24/02/2021 12:41 GMT+7

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 8: Đất châu thành nam thanh nữ tú

NGUYỄN THANH LỢI
NGUYỄN THANH LỢI

TTO - Ở Nam Bộ, hầu như tỉnh nào cũng có địa danh Châu Thành, kiểu đặt địa danh có một không hai làm nhiều người không khỏi tò mò.

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 8: Đất châu thành nam thanh nữ tú - Ảnh 1.

Huyện Châu Thành, Long An từ trồng lúa nay thành vùng chuyên canh thanh long lớn nhất miền Tây và là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh - Ảnh: SƠN LÂM

Nhiều cách hiểu "Châu Thành"

Địa danh Châu Thành hiện nay được đặt tên cho 10 đơn vị hành chính cấp huyện của các tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang (huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A), Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. 

Chưa kể là còn có hai huyện Châu Thành Đông, Châu Thành Tây của tỉnh Cửu Long được đặt sau năm 1975. Và có thêm 3 thị trấn Châu Thành thuộc huyện Châu Thành của Tây Ninh, Bến Tre, Trà Vinh. Lại còn có ấp Châu Thành, xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), nơi có chợ Bố Thảo.

Châu thành ban đầu được dùng như một danh từ chung, chỉ nơi phố xá đông đúc, văn minh, được ghi nhận trong ca dao Nam Bộ:

Đất châu thành nam thanh nữ tú

Trong vườn thú đủ các thứ chim.

Đất châu thành anh ở

Xứ Cần Thơ nọ em về

Nước ròng bỏ bãi bày gành

Bậu đem duyên đi bán, đất châu thành đều hay.

Hoặc: Giặc Lang Sa đánh tới Châu Thành,

Dù ai ngăn qua đón lại, dạ cũng đành bỏ em.

Xuất hiện khá sớm trong một số từ điển tiếng Việt như Việt Nam từ điển (1931), Hán Việt từ điển (1932), nhưng "châu thành" lại hầu như không được sử dụng ở Bắc Bộ và Trung Bộ. 

Châu thành là một từ Hán - Việt, sử dụng khá phổ biến ở Nam Bộ, được nhiều từ điển ghi nhận với nhiều nghĩa khác nhau: "thành thị, khu vực chính một xứ hay một tỉnh, nơi người đứng đầu xứ hay tỉnh trưởng cai trị, thường dân cư đông đúc, mua bán thịnh vượng" (Việt Nam từ điển, Lê Văn Đức, 1970); "Châu thành không phải là một tên riêng. Các tỉnh Nam bộ đều có quận, huyện châu thành. Châu thành chỉ các làng xã vây quanh tỉnh lỵ" (Phương ngữ Nam Bộ ghi chép & chú giải, Nam Chi Bùi Thanh Kiên, 2015).

Ban đầu "châu thành" chỉ các trung tâm hành chính, nơi có chợ búa, các cơ quan của hạt tham biện trú đóng. Sau khi thành lập các thị xã với chức năng "tỉnh lỵ", nó chiếm một phần diện tích của "châu thành", phần diện tích còn lại vẫn giữ tên cũ là quận Châu Thành và sau này là huyện Châu Thành.

Trở thành địa danh hành chính

Năm 1867, sau khi chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, Pháp ra nghị định chia 6 tỉnh Nam Kỳ ra thành 24 hạt tham biện. Viên cai trị hạt là tham biện. Lỵ sở của hạt gọi là "châu thành", có chức năng như một trung tâm hành chính của hạt.

Bắt đầu từ năm 1912, địa danh Châu Thành chính thức được đặt tên cho nhiều đơn vị hành chính cấp quận của các tỉnh Nam Kỳ: Mỹ Tho (1912), Cần Thơ (1913), Sa Đéc (1916), Sóc Trăng (1916), Vĩnh Long, Long Xuyên, Trà Vinh, (1917), Châu Đốc (1919), Rạch Giá (1920), Tân An (1922), Hà Tiên (1924), Thủ Dầu Một (1926), Bến Tre (1927), Biên Hòa (1928), Tây Ninh (1942), Bà Rịa (1943), Tân Bình (1944), Gò Công (1955), huyện Châu Thành Đông, huyện Châu Thành Tây của tỉnh Cửu Long (sau 1975), Minh Hải (sau 1975).

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 8: Đất châu thành nam thanh nữ tú - Ảnh 2.

Đình Tân Xuân, Long An là không gian chính của lễ hội Làm chay rằm tháng giêng thu hút đông người tham dự - Ảnh: SƠN LÂM

Châu Thành của Long An

Quận Châu Thành thời Pháp gồm 2 tổng, 9 thôn. Năm 1956, quận Châu Thành đổi thành quận Bình Phước, quận lỵ đóng ở chợ Tầm Vu, xã Dương Xuân Hội. Năm 1977, hai huyện Tân Trụ và Châu Thành nhập thành huyện mới là Tân Châu. Tháng 3-1978, huyện Châu Thành đổi tên là Vàm Cỏ. Năm 1989, chia lại huyện Vàm Cỏ thành 2 huyện cũ là Tân Trụ và Châu Thành.

Huyện Châu Thành gồm thị trấn Tầm Vu và 12 xã. Có thể nói đây là vùng đất văn vật của Long An. Thôn Bình Khuê, nay thuộc xã Quê Mỹ Thạnh, từ năm 1813-1823 là phủ lỵ phủ Tân An (tỉnh Long An nay). Chợ Cai Tài ở xã Quê Mỹ Thạnh cũng được ghi trong sách Gia Định thành thông chí. Câu ca dao nói lên tính chất đô hội của vùng đất này:

- Bảng treo tại chợ Cai Tài

Bên văn bên võ ai có tài ra thi.

Và còn đó địa danh sông Cai Tài, cầu Cai Tài.

Ông Hóng, tên thật Phan Văn Nghêu, một đại địa chủ tầm cỡ vùng đất Gia Định, từ miền Trung vào đây khai phá vùng đất này từ thế kỷ 17. Theo sách Tân An ngày xưa của Đào Văn Hội thì 4 người giàu nhất Nam Kỳ cuối thế kỷ 19 là "Nhất Sĩ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Định" góp lại tài sản cũng chỉ bằng một phần ngàn ông Hóng, nên Nam Bộ còn có thành ngữ "Giàu như Ông Hóng".

Trong những ngày chúa Nguyễn Ánh bôn ba mảnh đất này, khi hết lương thực đã viết thư "xin một bữa cháo". Ấy vậy mà ông Hóng đã cho đào con kinh dài 3 cây số, chở lúa gạo suốt 3 tháng tiếp tế Nguyễn Ánh. Kênh Ông Hóng bắt đầu từ sông Vàm Cỏ Tây, ranh giới giữa hai xã Bình Tịnh và Bình Lãng (huyện Tân Trụ nay), chạy dài qua phía đông, đổ ra vàm Nhật Tảo của sông Vàm Cỏ Đông như một dấu tích của thời mở cõi. Khu mộ cổ của dòng họ ông nay vẫn còn nơi đây, một trong những mộ cổ xưa nhất ở Nam Bộ.

- Ba phen quạ nói với diều

Ngã kinh Ông Hóng có nhiều cá tôm.

Huyện Châu Thành ngày nay nằm giáp ranh thành phố tỉnh lỵ Tân An của tỉnh Long An. Năm 1870, nghĩa quân Thủ Khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân) đã chọn vùng Dương Xuân Hội làm hậu cứ. Căn nhà Đỗ Tường Kiên làm trạm giao liên, tổng hành dinh của cuộc khởi nghĩa vùng Bình Cách - Tân An (nay là ấp Vĩnh Xuân B, xã Dương Xuân Hội). 

Năm 1875, Thủ Khoa Huân bị Pháp giết thì Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Bị bắt đưa về đình làng Dương Xuân Hội (đình Tân Xuân), Đỗ Tường Tự được dụ cho làm chức tỉnh trưởng nhưng không được và bị bắn tại chợ. 

Người anh là Đỗ Tường Phong bị giặc bắt mang về Bình Lập, cũng bị mua chuộc nhưng vẫn giữ khí tiết, bị chặt đầu, an táng ở Phú Ngãi Trị. 

Tương truyền trước khi xuất quân, hai ông được nhân dân làm lễ tế sống. Ngôi đình Tân Xuân là nơi ghi công hai ông và đặt tên đường ở thị trấn Tầm Vu.

Đình Tân Xuân lập năm 1834, có sắc phong đời vua Tự Đức thứ 5 (1852), di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Lễ hội Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu diễn ra vào dịp Nguyên tiêu (14-16 tháng giêng) là lễ hội lớn nhất tỉnh, thu hút hàng chục ngàn khách thập phương. 

Những ngày này ở đây vui hơn tết khi các cộng đồng tôn giáo như Phật giáo, Cao Đài, người Hoa đều hòa quyện tham gia vào lễ hội. Vào buổi tối của nghi thức xô giàn, người đi như trẩy hội. Các trò chơi dân gian như bắt vịt trên sông tạo nên sự huyên náo của một hội hè rất thuần phác.

Nhằm che mắt giặc Pháp, người dân địa phương bằng tấm lòng nhân ái của mình đã tổ chức lễ trai đàn, xua đuổi côn trùng phá hoại mùa màng để tưởng niệm hai vị anh hùng Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự bị Pháp giết hại. Lễ hội được công nhận danh hiệu Di sản phi vật thể cấp quốc gia năm 2015.

Từ cuối thế kỷ 19 cho đến hết thời Pháp cai trị, ở địa điểm xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành nay có 4 ngôi nhà đồ sộ của 4 đại điền chủ. Họ có ruộng cò bay thẳng cánh, lúa thóc đầy kho được gọi là "Quartier de riche" (xóm Nhà Giàu), nay là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Ở xã Dương Xuân Hội, những dòng họ Nguyễn, Đỗ, Phan vào đây lập nghiệp từ buổi đầu. Những nhà thờ họ cùng với tục cúng việc lề (cúng vật lề) với hình thức giỗ họ, một dạng tín ngưỡng đặc sắc của cư dân vào buổi đầu khẩn hoang ở vùng đất Nam Bộ như một dạng "gia phả sống", được cộng đồng nơi đây duy trì, gìn giữ qua bao đời nay. Tục cúng việc lề ở Long An được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015, trong đó có bảng công nhận được trao cho dòng họ Đỗ ở xã Dương Xuân Hội.

Từ vùng đất hoang vu thế kỷ 17, Châu Thành nay đã trở thành vùng đất trù phú. Người Châu Thành đi lên bằng chính những giá trị truyền thống để xây dựng quê hương giàu đẹp.

Thị trấn Tầm Vu của huyện Châu Thành còn là địa bàn hoạt động của các chí sĩ yêu nước như Trương Định, Phan Văn Đạt, Nguyễn Văn Trung, Trà Quý Bình. Và Tầm Vu còn gắn với câu ca dao quen thuộc:

- Gái Tầm Vu đồng xu ba đứa

Trai Thủ Thừa cưỡi ngựa xuống mua.

Chẳng phải con gái ở đây rẻ rúng gì, mà câu ca xuất phát từ trò chơi thai đố, "một đồng xu ba đứa", chữ "rẻ" với yêu cầu "xuất vật" là cái rỏ rẻ (cái ròng rọc) dùng để kéo nước.

___________________________________

"Dạ, nhà tui ở Tên Lửa". "Hả? Ở đâu?". "Tên Lửa là... trái Tên Lửa đó". Nhiều người không khỏi ngạc nhiên, tưởng nghe nhầm địa danh đặc mùi quân sự giữa đất Sài Gòn này.

Kỳ tới: Giật mình vào khu... tên lửa

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 7: Ơi đò Ca Cút, cho tui qua một chút Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 7: Ơi đò Ca Cút, cho tui qua một chút

TTO - Ca Cút, tên bến đò xưa bên phá Tam Giang có cả chục cách lý giải khác nhau, nhưng đều đọng lại trong lòng người khi nhắc nhớ một tiếng gọi đò nghe như than van giữa đời.

NGUYỄN THANH LỢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp