01/03/2021 09:02 GMT+7

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ cuối: Vào Cùa ra Cộn

PHẠM XUÂN DŨNG
PHẠM XUÂN DŨNG

TTO - Không chỉ Huế, mà vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị cũng có những địa danh một tiếng - độc âm nghe rất lạ, và đến nay chưa thể hiểu chính xác nghĩa là gì.

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ cuối: Vào Cùa ra Cộn - Ảnh 1.

Xứ Cùa hôm nay đã thành một vùng quê trù phú của Quảng Trị - Ảnh: X.DŨNG

Cây mai diệu kỳ xứ Cùa

Cùa là một vùng đất thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Thời nhà Nguyễn là "kinh đô Tân Sở" - nơi vua Hàm Nghi xuất bôn kháng chiến và ban chiếu Cần Vương. Còn nhớ hôm ngồi chơi ở làng Mai Lộc (xã Cam Chính) - xứ Cùa, ông Phan Văn Bảo, chủ nhà, chợt hỏi tôi: "Anh biết vì sao làng này có tên là Mai Lộc không?", tôi lắc đầu. 

Ông Bảo hào hứng kể: "Tổ tiên tôi vốn không phải ở Cùa mà ở dưới miệt ruộng Hải Lăng. Thấy làng mình đất chật người đông nên khăn gói tìm miền đất mới đặng an cư lạc nghiệp lâu dài, đi nhiều chỗ cuối cùng chọn Cùa vì thấy đây đất đai màu mỡ, có thể ăn ở đời đời. 

Ngày lên xứ Cùa, người cha dặn dò người con có dân làng cùng nghe: "Con đem theo cây mai này lên đất mới mà trồng, nếu cây sống thì yên tâm lập nghiệp lâu dài, nhược bằng không thì phải tìm đất khác".

Theo lời dặn của cha, người con khi đến Cùa đã trồng cây hoa mai và hồi hộp dõi theo từng ngày. Dù đất lạ, thời tiết có khác nơi quê cũ nhưng cây mai đã sống. Mọi người hớn hở, tin rằng đất lành chim đậu. Cây mai quê cũ đã ra lộc nên họ đặt tên làng là Mai Lộc, đến nay trải qua đã nhiều đời, cũng đã gần 500 năm.

Nghe chuyện ai nấy gật gù thú vị trước truyền kỳ có hậu như cổ tích. Bất ngờ ông Bảo kể thêm: "Vị tiền nhân khai khẩn làng Mai Lộc sau đó đã lấy một cành mai trên làng mới quay về tặng cho quê cũ. Người Việt mình đi đâu cũng nhớ về nguồn cội". Trước sân nhà ông Bảo cây mai vàng đang trổ hoa, mùa xuân đang đến với Mai Lộc - xứ Cùa.

Cùa - đất cổ lạ lùng

Người Cùa và nhiều nơi khác trong tỉnh này thường đùa rằng: hỏi quê ở đâu, đáp ở thành phố Xê-u-a (CUA) có nghĩa ở Cùa. Nhưng Cùa không phải là tên một làng, tên một xã hay cũng không phải là tên của một huyện. Đó là tên chung của một vùng đất bao gồm hai xã nằm cạnh nhau: Cam Chính và Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ.

Địa danh Cùa ra đời từ khi nào, có nghĩa là gì, cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời rốt ráo. Vì rằng người bản địa từ già đến trẻ cũng chỉ biết rằng tên Cùa có từ lâu lắm rồi nhưng không rõ nghĩa là gì. 

Ông Lê Văn Kinh, một người cao tuổi thôn Cam Lộ Phường, xã Cam Nghĩa, nhấp chén chè xanh rồi vừa cười vừa nói: "Tui chỉ biết Cùa là Cùa thôi, còn có nghĩa chi, vì răng đặt tên như rứa thì chịu, mà e rằng rất nhiều người khác cũng rứa".

Nhà giáo Thái Quốc Khánh, vốn là giáo viên dạy văn lâu năm và gắn bó với Cùa, cho đến ngày về hưu cũng trầm ngâm: "Câu hỏi khó quá, tôi cũng để tâm tìm hiểu mà chưa có được câu trả lời thỏa đáng". 

Nhà nghiên cứu lịch sử - thạc sĩ Lê Đức Thọ, phó giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng Quảng Trị, cho biết: "Tôi cũng đang truy tìm gốc rễ tên gọi xứ Cùa. Nhưng tôi thiên về suy luận theo hướng địa danh Cùa liên quan đến Khùa, một tộc danh của nhóm người theo ngữ hệ Môn - Khmer có lẽ đã từng cư trú trên vùng đất này từ xa xưa, trước cả người Chăm". 

Đương nhiên đây cũng chỉ mới dừng lại ở giả thiết, cần phải có thêm cơ sở khoa học mới có thể tường minh. Ngay trong cuốn sách dày cộm đến 800 trang Địa danh Quảng Trị xưa và nay của tác giả Nguyễn Văn Ái cũng chỉ giải thích "Cùa là tên gọi của một vùng đất". Cho nên Cùa vẫn là một ẩn số với địa danh học Việt Nam, nơi có nhiều chuyện lạ.

Một buổi trưa hè 2020, tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Phụng ở xóm Cây Đa, làng Mai Lộc để gặp hậu duệ của người đã tiếp vua Hàm Nghi những ngày Cần Vương 1885 bi tráng. Ông Phụng tuổi tác đã cao nhưng kể một cách say sưa chuyện ông nội mình là Nguyễn Vạn hằng ngày tiếp vua Hàm Nghi với sản vật vùng Cùa là mít chín và rượu làng, tất cả đều bày biện trên chiếc mâm làm từ gốc cây mít cổ thụ. Tôi lặng nhìn chiếc mâm chứng tích đã cũ mòn, đầy những vết sẹo thời gian qua nắng mưa, bom đạn đã 135 năm nay. 

Anh Nguyễn Văn Hoàng, con ông Phụng, giọng tự hào: "Gia đình tôi mấy đời dù có đi đâu cũng giữ lấy chiếc mâm và bát chén, nậm rượu ngày xưa đã từng dọn mời vua Hàm Nghi. Tôi cũng sẽ dặn con mình giữ lại cho cả đời sau nữa để biết thêm lịch sử của quê hương đất nước".

Người Pháp gọi kinh đô kháng chiến Tân Sở chỉ tồn tại năm ngày một cách bóng bẩy là "Kinh thành phù du". Nhưng trong tâm thức dân gian, vua Hàm Nghi và cuộc Cần Vương chống Pháp của ông thì không hề phù du.

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ cuối: Vào Cùa ra Cộn - Ảnh 2.

Phố Cộn - một khu đô thị sôi động phía tây nam Đồng Hới - Ảnh: X.DŨNG

Ta đi trên đường phố Cộn

Cuối tháng chạp, tôi ra Quảng Bình rồi đón xe ôm lên phố Cộn, nay thuộc phường Bắc Nghĩa của thành phố Đồng Hới. Tôi vào chợ Cộn hỏi các bà, các chị bán hàng: "Cộn có nghĩa là gì?". Ai cũng lắc đầu không biết, nhiều người nhìn tôi có vẻ thấy lạ. Anh Đinh Viết Hùng, bán hoa trước cổng chợ, bảo: "Bọn em làm ăn bao năm cũng chỉ biết đây là Cộn, còn chuyện gì nữa thì chịu".

Ông Trần Văn Ngã, 72 tuổi, từng đi bộ đội thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, rồi xuất ngũ làm cán bộ hơn 20 năm ở Cộn này, thông tỏ nhiều chuyện. 

Khi tôi hỏi: "Có phải Cộn mới được đặt tên vào thời chống Mỹ hay không?", ông trợn mắt bác ngay: "Bậy nào, tôi có mặt ở đây từ khi đỏ hỏn, ông cha tôi cũng vậy. Tên Cộn có từ xa xưa. Ngày trước Cộn là một quả đồi, xung quanh cây cối um tùm thành rừng, phía trước chợ là bàu Cửa Chùa vì cạnh bàu nước có ngôi chùa. Đường làng hẹp, hai bên tre đầy, dân cư thưa thớt lắm. Nhưng mà Cộn có nghĩa là gì, tôi cũng không biết". 

TS Phan Viết Dũng, một nhà nghiên cứu am tường lịch sử, văn hóa Quảng Bình, cũng lắc đầu: "Xuất xứ của địa danh Cộn và nghĩa của nó thế nào, cho đến bây giờ tôi cũng chưa xác định được, đó vẫn là một câu hỏi cần tiếp tục tìm hiểu"...

Ông Ngã vẫn say sưa câu chuyện ngày xưa xứ Cộn. "Ngày đó cọp hay về đây vồ cả người. Có ông Xẻ xóm dưới mới mất, bị cọp vồ sẹo một bên mặt". Nói về phong tục vùng Cộn, ông Ngã hào hứng: "Đám ma to ngày trước phải có hát chèo cạn, bà chị tôi mất cách đây hơn chục năm đám đưa như vậy. Này nhé, có ông cai chỉ huy biểu diễn, rồi đội múa hát tiễn đưa người đã khuất, ai cũng chen nhau mà xem. Văn nghệ hay lắm!". 

Giữa vùng núi đồi từng có chúa sơn lâm trú ngụ mà lại có điệu hát đưa linh vốn là đặc sản văn hóa của vùng biển miền Trung? Đang nghĩ ngợi chợt nghe ông Ngã nói: "Từ 23 tháng chạp, xe cộ đi nườm nượp lên phía tây chỗ Đồng Sơn cũng thuộc Cộn trước kia. Họ lên hương khói cho tổ tiên, ông bà. Tâm linh của cả nửa Đồng Hới đều nằm đó".

Tôi đứng trên đường Lý Thái Tổ chạy qua chợ Cộn, cố hình dung quá khứ của mảnh đất này. Nhiều chuyện đã trở thành ký ức. Chợt nhớ câu nói ông Ngã lúc chia tay: "Chuyện Cộn, nói cả ngày không hết".

Xứ Cùa là vùng đất đã được hình thành từ thuở xa xưa. Tài liệu khảo cổ học cho biết dấu tích cư trú của người nguyên thủy thời hậu kỳ đồ đá cũ được tìm thấy chủ yếu ở khu vực Tân Sở - vùng Cùa, gồm nhiều công cụ làm bằng đá có hình thù đặc trưng cho thời kỳ văn hóa Sơn Vi, có niên đại từ 2-3 vạn năm về trước.

Xứ Cùa là một phần của vùng Cam Lộ. Dưới thời nhà Nguyễn, theo Đồng Khánh dư địa chí, tổng Mai Lộc của Cam Lộ có thể gọi là tổng Cùa vì ôm trọn xứ Cùa và một vài địa phương khác với 21 xã, thôn, phường.

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 12: Bí ẩn làng 'chị em' ngàn năm không lấy nhau Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 12: Bí ẩn làng "chị em" ngàn năm không lấy nhau

TTO - Chỉ từ một lời thề nguyện mà gần ngàn năm nay, hai ngôi làng đặc biệt ở tỉnh Nam Định trai gái không nhau bao giờ lấy nhau. Giữa thời hiện đại, nhiều người hai làng vẫn giữ nếp cũ khiến bao người lấy làm lạ.

PHẠM XUÂN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp