị dứt điểm căn bệnh này, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế? Đại biểu TẠ VĂN HẠ (Bạc Liêu) - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội - cho rằng vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ đã tồn tại nhiều năm, như "căn bệnh trầm kha" nhưng vẫn chưa có "thuốc giải" hữu hiệu, chưa thực thi nghiêm túc.
Ông Hạ từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại kỳ họp thứ 2 (Quốc hội khóa XV) về vấn đề này.
* Thưa ông, trực tiếp tham dự phiên giải trình của Ủy ban Tài chính - ngân sách về đầu tư công gần đây, ông nhìn nhận thế nào về những kết quả đạt được của hoạt động đầu tư công?
- Đầu tư công có vai trò rất quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Luật đầu tư công ra đời và được sửa đổi, bổ sung năm 2019 cũng đã giúp hoàn thiện thể chế, khắc phục bất cập trước đây.
Qua phiên giải trình cũng như theo dõi hoạt động này, tôi thấy rằng nếu như trước năm 2015 tồn tại những hạn chế về phân cấp, phân quyền chưa rõ, phân bổ vốn còn dàn trải, chưa minh bạch, đầu tư chưa chú trọng hiệu quả... thì nay việc đầu tư hiệu quả, thực chất hơn, khắc phục được tình trạng đầu tư cắt khúc.
Nhờ vậy giảm thiểu đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả, từng bước hạn chế được tình trạng xin - cho, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tăng cường kỷ luật kỷ cương...
Tuy nhiên, còn tồn tại những bất cập được xem là "cố hữu" trong giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt là tình trạng chậm trễ trong giải ngân đã trở thành "căn bệnh trầm kha", chưa phân quyền mạnh mẽ, cơ chế lập - giao kế hoạch thiếu linh hoạt, trình tự thủ tục chưa hợp lý, giải ngân vốn còn thiếu tính chủ động.
Dẫn chứng thực tế là trong năm 2021, mặc dù giải ngân vốn đầu tư công đạt tỉ lệ đáng khích lệ với 95,1% nhưng vẫn có những bộ ngành, địa phương đạt tỉ lệ giải ngân ở mức thấp. Trong đó có 26 bộ ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 70%, cá biệt có 5 bộ ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 20%.
Tình trạng này tiếp diễn trong 5 tháng đầu năm 2022. Đáng chú ý là có nhiều bộ, cơ quan, địa phương chưa giải ngân đồng nào, trong khi nền kinh tế đang ở giai đoạn phục hồi, nhu cầu đầu tư phát triển, đầu tư công đang trở thành động lực vô cùng quan trọng cần được thúc đẩy.
Nguồn: baochinhphu.vn - Đồ họa: TUẤN ANH
* Có ý kiến cho rằng việc giải ngân đầu tư công gần đây có khó khăn do yếu tố khách quan như dịch bệnh, khâu thủ tục... Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đã chỉ ra năng lực một bộ phận cán bộ quản lý còn hạn chế và có chuyện né tránh, sợ trách nhiệm. Ông nhìn nhận thế nào?
- Đúng là không phủ nhận yếu tố khách quan như dịch bệnh, các khâu triển khai thủ tục. Nhưng tôi cho rằng yếu tố chủ quan, chủ yếu là do con người, và khâu tổ chức thực hiện là nguyên nhân chính. Tại phiên giải trình, các ý kiến cũng đánh giá tại sao cùng một cơ chế, một thủ tục nhưng có đơn vị giải ngân hiệu quả, có đơn vị lại chậm trễ, không giải ngân được đồng nào.
Về nguyên tắc, ở những năm bản lề phải thực hiện dứt điểm thanh toán nợ, đầu tư dứt điểm dự án dở dang. Thế nhưng một số nơi vẫn chưa thực hiện đúng nguyên tắc thứ tự ưu tiên, cứ vẽ dự án mới dàn trải trong khi dự án cũ chưa hoàn thiện nên đầu tư manh mún, kém hiệu quả.
Bên cạnh đó cũng phải nhìn nhận thực tế là có nơi, có lúc do sợ trách nhiệm, thiếu quyết đoán làm ảnh hưởng tiến độ dự án. Tôi đồng ý là cần phải thận trọng xem xét kỹ lưỡng với những dự án đang triển khai nhưng thực tế có những nơi người đứng đầu lo ngại trách nhiệm, trình độ năng lực bộ phận tham mưu còn hạn chế, nên không dám quyết và chịu trách nhiệm. Thận trọng là cần thiết nhưng phải kịp tiến độ, đòi hỏi yêu cầu năng lực, trình độ, sự quyết đoán của người lãnh đạo.
* Thủ tướng đã yêu cầu nếu chưa thực hiện nghiêm thì phải kiểm điểm nghiêm khắc, nhưng thực tế thực hiện lại chưa nghiêm. Vậy theo ông trách nhiệm cần làm rõ là gì?
- Không thể có tình trạng cứ mãi chậm trễ mà không có biện pháp nào. Tôi cho rằng trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương và người đứng đầu chưa hết, tình trạng kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm. Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu đảm bảo kỷ luật nhưng thực tế thực hiện không hiệu quả.
Tại phiên giải trình của Ủy ban Tài chính - ngân sách vào ngày 27-4, tôi và nhiều đại biểu cũng đã chất vấn với Bộ Kế hoạch và đầu tư là đến nay việc kiểm điểm, đánh giá nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân của các bộ ngành, địa phương được thực hiện đến đâu và đã có lãnh đạo, cán bộ nào bị kỷ luật? Tuy nhiên, vấn đề này chưa được báo cáo đầy đủ.
Tôi cho rằng trách nhiệm trước hết phải là của cơ quan quản lý nhà nước được Thủ tướng giao tham mưu về vấn đề này là Bộ Kế hoạch và đầu tư, ngành kế hoạch và đầu tư các địa phương. Cần phải thực hiện nghiêm chức năng nhiệm vụ, không chỉ phân bổ vốn mà đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sử dụng sao cho hiệu quả đồng vốn ấy. Tiếp đến là trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương làm sao phát huy nguồn lực, sử dụng vốn hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí.
* Thủ tướng cũng đã thành lập 6 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Phó thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện việc kiểm điểm, nếu không giải ngân thì sẽ điều chuyển vốn. Ông có nghĩ rằng cần có biện pháp mạnh hơn nữa không?
- Thủ tướng đã rất quyết liệt về vấn đề này, song cần có liều thuốc đủ mạnh, thực hiện nghiêm các quy định và chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công.
Trước hết là rà soát, đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân chủ quan, khách quan để làm thực chất, bắt trúng bệnh, rõ vai trò của người đứng đầu, các đơn vị và cá nhân liên quan là gì, từ đó có hình thức kiểm điểm, kỷ luật hay phê bình phù hợp. Với những cá nhân, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ, nếu mức giải ngân quá thấp thì phải có biện pháp xử lý; việc chịu trách nhiệm phải rõ ràng, không thể nói trách nhiệm chung chung.
Cần xem đây là tiêu chí để đánh giá, chấm điểm cán bộ và cả đơn vị, nếu hai năm không hoàn thành nhiệm vụ phải điều chuyển, thay đổi. Để đánh giá sát, cần có bộ tiêu chí rõ ràng, cụ thể, rõ trách nhiệm, làm thước sát thực tế.
Ngoài ra, mức độ trách nhiệm đến đâu thì xử phạt đến đó, gắn với cụ thể từng vị trí việc làm, công bằng và minh bạch. Công khai các đơn vị chậm giải ngân, kết quả kiểm điểm, đánh giá từng đơn vị là tiêu chí xét thi đua, khen thưởng thì chắc chắn sẽ phải tạo sức ép cho người lãnh đạo phải thay đổi.
Đầu tư công cũng không nên tư duy cào bằng nữa, mà cần có ưu tiên với những đơn vị làm tốt, làm hiệu quả, thu hồi vốn với đơn vị kém hiệu quả, để đồng tiền của người dân sử dụng phát huy được ý nghĩa thúc đẩy kinh tế - xã hội tốt hơn.
Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) phải điều chỉnh vốn nhiều lần, liên tục lùi tiến độ hoàn thành - Ảnh: TỰ TRUNG
Sợ trách nhiệm không phải là lãnh đạo
* Để trị được căn bệnh sợ trách nhiệm trong đầu tư công, theo ông cần phải làm gì?
- Không chỉ trong đầu tư công mà ở nhiều lĩnh vực, tình trạng một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh vẫn đang diễn ra. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây sẽ là cơ sở và chủ trương quan trọng, có ý nghĩa rất lớn để bảo vệ và khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Nhưng tôi cho rằng quan trọng là công tác cán bộ. Phải chọn được người có năng lực, trình độ, chuyên môn, đủ bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm thì họ mới dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nếu chọn đúng người, sắp xếp đúng trình độ, chuyên môn, năng lực để họ phát huy thì sẽ không lo ngại họ sợ trách nhiệm. Còn nếu người đã không có đủ bản lĩnh, sợ trách nhiệm thì đó không phải là tố chất, tiêu chuẩn của người lãnh đạo.
Giải ngân vốn công, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022
Nhận định về nguyên nhân giải ngân chậm, Bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ ra: công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch; một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.
Do đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, chủ động tháo gỡ khó khăn và vướng mắc.
Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các dự án trọng điểm triển khai trong năm 2022; kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tăng cường kiểm tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận