Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019" - Ảnh:DUYÊN PHAN
Sáng 26-9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì "Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019".
Theo thống kê, hiện có 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 30%.
Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đầu tư công trong thời gian qua đã đóng góp rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là các hạ tầng. Nguồn vốn đầu tư công chiếm 10,7% tổng giá trị GDP, chiếm 32% toàn xã hội. Tình trạng chậm giải ngân đã có gần 10 năm, và đã tạo ra tình trạng "nút thắt cổ chai" đối với nền kinh tế.
Theo Thủ tướng, đặc biệt việc chậm giải ngân năm nay đã gây ra rất nhiều hệ lụy, để lại nhiều hậu quả.
Thứ nhất, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Vì yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng, nhưng vốn còn nằm tại nhiều địa phương.
Thứ hai, vốn đầu tư công thường là nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng quan trọng, nên khi giải ngân thấp sẽ ảnh hưởng huy động vốn xã hội, sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, làm giảm niềm tin đầu tư của nhà nhà đầu tư, nhà tài trợ, ảnh hưởng huy động vốn xã hội, uy tín quốc gia.
Thứ ba, gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ vẫn phải trả chi phí.
Cuối cùng là gây ảnh hưởng đến việc tạo công ăn việc làm cho toàn xã hội.
"Cần làm rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc chậm giải ngân. Tại sao có địa phương làm tốt việc giải ngân, nhưng có địa phương lại chỉ thực hiện được dưới 15%? Cần làm rõ trách nhiệm về vấn đề này: chậm do vốn, thủ tục phức tạp hay tinh thần, thái độ thiếu tích cực?", Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng cũng cho rằng đã có những dự án đã được thông qua chủ trương, nhưng "tiền vẫn ì èo chưa giải ngân ra được xã hội là vì lý do gì?". Chính vì vậy, việc tìm và đưa ra được các giải pháp tích cực, hiệu quả để thúc đẩy quá trình giải ngân nguồn vốn đầu tư công vào các tháng cuối năm là vô cùng quan trọng.
"Nếu địa phương nào, ngành nào không giải ngân được thì để dành nguồn lực đó cho địa phương khác. Chỉ có vậy thôi! Các đồng chí nói do mặt bằng, thủ tục, năng lực thi công, thể chế... nhưng cả nước có nhiều địa phương, nhiều ngành giải ngân rất tốt 70 – 80%, thậm chí cao hơn nhiều. Những bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp phải có trách nhiệm trước đất nước, trước xã hội chứ không thể đổ hết cho khách quan", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư tiếp thu nghiêm túc nghị quyết của Chính phủ liên quan đến vấn đề vốn đầu tư công trong lĩnh vực xây dựng cơ bản - hiện đang gây bức xúc dư luận xã hội hiện nay - cần được chấm dứt vào các tháng cuối năm 2019.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận chậm giải ngân vốn đầu tư công có rất nhiều nguyên nhân, từ chủ quan đến khách quan - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2019 nguồn vốn ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định khoảng 429.300 tỉ đồng. Trước ngày 31-12-2018, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch chi tiết đạt trên 367.000 tỉ đồng, bằng 85,5% dự toán được quốc hội quyết định.
Trong năm 2019, căn cứ nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ giao tiếp kế hoạch chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương. Lũy kế đến nay, số vốn được giao kế hoạch đạt trên 391.000 tỉ đồng, bằng 92,16% dự toán nhưng mới giải ngân hơn 45% kế hoạch.
"Như vậy, tỉ lệ kế hoạch vốn được giao sẵn sàng để giải ngân là khá cao. Số vốn chưa giao kế hoạch chi tiết chỉ chiếm 14,5%, không phải là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, ngay cả đối với số vốn đã được giao kế hoạch nhưng tỉ lệ giải ngân đạt thấp", bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Ông Dũng cũng cho rằng cần làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân trong phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công để rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hiệu quả là rất cần thiết, dù thừa nhận "nguyên nhân chậm giải ngân phải nói là vô cùng đa đạng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận