23/02/2021 10:35 GMT+7

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 7: Ơi đò Ca Cút, cho tui qua một chút

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Ca Cút, tên bến đò xưa bên phá Tam Giang có cả chục cách lý giải khác nhau, nhưng đều đọng lại trong lòng người khi nhắc nhớ một tiếng gọi đò nghe như than van giữa đời.

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 7: Ơi đò Ca Cút, cho tui qua một chút - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Cu, người lái đò cuối cùng và con đò từng đưa những chuyến cuối cùng tại bến Ca Cút - Ảnh: THÁI LỘC

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

Bến đò Ca Cút thuộc làng Vĩnh Trị, xã Hải Dương (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) đưa người sang phá; bên kia là cồn mồ làng Vân Quật Đông (xã Hương Phong cùng thị xã Hương Trà). Những chuyến đò kết thúc sứ mệnh khi cây cầu Ca Cút với tên gọi mới Tam Giang hoàn thành cách nay đã hơn 10 năm.

Tôi ghé làng Vĩnh Trị đúng lúc đang diễn ra lễ Cô mộ - giỗ chung đậm mặn nghĩa tình đồng bào tại miếu âm hồn giữa làng. Sau lễ chạp mồ mả của các họ trong làng, hội đồng làng phân công các cụ đi tìm những nấm mồ xiêu lạc, vô chủ rồi dọn dẹp, sửa sang, đồng thời quyên góp tiền để tổ chức cúng tế. Lễ cúng được tổ chức rất bài bản, có đủ cờ xí, trống kèn, mâm cỗ, hương hoa. Các cụ bô lão chỉnh tề lễ phục lần lượt hành lễ trang trọng lắm.

Ngôi làng này có ba xóm: xóm Trong và Ngoài ven phá Tam Giang, xóm Vĩnh Thành trên độn cát gần biển. Tôi bước ra bờ phá của xóm Trong, lần theo con đê tìm dấu bến đò Ca Cút ngày xưa. "Anh hỏi đúng người luôn. Tui là người chạy đò cuối cùng của bến Ca Cút này. Mới đó mà đã hơn 10 năm rồi, từ ngày có cây cầu nớ!" - vừa nói ông Nguyễn Cu, một ngư dân trung niên đang đứng trên đò gần đó vừa chỉ cây cầu Tam Giang bắc qua mặt phá. 

"À mà có anh Tống Sự đó nữa, từng chạy đò và cũng bán tui con đò ni" - ông chỉ về người đàn ông thấp nhỏ đang từ đê tôm hướng ra phía phá.

Câu chuyện gần như bất tận về cái nghề "làm dâu trăm họ" được hai người từng đưa đò tâm sự ngay trên con đò gần bến cũ từng đón tiễn, chứng kiến bao nỗi vui buồn. Ông Cu là người đấu trúng và đưa đò từ năm 1996 cho đến khi cầu Tam Giang hoàn thành vào năm 2010, chuyến đò kết thúc sứ mạng. Còn ông Sự thì lái đò trước ông Cu từ năm 1977-1982. Họ như giành lời nhau mà kể, chuyện vui thì ít mà chuyện bị nghe chửi dài lê thê. 

"Nhứt thời làm ruộng mồ ma; nhì thời thâu tiền chợ; thứ ba đưa đò. Làm ruộng có cồn mồ cuốc phạm là họ lôi cả tổ tiên dòng họ ra mà chửi mãi. Thâu tiền chợ thì khó để công bằng tránh được miệng mồm mấy mệ mấy o. Còn đưa đò thì kiểu chi cũng bị chửi, ai cũng muốn qua nhanh cả. Mà miệng mồm mấy mụ bán cá thì anh biết rồi, họ chửi thẳng mặt, chửi bên tai, chửi sau lưng, chỉ biết ngậm mà nghe thôi" - ông Cu trải lòng.

Nỗi niềm là vậy nhưng hai người lái đò cũng thông cảm lắm. Trước đây mấy bà gánh cá sang chợ bên thường đi bộ đường xa, chỉ cần đò chậm, lỡ đò, cá ươn không kịp "duyên chợ" thì mất giá. Cho nên hễ lên được đò, dù thấy có người còn gánh trên đê sắp tới bến cũng hối, cũng chửi vì sao lên đò rồi mà không cho nổ máy. 

Công việc đưa đò thường bắt đầu từ 4h sáng cho đến tối mịt, hễ còn người kêu là "phải đưa qua". Nhưng cũng có những đêm 1-2h sáng, đang ngủ giữa phá nghe tiếng ca cút gọi đò, thương người lỡ đường khuya khoắt, ông Sự chống đò tới nhưng chỉ thấy bến vắng lặng, sóng vỗ lấp lấp, gió hây hây thổi, nhìn quanh toàn cả màu đen mà rợn cả người. 

"Cũng vì họ kêu cha ông mình chửi dữ quá mà tui phải gác mái chèo về lại nghề rào (làm cá trên phá). Dù vậy sau bao nhiêu năm gác mái rồi, rứa mà tui còn giật mình nghe như tiếng kêu đò đang í ới gọi đò giữa đêm" - ông Sự tâm sự.

Theo các cụ già trong làng, đò Ca Cút đón đưa "chính quy" khá muộn, từ khoảng năm 1945. Trước đó, suốt hàng trăm năm người dân qua lại mặt phá rồi nhưng chỉ lẻ tẻ. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh, người trong vùng lên Huế và tỏa đi các miền thường đi đò Dừa bên làng Thai Dương cách đó mấy cây số, băng qua cửa phá và cửa sông Hương sang bến Thuận An. Còn bến đò Ca Cút này chủ yếu những người làm dâu, rể con cháu hai làng Vĩnh Trị và Vân Quật Đông phía đối diện.

Cụ Lê Bá Nhơn, phó làng Vĩnh Trị, cho biết trước 1945, mỗi lần qua đò là người dân xuống í ới những người làm tôm cá dưới phá gần đó đưa sang trả chút tiền lẻ. Đường đi lối lại lúc đó trên đê ruộng nhỏ xíu, nhão nhoẹt vào mùa mưa lạnh. Bờ phía làng Vân Quật Đông mấp mô mồ mả, phía Vĩnh Trị nằm cách xóm làng mấy bờ ruộng, nên Ca Cút cũng là chuyến đò chủ yếu đưa cán bộ Việt Minh hoạt động qua lại trong vùng... 

Đến khi cách mạng thành công, đò Ca Cút chính thức hoạt động. Người đầu tiên sắm đò đưa khách là ông Nguyễn Hói, đến ông Nguyễn Mĩnh, Nguyễn Ngựa...

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 7: Ơi đò Ca Cút, cho tui qua một chút - Ảnh 2.

Cầu Tam Giang hoàn thành năm 2010 kết thúc bến đò Ca Cút - Ảnh: THÁI LỘC

Đò ơi Ca Cút...

Cái tên Ca Cút được người dân giải thích rất nhiều nguyên do, phổ biến nhất vẫn chỉ tính chất: "kêu như kêu đò ca cút". Người thì kể về cuộc chia tay hẹn ước bên bến đò đi xa, người nữ đợi chờ rồi chết mòn chết mỏi. Sau khi người trai trở về thì người ở nhà đã hóa thành con chim ca cút.

Cụ Lê Bá Nhơn nói có ba giả thuyết chính. Gần bến Ca Cút có cồn Cồ Gộ cát trắng tinh rất nhiều cá cút như kiểu cá bơn, lép, nhỏ bằng hai móng tay người lớn trên đen, dưới trắng bơi áp sát mặt cát. Lâu dần tên bến chỉ cá và gọi trại dần thành ra Ca Cút. 

Cách thứ hai, có người mẹ bồng đứa con đau cấp cứu gọi đò; đứa con chết vì đò không qua kịp. Trông cảnh một đàn chim cút sà xuống bên người mẹ đang ôm con than khóc thảm thiết, người ta gọi Ca Cút. Cách thứ ba: Ca Cút là tiếng vang vọng đẩy đưa trong tiếng sóng gió, có khi mất hút khi ai đó gọi đò...

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho biết: "Ca Cút là một sự gọi nhầm, một sự biến âm của cái cửa". Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định thời Gia Long, quyển 5 ghi rõ: "Từ đường ngang mới đắp trước cửa đông bắc kinh thành đi 5.954 tầm đến bến Vĩnh Trị, tục gọi là bến đò Cửa Cốt". 

Theo ông Vinh, cửa cốt tức cửa cụt: "Trước đây ở đó có cửa biển bị lấp đi nên gọi là cửa cụt, nhưng người dân chẳng thấy cửa đâu đọc lâu ngày thành ra Ca Cút".

Tương đồng với thực địa ngày nay, sách của Lê Quang Định cũng ghi rõ phá Tam Giang đoạn bến đò Cửa Cốt hẹp và sâu nhất. Trong đó đoạn gần đầu nguồn ngang làng Thế Chí rộng 1.200 tầm, sâu 3 thước 7 tấc; đoạn Vũng Tu (nay là Vĩnh Tu) rộng 1.150 tầm, sâu 1 tầm 3 thước; đoạn chợ Thành Công rộng 1.140 tầm, sâu 2 tầm. Trong khi đó, hẹp nhất và sâu nhất của con phá này chính là: "đến bến Cửa Cốt, rộng 245 tầm, sâu 3 tầm 1 thước".

Đứng trên bến đò xưa nay là con đê, trong cơn gió nhẹ sóng miên man trải dài trên mặt phá và cây cầu "Ca Cút" ở đằng kia, tôi chợt giật mình rằng nơi đây ngày xưa biết bao người từng Ca Cút gọi đò ơi...

Tha thiết được đổi tên thành cầu Ca Cút

"Phá Tam Giang dài, nhiều cầu bắc qua được đặt theo tên bến đò, địa danh nơi đó như Điền Lộc, Thuận An, Trường Hà, Tư Hiền. Vậy mà khi xây cầu ở bến đò Ca Cút thì người ta lại đặt tên Tam Giang. Dân làng tui buồn lắm, rất tha thiết được đặt lại tên Ca Cút gắn liền gốc tích từ xưa của làng" - cụ Lê Bá Nhơn, phó làng Vĩnh Trị.

*****************

>> Kỳ tới: Châu Thành là Châu Thành nào?

"Đất Châu Thành nam thanh nữ tú/Trong vườn thú đủ các thứ chim". Tại sao lại nhiều tỉnh miền Nam có tên Châu Thành?

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 6: Luộc gà đi lễ làng Gà Luộc Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 6: Luộc gà đi lễ làng Gà Luộc

TTO - Làng Gà Luộc nằm bên bờ sông Lô, cách trận địa pháo ở ngã ba sông Lô với sông Gâm chừng dăm cây số lên phía thượng nguồn.

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp